Con mắc trọng bệnh, cha lặng lẽ “phủi tay” bỏ đi

 Hai mẹ con chị Thanh
Hai mẹ con chị Thanh
(PLO) -Khi con vừa tròn 10 tuổi, chị Thanh bàng hoàng phát hiện con gái mắc bệnh thiếu máu huyết tán. Những tưởng trong khoảng thời gian khốn khó ấy, chị sẽ nhận được sự sẻ chia, quan tâm của người chồng. Nhưng không, chồng hờ sau khi biết con gái mắc bệnh, đã bỏ đi.  

Cha bỏ đi khi biết con mắc bạo bệnh

Gần 10 năm nay, mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1974, ngụ xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, Nghệ An) sống như người vô gia cư. Vì để có tiền đi truyền máu cho con, chị phải lặn lội khắp nơi, làm đủ nghề.

Người phụ nữ này cho hay cứ góp được chút tiền, chị lại vội đưa con đến bệnh viện để truyền máu. Sau đó lại dắt díu nhau đi làm thuê rồi về quê nương tựa người thân. Nhưng xem ra những đồng tiền ít ỏi mà chị kiếm được từ nghề phụ hồ chẳng thấm vào đâu so với bệnh thiếu tán huyết máu, lá lách to của đứa con gái tội nghiệp.

Bản thân sinh ra trong một gia đình nông dân đông con, lại sớm mồ côi bố nên từ nhỏ Thanh đã chịu thiệt thòi hơn so với chúng bạn cùng trang lứa. Học chưa hết cấp 3, Thanh phải nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền.

Nơi đất khách quê người, cô gái ấy đã làm đủ nghề để mưu sinh, kiếm sống. Bước vào tuổi cập kê, chị đồng ý trao thân gửi phận cho một người đàn ông quê xa. Không lâu sau, cô gái trẻ biết mình đang mang giọt máu chung của hai người. 

Khi biết tin, lòng chị ngổn ngang suy nghĩ, vừa mừng lại vừa lo. Trước tình cảnh ấy, chị đã đánh tiếng với người yêu tính chuyện cưới xin nhưng người này đã đưa ra nhiều lý do để trì hoãn. Lúc thì bảo kinh tế chưa cho phép, khi thì nói quan trọng là tình cảm vợ chồng với nhau.

Sau thời gian chờ đợi, nhưng không thấy người yêu có động tĩnh gì, chị chấp nhận sống cuộc sống hôn nhân không có ràng buộc về mặt pháp lý với người đàn ông đó. Với chị, niềm hạnh phúc lớn nhất là đứa con gái bụ bẫm Nguyễn Thị Dung (SN 1998).

Nhưng những tháng ngày hạnh phúc của gia đình này nhanh chóng trôi đi. Năm 2008, Dung thường xuyên đau ốm, thể trạng yếu. Xót con, chị Thanh vội gom hết tiền bạc mua thuốc về bồi bổ nhưng không ích gì.

Cuối cùng, người phụ nữ này phải vay mượn thêm tiền bạc từ anh em họ hàng đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Sau nhiều lần làm xét nghiệm chị bàng hoàng nhận hung tin, con gái bị bệnh thiếu máu huyết tán.

Theo lời bác sỹ, đây là một căn bệnh vô phương cứu chữa, muốn duy trì mạng sống chỉ có một cách duy nhất là truyền máu. 

Choáng váng sau khi nhận được hung tin, nhưng chị luôn tự trấn an mình, vì dù sao vẫn còn người chồng bên cạnh. Thế nhưng không lâu sau khi biết con gái mắc bệnh hiểm nghèo, người đàn ông đó đã bỏ đi không một lời từ biệt.

Suốt thời gian dài, chị ôm con chờ chồng. Chờ mãi mà không thấy tung tích gì, hi vọng ngày anh về với mẹ con cũng lụi dần. Chị lại tự dặn lòng mình phải mạnh mẽ, vì con mà sống. Nhiều đêm nhìn con ngủ nước mắt chị trào ra.

Quyết không để cho con mang bệnh, chị vay chỗ này, mượn chỗ nọ được ít tiền dồn cả vào chữa bệnh cho con. Tiền cạn dần nhưng căn bệnh thiếu máu huyết tán vẫn đeo bám, Dung không còn đủ sức khỏe để tiếp tục đến lớp. Ước mơ đèn sách khép lại khi em vừa bước vào lớp 4.

Người mẹ gửi con cho ông bà ngoại xuống thành phố Vinh làm nghề giúp việc gia đình. Số tiền ít ỏi kiếm được, chị gửi cả về cho mẹ, nhờ chăm sóc, lo thuốc thang, bồi bổ cho con mình.

Cầm cự được vài năm, vì con gái thường xuyên đau nhức, khóc lóc suốt đêm, chị đành bỏ dở công việc về quê cùng con. Tại quê nghèo, hai mẹ con sống trong căn nhà nhỏ, trên mảnh đất bà ngoại cắt cho.

Nghèo rớt mồng tơi chống chọi bệnh tật

Sau một thời gian chống chọi với bệnh thiếu máu huyết tán, căn bệnh khác lại xuất hiện khiến sức khỏe Dung càng nguy kịch. Thời điểm đó, Dung mắc thêm chứng lá lách to, gan to hơn bình thường, bác sỹ yêu cầu nhập viện gấp.

Vội vàng bắt xe xuống thành phố để phẫu thuật cho con mà lòng chị như bị từng nhát dao cứa vào. Khi con gái xuất viện, chị thuê tạm phòng trọ để hai mẹ con sinh sống. Chị bảo, sợ về quê đường sá cách trở, lỡ con có mệnh hệ gì thì xoay xở không kịp. Vậy là trong gian nhà trọ chật chội, hai mẹ con khốn khó nương tựa nhau sống qua ngày.

Để có tiền lo trang trải mọi chi phí, chị theo người em trai đi làm phụ hồ tại các công trường xây dựng. Hôm nào thấy con kêu trong người mệt mỏi, sợ con gái ở nhà một mình nguy hiểm, chị đành phải đưa đến nơi làm việc để tiện chăm sóc.

Hai mẹ con sống như vậy từ năm này đến năm khác trong sự thiếu thốn trăm bề và cơn đau bệnh tật. Người thân dù rất thương cảm nhưng vì ai cũng nghèo đói cả nên chẳng giúp được gì nhiều, ngoài những lời động viên tinh thần. 

Đến nay, dù đã 18 tuổi nhưng trông Dung chỉ như đứa bé lên 5. Em nặng 20kg, thân hình gầy gò, hơi thở yếu, lâu lâu lại ngắt quãng đầy vẻ mệt mỏi khiến ai nhìn vào cũng phải thương cảm. Căn bệnh thiếu máu huyết tán hiểm nghèo lại thêm lá lách to, gan to làm bụng em phình lên trông thấy.

Làn da màu vàng nhợt nhạt, khuôn mặt trắng bệch... Nhìn con, chị Thanh nghèn nghẹn: “Bằng lứa tuổi này, con người ta đã thành thiếu nữ, biết giúp mẹ công việc, nhưng Dung thì như đứa trẻ vậy”.

Để duy trì sự sống, bệnh viện quy định mỗi tháng bệnh nhân phải truyền máu một lần. Mỗi lần như vậy số cũng tiêu tốn ngót nghét chục triệu. Nhưng vì không đủ tiền, chị không thể đưa con tới bệnh viện theo đúng lịch hẹn.

Thay vào đó cứ cách vài ba tháng, hai mẹ con mới đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Lượng máu truyền vào không đủ cho thân hình em phát triển. Vì sống nhờ vào máu của người khác khiến Dung cũng mệt mỏi.

Em chia sẻ: “Năm ngoái người em thiếu máu, mẹ đưa em vào viện mua máu nhưng bệnh viện cũng hết. Em thuộc nhóm máu A ít ai trùng nhóm máu, mẹ phải van xin khắp nơi. Em chỉ ước mình được khỏe mạnh bình thường như bao người khác để mẹ đỡ vất vả”.

Người mẹ cho hay, mấy năm trở lại đây, nhờ con có bảo hiểm y tế nên số tiền được giảm đi ít nhiều. Tuy vậy, chỉ tính riêng tiền thuốc uống bổ sung, ăn uống, đi lại của hai mẹ con cũng đã tiêu tốn khoản tiền không nhỏ. Hơn 10 năm quần quật đi làm thuê, chị chỉ mong kiếm đủ số tiền 30 triệu để con gái được phẫu thuật cắt lá lách. Thế nhưng số tiền đó là quá lớn đối với chị lúc này. 

Chị Thanh tâm sự: “Mẹ con mà nhiều khi tôi không muốn nhìn thẳng vào mắt nó, sợ con buồn. Nhìn con bé lòng tôi đau lắm, làm được bao nhiêu thì dồn cả vào cho con rồi. Giờ tôi sức khỏe còn ổn định, còn làm được tý việc, nhưng không biết một mai sức khỏe yếu đi thì lấy gì cho con bé chữa bệnh”.

Nhiều đêm, nhìn con trằn trọc vì mất ngủ, nước mắt người mẹ ấy cứ trào ra ướt đẫm trên gối, rồi chị lại tự nhắn nhủ lòng mình phải cố lên để con được sống. Vì chị biết rằng, giờ đây chỉ còn hai mẹ con dựa vào nhau để sống, chứ người đàn ông kia, chị xem như không còn trên cõi đời.

Lần nhập viện truyền máu này, chị Thanh cho hay, sau khi hoàn thành các thủ tục nhập viện sẽ bắt xe về quê, còn Dung ở lại một mình. Chị làm vậy cũng chỉ muốn kiếm thêm đồng tiền lo chi phí cho con gái.

“Giờ ở lại cũng mất hơn 1 tuần lễ, tiêu tốn rất nhiều chi phí. Vậy nên tôi đã nói trước với con gái rồi, lần này mẹ sẽ về quê làm việc, con ở lại tự chăm sóc bản thân. Có việc gì cần thiết thì nhờ những người xung quanh giúp đỡ”, chị nói. Như hiểu được hoàn cảnh gia đình mình, cô gái vui vẻ đồng ý, dường như cố tươi cười để mẹ không phải băn khoăn.

Mọi sự giúp đỡ cho mẹ con chị Thanh, bạn đọc hảo tâm vui lòng liên hệ tác giả bài viết theo số điện thoại (đ/c Kiên yêu cầu Tuyết Lan bổ sung) để được hướng dẫn chi tiết.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.