Triệt tiêu tư tưởng hưởng thụ mới thoát nghèo
Sau quá trình thực hiện dự án, ông đánh giá thế nào về năng lực của người nghèo? Một thực tế tồn tại đến nay là một số hộ nghèo không muốn thoát nghèo, Theo ông đâu là nguyên nhân thực trạng này?
- Nhìn chung nhiều người nghèo có sự tiến bộ trong nhận thức, cách làm, kể cả cách chi tiêu gia đình. Tôi thấy những người nào được tham gia vào dự án đều có sự thay đổi đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, chúng ta phải làm thế nào để nhân rộng ra.
Qua kiểm tra, đánh giá, kể cả đánh giá giám sát của Quốc hội vẫn chỉ ra tư tưởng một số người nghèo không muốn thoát nghèo, thậm chí muốn thôn, xã đưa vào diện nghèo. Nguyên nhân sâu xa bởi chúng ta có quá nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo nên ai cũng muốn hưởng thụ.
Hơn nữa, ở nông thôn khoảng cách giữa hộ nghèo và không nghèo chưa lớn nên người dân ai cũng thấy mình nghèo. Chỉ khi nào chúng ta thay đổi chính sách căn bản, triệt tiêu tư tưởng trông chờ, muốn thụ hưởng phần cho không của Nhà nước thì mới loại bỏ tư tưởng không muốn thoát nghèo. Chúng ta phải làm công tác truyền thông tốt hơn để người nghèo phải cảm thấy tự ti, tự ái mà có động lực thoát nghèo.
Bên cạnh đó, rào cản của việc giảm nghèo ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số là phần lớn thanh niên là lực lượng lao động trẻ không có hào hứng đi làm ăn xa, di chuyển về các khu công nghiệp, khu chế xuất ở đồng bằng - trung du. Do đó, chính sách chủ lực vẫn là kéo đầu tư ở miền xuôi lên các tỉnh miền núi để khai thác tiềm năng, khai thác cả nguồn nhân lực.
Xin ông cho biết bài học rút ra sau thời gian triển khai dự án giảm nghèo quốc gia bốn năm qua là gì?
Bài học rút ra qua bốn năm triển khai dự án giảm nghèo Quốc gia đó là làm thế nào để giảm nghèo bền vững. Điều quan trọng nhất phải dùng nguồn lực phát triển sinh kế cho người nghèo. Vì vậy, chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ tăng vốn hỗ trợ sản xuất tăng lên nhằm tạo việc làm, khơi dậy nguồn lực trong dân có cả vốn của người dân.
Thứ hai, chúng ta có hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho phát triển sinh kế, phát triển sản xuất, tăng việc làm, tạo thu nhập thì khơi dậy được nguồn lực cộng đồng, bao gồm cả nguồn vốn của dân và tính chủ động tích cực của người dân tham gia vào sản xuất nhằm cải thiện đáng kể thu nhập cho người dân.
Giảm dần hỗ trợ cho không, chuyển từ cấp phát sang cho vay
Hướng thay đổi chính sách giảm nghèo giai đoạn tới là gì?
- Hiện chiến lược giảm nghèo đa phần còn cấp phát, tài trợ cho thấy nhiều hạn chế. Sắp tới chúng ta sẽ chuyển từ cấp phát sang cho vay, tăng nguồn vốn cho vay ưu đãi, thủ tục đơn giản để người dân. Đặc biệt là phụ nữ có thể tiếp cận nguồn lực thuận lợi. Nếu có hỗ trợ thì hỗ trợ cộng đồng chứ không hỗ trợ cá nhân. Đó là định hướng về chính sách giảm nghèo.
Theo đó, thay vì hỗ trợ trực tiếp, cho không, làm thay thì sẽ tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các nguồn lực, tự quyết định việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh tùy theo năng lực, điều kiện từng gia đình. Đồng thời giảm dần hỗ trợ cho không và gắn vào đó những chính sách hỗ trợ có điều kiện. Chính sách cho không chỉ duy trì với những đối tượng thực sự cần thiết song không phải cho không mãi mãi.
Phải làm thế nào đó để mọi việc của người nghèo phải để người nghèo tự lo, tự quyết định. Chúng ta chỉ hỗ trợ về môi trường pháp lý, về nguồn lực bằng cách cho vay ưu đãi. Còn họ phải tự quyết định đầu tư, phát triển kinh tế. Ví dụ họ nuôi bò thì phải tự đi mua bò, chúng ta không mua bò, mua lợn cho họ. Chúng ta không làm theo dạng bao biện làm thay như trước đây nữa. Nó sẽ triệt tiêu động lực, tính năng động, chủ động của người nghèo.
Thứ hai, ngoài việc trao quyền thì sự kết nối giữa cán bộ làm giảm nghèo với người dân được diễn ra thường xuyên hơn thông qua các đối thoại chính sách, cuộc họp, diễn đàn nhằm vừa nâng cao năng lực cho người nghèo vừa lắng nghe ý kiến của họ để phản ánh lên cấp trên cũng như thay đổi chính sách.
Vậy nguồn lực thời gian tới dành cho chương trình giảm nghèo như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Ngân sách 5 năm tới đã được Quốc hội phê duyệt khoảng 46 nghìn tỷ, trong đó 41 nghìn tỷ ngân sách nhà nước, hơn 5 nghìn tỷ huy động từ địa phương. Trong đó 80% nguồn lực dành cho đầu tư hạ tầng, 20% dùng để hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất bằng các hình thức cho vay, hỗ trợ giống, kỹ thuật. Theo tính toán với mức độ tăng trưởng GDP 6,5% thì chúng ta sẽ đảm bảo nguồn lực trên.
Xin cảm ơn ông!