Mở rộng phạm vi điều chỉnh là hợp lý
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến phạm vi điều chỉnh (Điều 1) có ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, nhất là quy định nội dung bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cụ thể như thế nào, trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Để đảm bảo tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã quy định Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, cơ quan cạnh tranh sẽ hợp tác với các cơ quan cạnh tranh các nước thông qua các diễn đàn cạnh tranh quốc tế như ASEAN, APEC, diễn đàn cạnh tranh quốc tế (ICN), diễn đàn cạnh tranh các nước Đông Á và hợp tác song phương”, ông Thanh nói.
Giải trình rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, các cơ quan cạnh tranh của các nước được tiến hành điều tra xử lý nhiều vụ việc hạn chế cạnh tranh xuyên biên giới. Bởi vậy, để đảm bảo tính hiệu quả, dự thảo Luật lần này quy định 2 trường hợp các cơ quan cạnh tranh được tiến hành điều tra xử lý đối với phạm vi ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đó là, các doanh nghiệp nước ngoài có cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài có nhận diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam.
Hợp 3 cơ quan thành 1
Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, theo ông Vũ Hồng Thanh thì có nhiều loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương mà thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ nhất. Theo đó, người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. Những nội dung đó phải được quy định trong luật mới đảm bảo tính độc lập trong thực hiện chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh theo quy định của pháp luật.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, có nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại đến mô hình cơ quan cạnh tranh, đặc biệt là tính hiệu lực hiệu quả của cơ quan này chưa được bảo đảm. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của cơ quan cạnh tranh là cơ quan hành chính bán tư pháp thì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã báo cáo Quốc hội và thống nhất với cơ quan chủ trì soạn thảo một mô hình trung gian. Đó là hợp nhất 3 cơ quan hiện nay là Cục Quản lý cạnh tranh, Hội đồng Cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh thành 1 cơ quan. Điều này đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc tinh giản đầu mối. Tuy vậy, vẫn tiếp tục đặt cơ quan đó trong Bộ Công Thương để không làm tăng thêm cơ quan của Chính phủ. Và để bảo đảm tính độc lập xét xử của cơ quan này thì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đã mạnh dạn đề xuất thành lập cơ quan cạnh tranh quốc gia.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: UBTVQH nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật. Đồng thời thống nhất quy định một cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương (trên cơ sở hợp nhất Cơ quan Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh, Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay) và cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật.