Tỷ phú kim cương người Ấn ĐộSavji Dholakia. |
Là một tỷ phú kim cương, chủ sở hữu của các doanh nghiệp có mặt trên 71 quốc gia, nhưng tỷ phú người Ấn Độ Savji Dholakia không hề cho cậu con trai sống trong nhung lụa. Ngược lại, ông đẩy con trai ra đường kiếm sống như một người lao động bình thường.
Tỷ phú Savji Dholakia từng nổi tiếng báo giới với việc tặng các nhân viên của mình hàng trăm chiếc xe hơi và căn hộ như một cách khen thưởng mỗi năm.
Nhưng cậu con trai Hitarth của ông thì từng bị đẩy tới thành phố Hyderabad chỉ với 500 rupi (hơn 150 nghìn đồng) trong túi, không có nơi nào để ở hay bất kỳ số điện thoại, mối quan hệ nào của gia đình để nhờ xin việc.
Hitarth lúc ấy vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh từ một trường đại học danh tiếng ở New York, Mỹ.
Anh dự tính quay về Ấn Độ để dành thời gian cho gia đình, nhưng ngay lập tức, ông bố tỷ phú đã quyết định đẩy con trai ra đường kiếm sống thay vì "sống bám vào gia đình".
Đó là một thách thức thực sự khi năm ấy Hitarth chỉ mới 23 tuổi và chưa bao giờ quen với việc xoay sở kiếm ăn một mình. Trước đó, khi sống ở Mỹ gần 3 năm, Hitarth cũng chưa từng phải lo lắng tới chuyện tiền bạc hay vật chất.
Hitarth (thứ 2 từ trái sang) chụp cùng gia đình. |
Ngay khi hạ cánh xuống sân bay, anh được lệnh phải tới thành phố Hyderabad để kiếm cơm trong suốt 1 tháng tiếp theo.
“Tôi không biết thành phố này nằm ở đâu, ở miền nào của đất nước, hay văn hoá và ngôn ngữ của nó là gì. Tôi đã rất sợ nhưng vẫn tự tin. Chỉ với 500 rupi trong túi, không có điện thoại hay bất cứ thứ gì khác, tôi đã tới Hyderabad và bắt đầu cuộc sống mới của mình”, Hitarth kể.
Theo yêu cầu của ông bố, anh phải kiếm đủ 2 bữa ăn mỗi ngày ở Hyderabad trong 30 ngày tiếp theo. Một yêu cầu kỳ quặc khác là anh không được làm công việc nào quá 7 ngày, mà tuần nào cũng phải tìm một công việc mới.
Ở thành phố mới, Hitarth cũng không được sử dụng danh tiếng của gia đình hay bất cứ điều gì liên quan tới gia đình, kể cả trình độ học vấn của anh để xin việc.
“Tôi là một thanh niên được đào tạo ở Mỹ, có bằng lái máy bay tư nhân, có cả chứng chỉ đánh giá kim cương, nhưng chẳng có gì hữu ích với tôi khi đến Hyderabad. Ngay lập tức, tôi lao vào tìm việc vì gần như tôi chẳng có tiền trong tay. May mắn, tôi tìm được một nhà nghỉ với giá 100 rupi. Tôi ở chung phòng với 17 người khác. Nhiệm vụ tiếp theo là phải tìm được việc làm. Sau 3 ngày nỗ lực, tôi được nhận vào làm ở một công ty thực phẩm đa quốc gia với mức lương 4.000 rupi/tháng. Nhưng theo quy định, tôi chỉ được làm việc ở đó 5 ngày rồi xin nghỉ”.
Sau đó, anh lại xin được việc ở một cơ sở sản xuất bảng trắng. Hitarth lại làm 5 ngày và kiếm được 1.500 rupi. Anh đổi 4 công việc khác nhau trong vòng 4 tuần và đến cuối tháng kiếm được 5.000 rupi tất cả.
Từ một cậu ấm, Hitarth phải ở chung với 17 người khác trong một căn phòng. |
Cuộc sống của Hitarth thay đổi hoàn toàn trong vòng 1 tháng. |
Hitarth làm đúng theo thử thách - tìm 4 công việc khác nhau trong vòng 4 tuần. |
Chia sẻ với tờ India Today, em gái của Hitarth cho biết: “Tôi đã sốc khi tới Hyderabad thăm nơi anh ấy sống và làm việc. Đó thực sự là một công việc khó khăn và một tình huống khó có thể tin với chúng tôi. Nhưng tôi tự hào về anh ấy và gia đình tôi cũng sẽ tiếp tục duy trì truyền thống này để giữ cho chúng tôi có nền tảng, biết tôn trọng con người cũng như tầm quan trọng của tiền bạc”.
Từ lâu, gia đình Dholakia đã có truyền thống đẩy con cái rời xa cuộc sống xa hoa để tự kiếm ăn.
Pintu Tulsi Bhai Dholakia, 31 tuổi là người đầu tiên trong nhà có trải nghiệm khắc nghiệt này. Hiện tại, Pintu là CEO của một công ty của gia đình.
Tương tự, năm 2016, gia đình Dholakia cũng cho cậu con trai 21 tuổi tới tỉnh Kochi nằm trên hòn đảo Shikoku của Nhật Bản để học cách sinh tồn.