Quy định pháp luật còn thiếu vắng
Quyền đối với họ, tên là một quyền nhân thân cơ bản của con người nhằm xác lập tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự. Thông thường, họ của cá nhân được xác định theo họ của cha đẻ, hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ. Như vậy, mọi cá nhân đều có quyền mang họ của cha hoặc mẹ đẻ.
Đối với cá nhân được nhận làm con nuôi, họ, tên của con nuôi được xác định như thế nào, có được xác định theo họ của cha nuôi, mẹ nuôi không? Về việc này, quy định pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu vắng, ngoại trừ quy định thay đổi họ, tên cho con nuôi theo yêu cầu của cha mẹ nuôi.
Cụ thể, Điều 27 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 có quy định tại Điểm b Khoản 1, theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt.
Khoản 2 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 cũng quy định trên cơ sở Điều 27 BLDS như sau: Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
Như vậy, BLDS năm 2005 và Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định việc thay đổi họ, tên cho con nuôi dựa trên yêu cầu của cha mẹ nuôi. Quy định này dẫn đến hai cách hiểu như sau: Nếu cha mẹ nuôi không có yêu cầu thì con nuôi vẫn giữ nguyên họ, tên như trước khi được nhận làm con nuôi; nếu cha mẹ nuôi có yêu cầu thì cơ quan nhà nước quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Quy định như vậy mang tính thủ tục và áp đặt ý chí của cha mẹ nuôi và cơ quan quản lý tới quyền đối với họ, tên của con nuôi; con nuôi không đương nhiên mang họ của cha mẹ nuôi, đồng thời quy định hiện hành cũng chưa chỉ rõ họ, tên của con nuôi được xác định như thế nào ?
Điều đó có nghĩa là, quyền đối với họ, tên của con nuôi mới chỉ được quy định ở quyền thay đổi họ, tên. Quyền này lại bị giới hạn bởi yêu cầu của người nhận con nuôi và thỏa thuận giữa cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ.
Điều này có ảnh hưởng ít nhiều tới lợi ích tốt nhất của con nuôi, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho con nuôi hòa nhập tốt nhất với gia đình cha mẹ nuôi vì chưa trao cho con nuôi quyền mang họ của người nhận con nuôi. Quy định dưới luật mới chỉ hướng dẫn ghi bổ sung họ, tên của cha nuôi, mẹ nuôi vào phần khai về cha, mẹ còn để trống trong giấy khai sinh của con nuôi trong trường hợp con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi.
Đối với trường hợp con nuôi còn có cha mẹ đẻ, thay đổi phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi phải có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Như vậy, các quy định dưới luật cũng chưa đề cập tới việc thay đổi họ, tên của con nuôi mà mới chỉ quy định về thay đổi phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh của con nuôi.
Ths. Phạm Thị Kim Anh |
Có thể nói, hiện nay các văn bản hiện hành liên quan đến quyền đối với họ, tên của con nuôi vẫn còn thiếu quy định xác định họ, tên của con nuôi trong khi pháp luật hiện hành coi con nuôi như con đẻ, cấm phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
Việc xác định họ, tên của con nuôi theo thủ tục thay đổi họ, tên tạo ra những thủ tục hành chính cồng kềnh và rất nặng nề, kể cả đối với trường hợp nuôi con nuôi trong nước cũng như con nuôi nước ngoài. Cụ thể như sau: Sau khi có giấy chứng nhận cho nhận con nuôi trong nước, nếu có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thay đổi họ, tên cho con nuôi.
Trong trường hợp con nuôi còn cha mẹ đẻ, cần phải có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên; trước đó theo thủ tục cho nhận con nuôi, cha mẹ đẻ đã thể hiện ý kiến đồng ý cho trẻ em làm con nuôi. Như vậy, cha mẹ đẻ cần phải thể hiện hai loại ý kiến đồng ý (đồng ý cho con làm con nuôi và đồng ý thay đổi họ, tên cho con).
Thiết nghĩ, trong trường hợp cha mẹ đẻ đã đồng ý cho con làm con nuôi tức là đã đồng ý với hệ quả của việc nuôi con nuôi theo Điều 24 Luật Nuôi con nuôi (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) thì việc thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi sau khi cho con làm con nuôi để thay đổi họ, tên cho con đã được cho làm con nuôi là một thủ tục không cần thiết.
Đối với trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi nước ngoài, sau khi có quyết định cho nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, nếu áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi và Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP thì việc thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi người nước ngoài để thay đổi họ, tên cho con nuôi là một điều hết sức khó khăn; chưa nói đến hiện tại các cơ quan có thẩm quyền phải vận dụng Nghị định số 06/2012/NĐ-CP để giải quyết từng trường hợp thay đổi họ, tên cho con nuôi trong trường hợp cha mẹ nuôi là người nước ngoài bởi lẽ quy định hiện hành còn chưa đồng bộ về thẩm quyền giải quyết.
Trên thực tế, chúng ta đã giải quyết một số yêu cầu của cha mẹ nuôi nước ngoài về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi, song thời gian giải quyết kéo dài, có khi tới hàng năm, điều này gây tâm lý lo lắng và e ngại cho cha mẹ nuôi, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của trẻ em được nhận làm con nuôi, ví dụ trẻ em phải có giấy khai sinh mới để được đăng ký vào trường học theo sự lựa chọn của cha mẹ nuôi hoặc cha mẹ nuôi có thể tiến hành thủ tục thay đổi quốc tịch cho con nuôi theo quốc tịch của mình.
Cần nghiên cứu và bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Về quyền đối với họ, tên của con nuôi, Khoản 2 Điều 31 Dự thảo BLDS (sửa đổi) quy định như sau: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ thì họ của cá nhân do pháp luật về hộ tịch hoặc nuôi con nuôi quy định”.
So với Điều 26 BLDS năm 2005 thì Dự thảo Điều 31 có tiến bộ hơn khi quy định về việc xác định họ cho con nuôi. Tuy nhiên, khi dẫn chiếu tới Luật Nuôi con nuôi thì quy định này lại không thực hiện được vì Luật chưa có quy định về việc xác định họ cho con nuôi; Khoản 2 Điều 24 Luật mới chỉ quy định việc thay đổi họ, tên của con nuôi trên cơ sở Điều 27 BLDS năm 2005. Vô hình trung, quy định như dự thảo Điều 31 vẫn chưa giải quyết được gốc gác vấn đề về việc con nuôi có quyền mang họ của cha, mẹ nuôi hay không.
Về quyền thay đổi họ, tên của con nuôi, Dự thảo Điểm b Khoản 1 Điều 32 BLDS (sửa đổi) vẫn giữ nguyên quy định của Điểm b Khoản 1 Điều 27 BLDS năm 2005. Tức là theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt. Quy định này đã được nêu tại Khoản 5 Điều 27 Luật Nuôi con nuôi. Vì vậy, Dự thảo BLDS nên có quy định dẫn chiếu Luật Nuôi con nuôi.
Nên quy định con nuôi có quyền mang họ của cha nuôi, mẹ nuôi
Trên phương diện quyền con người, việc công nhận con nuôi có quyền mang họ của cha nuôi, mẹ nuôi là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013 vì đây là một quyền nhân thân cơ bản của con người.
Quy định con nuôi có quyền mang họ của cha nuôi, mẹ nuôi là nhằm đảm bảo mục đích nuôi con nuôi là xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi.
Trong khuôn khổ cải cách thủ tục hành chính, việc quy định rõ họ của con nuôi được xác định theo họ của cha nuôi, mẹ nuôi sẽ giảm bớt thủ tục lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ trong việc thay đổi họ, tên cho con nuôi; đôi khi việc lấy lại ý kiến đồng ý của họ lại là một cản trở đối với việc xác lập quan hệ cha mẹ con nuôi.
Trường hợp trẻ em làm con nuôi nước ngoài được mang họ của cha mẹ nuôi sẽ tránh được thủ tục thay đổi họ, tên cho con nuôi trước tòa án nước ngoài; như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em hòa nhập ở nước nhận, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của trẻ em.
Xuất phát từ những nghiên cứu về pháp luật quốc tế và qua rà soát các quy định liên quan đến quyền đối với họ, tên và quyền thay đổi họ, tên của con nuôi, chúng tôi thiết nghĩ Dự thảo BLDS (sửa đổi) nên quy định con nuôi có quyền mang họ của cha nuôi, mẹ nuôi chứ không phải tiến hành thủ tục thay đổi họ, tên cho con nuôi thì con nuôi mới có quyền mang họ của cha nuôi, mẹ nuôi. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới được pháp luật dân sự của nhiều nước công nhận nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của con nuôi.
Nhiều nước trao cho con nuôi quyền mang tên, họ của người nhận con nuôi
Việc nhận con nuôi là một hành vi pháp lý nhằm xác lập mối quan hệ cha mẹ con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đồng thời cũng làm thay đổi mối quan hệ cha, mẹ con giữa cha mẹ đẻ và người được cho làm con nuôi. Hầu hết các nước như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Đan Mạch đều trao cho con nuôi quyền mang tên họ của người nhận con nuôi.
Điều này khẳng định việc nhận con nuôi là nhằm xác lập mối quan hệ cha mẹ con lâu dài và bền vững, nhất là khi trẻ em được nhận làm con nuôi theo hình thức trọn vẹn, việc xác định họ và thay đổi họ, tên của con nuôi là những quy định được ghi nhận rõ ràng trong Bộ luật Dân sự của các nước nêu trên.