Để một đơn vị đóng trên địa bàn nhiều năm liền trốn thuế với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) không thể nói mình vô can.
Buông lỏng quản lý
Như PLVN (số 308 ra ngày 4/11) phản ánh, từ năm 1999 đến năm 2010, Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) và Văn phòng Hội - hai đơn vị trực thuộc Hội Mỹ Thuật Việt Nam đã trốn thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài… gần 800 triệu đồng. Nhưng suốt 10 năm, cơ quan thuế không hề biết, dù hệ thống kiểm tra, giám sát và thu thuế của Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm được tổ chức đến tận cấp phường.
Theo điều tra của PLVN, sau khi có đơn tố cáo của ông Ngô Văn Chính, nguyên cán bộ Hội Mỹ thuật Việt Nam thì sự việc mới được phát hiện và Chi cục Thuế Hoàn Kiếm mới lập đoàn kiểm tra, kết luận về những sai phạm tại đây. Cụ thể, theo tài liệu thu thập được, khoảng từ năm 1999 - 2010, Nhà triển làm 16 Ngô Quyền liên tục có nguồn thu phải chịu thuế, nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế với số tiền gần 550 triệu đồng; Văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng “quên” 113 triệu đồng tiền thuế các loại.
Quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm cho rằng: “Hội Mỹ thuật là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp nên không nộp thuế. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nếu phát sinh thu nhập chịu thuế thì phải tự đi kê khai nộp thuế với cơ quan thuế.” Giải thích của ông Dũng có thể hiểu, cơ quan Thuế Hoàn Kiếm không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và chống thất thu thuế đối với các cá nhân, tổ chức… trên địa bàn, mà chỉ đợi các đối tượng nộp thuế đến kê khai khi có phát sinh thu nhập chịu thuế? “Các cơ quan trung ương như Hội Mỹ thuật, theo quy định do Cục Thuế Hà Nội quản lý. Cấp Chi cục chỉ quản lý các hộ kinh doanh hoặc những đơn vị được Cục ủy quyền.” - ông Dũng nói.
Chúng tôi cho rằng, lập luận của lãnh đạo Chi cục Thuế Hoàn Kiếm là chưa thuyết phục, nếu như không muốn nói là cơ quan này đang né tránh trách nhiệm. Bởi dù được hay không được phân cấp quản lý, Chi cục vẫn phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các đối tượng nộp thuế cũng như những biến động trên địa bàn do mình phụ trách.
Không thể vô can
Như phản ánh, hành vi trốn thuế của các cơ quan thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam là quá rõ. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Cao - Giám đốc Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, sau khi nhậm chức, đầu năm 2010, ông đã khắc phục những tồn tại trước đây bằng việc lập hồ sơ gửi cơ quan thuế xin cấp mã số nộp thuế; nhưng thật lạ, đề nghị này đã bị cơ quan thuế từ chối với lý do “đơn vị không có chức năng kinh doanh” - tức không phải nộp thuế?
Trường hợp này, việc cơ quan thuế từ chối đối tượng nộp thuế chính là cái cớ để Giám đốc Cao biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật thuế của đơn vị này: “Hoạt động Nhà Triển lãm vẫn diễn ra bình thường, nhưng mấy năm chẳng thấy cơ quan nào đến kiểm tra, nhắc nhở... Đến tháng 2/2011, chúng tôi mới được Chi cục Thuế Hoàn Kiếm cấp mã số thuế nộp hộ…”. Về vấn đề này, Chi cục trưởng Dũng cho hay: “Việc cấp mã số thuế thuộc thẩm quyền của Cục Thuế Hà Nội. Còn chuyện hồ sơ của Nhà Triển lãm bị trả lại, theo tôi có thể do kê khai chưa đầy đủ nên Cục chưa giải quyết chứ không phải từ chối giải quyết.”
Tóm lại, trong vụ việc tiêu cực này ngoài trách nhiệm của Hội Mỹ thuật Việt Nam còn có trách nhiệm của cơ quan thuế, bởi nếu cơ quan này kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì không có chuyện hai đối tượng nộp thuế dễ dàng “lọt lưới” suốt 10 năm, với số tiền thuế bị thất thu lên tới hàng trăm triệu đồng.
Tuấn Anh
[Truyện ngắn] Tim Rắn
(PLVN) - Lục theo bạn đến làng rắn cách nhà gần hai mươi cây số chén đặc sản. Đến quán, hả hê chọn rắn và xem đám nhân viên biểu diễn các tiết mục chế biến. Nhìn những con rắn oằn oại trong tay những tay thợ thịt chuyên nghiệp, chờ đợi chút ít trong háo hức là ngồi vào bàn....