Khi nhu cầu đi cùng sự dễ dãi
Câu chuyện tự chủ giáo dục ĐH gần đây đang “nóng” lên bởi vụ việc bằng giả tại ĐH Đông Đô. Luật Giáo dục đại học sửa đổi (GDĐH) ban hành năm 2018 và có hiệu lực từ tháng 7/2019 có nhiều điểm mới, đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Trong đó, Điều 32 khoản 3 Luật GDĐH 2018 quy định các trường ĐH có “quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế”…
Trở lại trường hợp của ĐH Đông Đô, theo kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, quá trình hoạt động, Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo cấp bằng ĐH thứ hai.
Nhưng từ năm 2015, trường đã được Bộ GD&ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định, không buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho sai phạm của Trường ĐH Đông Đô. Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2017 trở về trước, việc rà soát và thông báo tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của trường được thực hiện trước khi trường công bố đề án tuyển sinh và độc lập với thủ tục mở ngành, chương trình đào tạo mới.
Theo Bộ GD&ĐT, sau khi CQĐT có kết luận chính thức, Bộ sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm. Nhưng ngay từ khi sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô được phát hiện và xử lý, Bộ đã và đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản về quản lý Nhà nước để theo kịp với thực tiễn. Đồng thời, Bộ sẽ rà soát văn bằng hai.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới Giáo dục - Đào tạo, thực tế việc đào tạo văn bằng 2 hiện nay khó lòng có thể kiểm soát được tất cả các trường. Khi mà người muốn học văn bằng 2 thực chất có nhu cầu làm giàu học vấn và hy vọng cơ hội chuyển đổi việc làm, hay thăng tiến. Nhà trường lại dễ dãi về chất lượng để kiếm tiền thì sẽ tự huỷ hoại uy tín của mình.
Các trường đại học đều phải có cơ chế tự chịu trách nhiệm, tự giải trình với người học. Nhà nước không thể kiểm soát được hết vì không đủ nhân lực. Vì vậy, cơ quan quản lý, ở đây trực tiếp là Bộ GD&ĐT phải ứng dụng công nghệ trong quản lý, yêu cầu 3 công khai, xử lý nghiêm khi vi phạm.
Không để là chuyện “đã rồi”
Kết luận điều tra vụ án “giả mạo trong công tác” của Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an cho thấy, Trường ĐH Đông Đô đã cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả (hệ văn bằng 2), trong đó có nhiều người “mua bằng” là cán bộ công chức nhà nước. Trong số đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án TS.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra kết luận đề nghị truy tố các bị can về tội “Giả mạo trong công tác” gồm: Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng; Trần Kim Oanh, nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục; Lê Ngọc Hà, nguyên Phó Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, cùng 6 bị can khác.
Trong quá trình đấu tranh, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định Trần Khắc Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Đông Đô (đang bỏ trốn) và đồng phạm đã vi phạm quy định khi làm, cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho số lượng lớn các cá nhân có nhu cầu.
Ngoài các lần hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả cho 118 cá nhân, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn xác định, Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Anh giả cho các cá nhân dù không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng.
Trước sự việc nghiêm trọng tại Đại học Đông Đô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương truy bắt đối tượng Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô); xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT, nếu có dấu hiệu của tội phạm phải khởi tố điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm…
Thủ tướng còn giao Bộ GD&ĐT chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục đào tạo trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm không để xảy ra sai phạm tương tự; đề nghị VKSND, TAND Tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Đối với những cá nhân sử dụng văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô để đạt điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ hoặc sử dụng vào mục đích hợp lý hóa hồ sơ cán bộ cũng cần phải xử lý thật nghiêm khắc, thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này. Cơ quan chức năng cần rà soát, phân loại những trường hợp liên quan để xử lý triệt để.
Thực tế, như GS Phạm Minh Hạc từng nói, khi xã hội còn chạy theo hư danh, thì bằng cấp giả sẽ luôn là câu chuyện thật giả lẫn lộn. Hơn nữa, xu hướng tự chủ ĐH, tự chịu trách nhiệm cũng không hề đơn giản nếu như các trường sai phạm sẽ luôn tái diễn tình trạng cơ quan quản lý chỉ kiểm tra, xử lý khi “sự việc đã rồi” mà thôi…