Sau khi Báo PLVN ra ngày 12/4/2012 có bài “Dân bức xúc, chính quyền đủng đỉnh!?”, phản ánh sự hoang mang của người dân trước sự lộng hành của côn đồ tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM, các cơ quan chức năng đã vào cuộc…
Người dân Thị trấn Củ Chi tìm đọc thông tin trên báo Pháp Luật Việt Nam |
Ngày 09/4/2012, Văn phòng UBND huyện Củ Chi đã có Văn bản số 1809 truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND huyện này chỉ đạo Công an và UBND xã An Nhơn Tây phối hợp giải quyết nội dung tố cáo của vợ chồng anh Nguyễn Phú Cường, chị Lê Thị Ngọc Hồng về việc bị Lưu Nguyễn Tường Minh, Trần Thị Kim Hiền (con ruột và con dâu ông Nguyễn Văn Tèo, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây) cùng một số thanh niên có hành vi đe dọa đến tính mạng, tài sản ngày 12/3/2012.
Tiếp đó, ngày 13/4/2012, Thượng tá Nguyễn Văn Bổn - Phó Trưởng Công an huyện Củ Chi - cũng đã ký Văn bản số 48 gửi gia đình bà Lê Thị Lang với nội dung “khiếu nại Công an xã An Nhơn Tây không giải quyết hành vi côn đồ, đe dọa giết người của Lưu Nguyễn Tường Minh và Bảo… chuyển đến Đội CSĐTTP về TTXH thụ lý giải quyết…”.
Khi nhận được văn bản của Công an huyện Củ Chi, bà Lê Thị Lang (SN 1951) nói: “Cảm ơn Báo Pháp luật Việt Nam đã nói lên được nỗi bức xúc của người dân. Tôi và bà con rất vui khi vụ việc được Công an huyện Củ Chi tiếp nhận chỉ đạo xác. Mong cơ quan chức năng làm rõ hành vi côn đồ của Lưu Nguyễn Tường Minh và đồng bọn, để người dân chúng tôi yên ổn làm ăn…”.
Chưa hết, sau khi báo phát hành, chúng tôi nhận được nhiều thông tin của bạn đọc phản ánh ông Nguyễn Văn Tèo - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây - từng bị cơ quan chức năng huyện Củ Chi xử lý vì đã có các việc làm sai trái nhưng đến nay ông Tèo vẫn yên ổn khiến những người phát hiện ra sai phạm của ông Tèo sống trong lo sợ.
Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, ngày 14/02/2012 Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây Nguyễn Văn Tèo đã ký “Thông báo về các khoản thu vận động, đóng góp trong nhân dân năm 2012”, ấn định biểu giá “các loại phí, quỹ” bắt buộc người dân phải đóng.
Cụ thể danh mục mà người dân phải đóng như sau: Quỹ an ninh quốc phòng 10.000 đồng/hộ/năm; Quỹ đền ơn đáp nghĩa 7.000 đồng/hộ/năm; Quỹ xóa đói giảm nghèo 7.000 đồng/hộ/năm; 4/Quỹ bảo trợ trẻ em 7.000 đồng/hộ/năm; 5/Quỹ vì người nghèo 4.000 đồng/hộ/năm…
Tuy nhiên, Nghị định số 50 ngày 10/5/2010 của Chính phủ, chỉ một loại quỹ bắt buộc công dân trong độ tuổi qui định phải đóng góp, đó là Quỹ phòng, chống lụt bão. Để chấn chỉnh các khoản thu đóng góp, vận động trong nhân dân, UBND TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định số 5742/QĐ-UBND. Theo đó, đối với các khoản huy động đóng góp cho quỹ xã hội, quỹ từ thiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các hoạt động có tính chất xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện.
UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.
Chưa hết, để “thuyết phục” người dân địa phương hơn, trong “Thông báo về các khoản thu vận động, đóng góp trong nhân dân năm 2012”, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây Nguyễn Văn Tèo có nêu rõ nội dung để làm “căn cứ” như sau: “Căn cứ các văn bản pháp quy của nhà nước và chỉ tiêu giao ước thi đua của Uy ban nhân dân huyện Củ Chi trong năm 2012…” (trích nguyên văn). Thật hài hước khi vin vào điều trên để thu các loại phí mà lẽ ra người dân không phải đóng.
BOX: Trao đổi với báo chí, ông Tạ Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài Chính TP.HCM, khẳng định: “Để chấn chỉnh các khoản thu vận động, đóng góp trong nhân dân, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 5742… Không một cơ quan nào được tự đặt ra các khoản huy động đóng góp ngoài qui định của Trung ương, Thành phố…”.
Anh Duy - Nhật Anh