Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các bộ, cơ quan, địa phương đã thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội trên tinh thần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong việc quyết tâm bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng...
Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, các vướng mắc, bất cập về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội xuất phát từ 04 nhóm vướng mắc, bất cập sau: Các vướng mắc, bất cập phát sinh từ chính các quy định của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính (TTHC); một số vướng mắc, bất cập liên quan đến thi hành pháp luật.
Từ việc chỉ rõ vướng mắc, bất cập nêu trên, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, những kết quả tháo gỡ. Trước hết, về xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật: Trên cơ sở kết quả rà soát, có 33 luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của 11 bộ, cơ quan ngang bộ cần sửa đổi, bổ sung.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 31/33 luật đã được lập đề nghị sửa đổi và được Chính phủ thông qua tại Phiên họp tháng 11 và Phiên họp tháng 12/2017. Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị chưa sửa đổi, bổ sung đối với 02 luật còn lại (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa), do quy định của 02 Luật này vẫn còn phù hợp, chỉ cần sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 1078/QĐ-TTg, trong năm 2017, các bộ, cơ quan ngang bộ phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 19 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 14 Thông tư nhằm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh. Tính đến nay, 17/19 Nghị định, 01/01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 7/14 Thông tư đã được ban hành.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được điều chỉnh, tổng số dự án mà các bộ, cơ quan ngang bộ cần phối hợp chỉnh lý, trình mới trong năm 2017 là 29 dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, Quốc hội đã thông qua 20 luật, nghị quyết và cho ý kiến 09 dự án luật. Trong số này, có 05 luật, nghị quyết liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư, kinh doanh (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Cạnh tranh (sửa đổi) và 01 luật liên quan trực tiếp đến chính sách an sinh xã hội (Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Ngoài ra, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ cũng chủ động rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong các quy định trong từng lĩnh vực cụ thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, an sinh xã hội.
Về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã được trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 05 ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của của Luật Đầu tư; rà soát, dự kiến đề xuất bãi bỏ khoảng 41,3%; đơn giản hóa 43,7%; giữ nguyên 15% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi theo hướng rút gọn 118 điều kiện (32,4%) trong tổng số khoảng 345 điều kiện, thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó, tiếp tục đề xuất bãi bỏ 20 ngành, nghề không cần thiết; và đang xây dựng Nghị định về kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong quá trình thẩm định các VBQPPL về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Tư pháp luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định của điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Điều 7 Luật đầu tư.
Tính từ ngày 01/7/2015 (ngày Luật đầu tư có hiệu lực) đến nay, Bộ Tư pháp đã phát hiện và kiến nghị xử lý 31 văn bản có quy định không phù hợp về điều kiện đầu tư kinh doanh, riêng năm 2017 phát hiện, kiến nghị xử lý 06 văn bản. Đến nay các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 26/31 văn bản; còn 05 văn bản chưa được xử lý.
Về cắt giảm thủ tục hành chính: Thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ xem xét, thông qua 16 Nghị quyết về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Cải cách TTHC tiếp tục được triển khai quyết liệt theo hướng đơn giản hóa, giảm thời gian làm thủ tục, nhất là trong lĩnh vực: đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tại nhiều địa phương, thời gian giải quyết các TTHC được rút ngắn đáng kể so với quy định tại VBQPPL.
Năm 2017 được xác định là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trên cơ sở chỉ đạo tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9/8/2017, các bộ, cơ quan, địa phương, ngoài việc rà soát, cắt giảm chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp còn thực hiện rút ngắn thời gian thực hiện TTHC liên quan đến doanh nghiệp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế
Về thi hành pháp luật; tổ chức diễn đàn, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Phát hiện những hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để cải thiện hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Các diễn đàn, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đã được tổ chức thường xuyên, liên tục. Kết quả là nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lắng nghe, được các cơ quan nhà nước tháo gỡ với thái độ cầu thị.
Tình hình thi hành pháp luật của bộ, cơ quan, địa phương qua công tác thanh tra, kiểm tra đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Công tác theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng, gắn với các sự kiện, các “điểm nóng” được dư luận quan tâm và tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai thường xuyên, đồng bộ với nhiều sáng tạo như “Cà phê doanh nhân”, “Bác sĩ doanh nghiệp”, Chương trình 585…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, tích cực của một số bộ, cơ quan, địa phương, môi trường đầu tư, kinh doanh và các chính sách an sinh xã hội đã được cải thiện, tác động tích cực đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp cho biết, những kết quả đạt được là sự kế tiếp những kết quả, nỗ lực trong năm 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương. Các thành tích này sẽ tạo đà để các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận: Công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: thực hiện chưa đồng đều, chưa thực sự quyết liệt, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như đòi hỏi của thực tiễn. Những hạn chế, tồn tại này cần được giải quyết trong cả quá trình, cần sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự giám sát của người dân, doanh nghiệp.
Qua tổng hợp, đánh giá, Bộ Tư pháp kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện các chủ trương, cải cách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Tiếp tục xác định xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; dành nhiều ưu tiên cho việc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2018, 2019; Chương trình xây dựng VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ năm 2018 để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã phát hiện.
Chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm thực hiện các chương trình xây dựng VBQPPL, không để xảy ra tình trạng xin rút, hoãn hay nợ đọng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý kiến nghị; chủ động phản ánh các bất cập, vướng mắc về bộ quản lý chuyên ngành để nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp.