Mua ngay tình, sở hữu hợp pháp
Nhà số 194, phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là tài sản mà chủ sở hữu Cty TNHH Bắc Sơn đã đem thế chấp để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng giữa Cty Bắc Sơn với Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Nam Thăng Long. Do Cty Bắc Sơn không trả được nợ, nên Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Nam Thăng Long đã khởi kiện ra tòa để đòi nợ.
Ngày 19/12/2007, TAND TP Hà Nội có Quyết định số 143/2007/QĐST-KDTM, công nhận việc thỏa thuận của Cty Bắc Sơn và Chi nhánh Nam Thăng Long về việc giải quyết khoản nợ cả gốc và lãi là 25,5 tỷ đồng. Theo đó, Công ty Bắc Sơn cam kết sẽ trả nợ 15 tỷ đồng trong vòng 3 tháng kể từ ngày 19/12/2007. Nếu không trả được nợ, tài sản thế chấp là ngôi nhà 194 phố Huế sẽ được “xử lý” để ngân hàng thu hồi nợ.
Nhưng phương án trả nợ mà tòa án công nhận đã không được thực hiện dẫn đến việc phải xử lý tài sản thế chấp. Phía Chi nhánh Nam Thăng Long đã yêu cầu Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hai Bà Trưng kê biên một phần ngôi nhà 194 phố Huế để đảm bảo thi hành án. Sau khi tài sản này bị kê biên, ngày 28/4/2009, Cty Bắc Sơn và Chi nhánh Nam Thăng Long cùng vợ chồng ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Cty Bắc Sơn thỏa thuận giá của ngôi nhà 194 phố Huế là 250 triệu/m2.
Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hai Bà Trưng đã ủy quyền cho Cty cổ phần bán đấu giá Hà Nội bán đấu giá phần tài sản bị kê biên là 139,68m2 đất và nhà số 194 phố Huế. Sau khi thông báo công khai, ngày 24/8/2009 phiên bán đấu giá được thực hiện. Sau hai vòng, ông Đặng Văn Thoán, trú tại 59 Phương Mai, Hà Nội đã trúng đấu giá với mức giá cao hơn giá khởi điểm là 100 triệu đồng.
Sau khi các thủ tục mua bán hoàn thành, ông Thoán làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tài sản vẫn chưa được giao cho ông do những cản trở từ phía người phải thi hành án. Vừa qua, sau hơn 2 năm bị trì hoãn, Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng đã có quyết định cưỡng chế, buộc những người đang quản lý ngôi nhà 194 phố Huế phải giao lại phần tài sản đã bán đấu giá cho ông Thoán.
Công nhiên phạm luật, cơ quan có trách nhiệm làm ngơ
Ngày 7/7/2011, sau khi nhận diện tích nhà 194 phố Hếu từ cơ quan thi hành án, ông Thoán đã thuê Cty bảo vệ Việt Tín bảo vệ tài sản này. Lực lượng bảo vệ với 3 thành viên đã bảo vệ ngôi nhà 24 giờ/ngày; lắp đặt camera và một số thiết bị khác để bảo vệ tài sản được giao.
Nhưng ngày 29/7/2011 vừa qua, ông Hoàng Ngọc Minh cùng một số người khác đã xông vào nhà, đuổi bảo vệ ra và chiếm giữ ngôi nhà 194 phố Huế đã thuộc sở hữu của ông Thoán.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Cty bảo vệ Việt Tín thì sau khi chiếm giữ nhà của ông Thoán, ông Minh đã hạ cửa cuốn, cắt điện, dùng dây xích khóa cửa và phá hoại toàn bộ máy camera an ninh mới được lắp đặt, phá bức tường tôn khung thép mà cơ quan thi hành án đã cho xây dựng khi thực hiện việc cưỡng chế giao nhà. Khi hành vi xâm phạm tài sản này xảy ra, Cty bảo vệ Việt Tín đã trình báo đến Công an phường Ngô Thì Nhậm và Công an quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn.. im lặng.
Phải khó khăn lắm cơ quan thi hành án mới thực hiện xong Quyết định 143/2007/QĐST-KDTM của Tòa án để giao tài sản cho người mua hợp pháp. Thế nhưng, những nỗ lực của cơ quan thi hành án đã vô nghĩa khi người phải thi hành án bất chấp pháp luật, dùng vũ lực để chiếm giữ nhà đã thuộc sở hữu của ông Thoán và hủy hoại phần tài sản được xây dựng, lắp đặt mới nhằm đảm bảo an ninh, an toàn của tài sản.
Việc làm trái pháp luật đó diễn ra giữa một phố trung tâm Thủ đô Hà Nội. Nhưng không hiểu vì sao, các cơ quan có trách nhiệm trong việc bảo vệ trật tự, trị an và tài sản của công dân quận Hai Bà Trưng, phường Ngô Thì Nhậm lại làm ngơ, không xử lý. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi liệu có sự bảo kê cho hành vi chiếm nhà trái pháp luật hay không?, chúng tôi sẽ làm việc với Công an quận Hai Bà Trưng, Công an phường Ngô Thi Nhậm và thông tin đến bạn đọc trong thời gian sớm nhất.
Việc chủ cũ của ngôi nhà 194 phố Huế chiếm giữ trái phép tài sản có vi phạm pháp luật hay không, mức độ như thế nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Minh Hải về vấn đề này.
Thưa Luật sư, ông có nhận xét thế nào về việc các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trật tự, trị an phường Ngô Thì Nhậm và quận Hai Bà Trưng không xử lý gì đối với việc chiếm giữ trái phép tài sản? - Sự việc đuổi bảo vệ và chiếm nhà diễn ra ngày 29/7/2001 rất ầm ĩ, gây mất trật tự đô thi và xâm hại đến tài sản hợp pháp của công dân không phải là việc nhỏ mà ngược lại, đây là vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng. Đây cũng không phải là vụ việc tranh chấp quyền sở hữu mà là vụ việc xâm phạm quyền sở hữu. Vì thế, tôi cũng thấy bất bình khi cơ quan công an phường, quận sở tại lại không có động thái gì để giải quyết vụ việc, ít nhất là lập biên bản hiện trường, biên bản sự việc chiếm nhà và thực hiện các biện pháp để giữ gì trật tự trị an. Ông cho rằng, đây không phải là một vụ tranh chấp mà là một vụ xâm phạm quyền sở hữu, ông có thể giải thích rõ hơn vấn đề này theo các quy định của pháp luật hiện hành, thưa ông? - Theo quy định của pháp luật về xác lập quyền sở hữu tài sản, ông Thoán đã là chủ sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với phần diện tích nhà đã mua từ phiên đấu giá. Pháp luật quy định rất rõ ràng về việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản mua từ đấu giá. Theo đó, chủ cũ của tài sản không có quyền đòi lại hay tranh chấp với người mua tài sản từ việc đấu giá. Các điều 138, 238 Bộ Luật dân sự đã quy định rõ, chủ sở hữu không được đòi lại tài sản là động sản phải đăng ký hoặc bất động sản mà người thứ ba đã chiếm hữu, sở hữu ngay tình thông qua bán đấu giá. Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc ông Đặng Văn Thoán là chủ tài sản đã rõ, không có vướng mắc hoặc tranh chấp gì về quyền sở hữu cả. Vậy, việc chủ cũ của tài sản cố ý chiếm giữ tài sản, hủy hoại các thiết bị được xây dựng và lắp đặt để bảo vệ tài sản phải xử lý như thế nào, thưa ông? Đây là một hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu của công dân. Vì là bất động sản nên hành vi vi phạm này không làm mất quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản mà chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu. Về việc xử lý hành vi này, tại Điều 141, Bộ luật Hình sự có quy định về tội “chiếm giữ trái phép tài sản”. Nếu người chiếm giữ không trả lại cho chủ sở hữu hoặc cơ quan có thẩm quyền tài sản mà họ chiếm giữ có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến 2 năm. Ngoài ra, nếu các tài sản trong nhà bị phá, hủy hoại có giá trị từ 500 nghìn trở lên thì người hủy hoại tài sản cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ luật hình sự. Để xử lý được vi phạm này, cơ quan có thẩm quyền là Công an quận Hai Bà Trưng phải thực hiện ngay việc điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu việc chiếm giữ trái phép nhà và phá hoại tài sản có đủ dấu hiệu của tội phạm. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh