Cô gái đạt học bổng 7 tỷ của trường Đại học Harvard: Nghị lực phi thường làm nên điều phi thường

Liên là một cô gái trầm tính, nghĩ nhiều hơn nói.
Liên là một cô gái trầm tính, nghĩ nhiều hơn nói.
(PLO) -“Bố em có 3 ước mơ lớn trong đời, đó là có nhà để ở, 2 chị em em được đi du học. Nay, em đã thực hiện được một trong những tâm nguyện đó của bố và cũng là chinh phục ước mơ của bản thân”. Đó là những lời tâm sự của cô nữ sinh 19 tuổi Trần Thị Diệu Liên – người đã xuất sắc trúng tuyển vào trường Đại học Harvard với mức học bổng hiếm có 302.920 USD (khoảng 6,8 tỷ đồng) cho 4 năm học.

Ngôi nhà đầy ắp những bằng khen

Giữa những ngôi nhà cao tầng khang trang ở trung tâm TP.HCM, ngôi nhà của gia đình Liên đang ở, cũng là cửa hàng đóng biển quảng cáo nằm nép mình trong một góc nhỏ trên đường Mai Thị Lựu (thuộc phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM). 

Gọi là nhà nhưng thực ra nó chẳng khác gì một căn lều được dựng lên bởi mấy hàng gạch và vài tấm tôn cũ ở khoảng sân sau của một ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Thậm chí ngay cả cái lều cũ ấy cũng là “của đi mượn” và đang nằm trong diện giải tỏa. 

Thấy con cái khó khăn, nhiều năm trước, bà ngoại Liên gật đầu đồng ý cho ba mẹ Liên dùng tôn và gạch cũ cơi nới tạm bợ, làm thành một tổ ấm đơn sơ để các cháu có "cái chui ra chui vô". 

Không thể ngờ khi bước vào trong ngôi nhà là cả một “gia tài” khổng lồ. Choáng ngợp, ngưỡng mộ thêm đôi chút ghen tị là cảm giác của nhiều người khi lần đầu bước chân vào tổ ấm có "bức tường bằng khen" đặc biệt này. 4 bức tường trong ngôi nhà đâu đâu cũng thấy những tấm bằng khen với đủ kích cỡ. Thậm chí, nhiều giấy khen, bằng khen phải treo chồng lên nhau vì... không đủ chỗ. 

Bức tường bằng khen ở ngôi nhà của Liên
Bức tường bằng khen ở ngôi nhà của Liên

Mỗi bằng khen, huy chương là món quà vô giá, là nguồn khích lệ tinh thần mà theo ông Trần Văn Dư (ba của Liên) “nhiều khi có tiền cũng chẳng thể mua được”.

Năm 1992, ông Trần Văn Dư (SN 1964, quê Thái Bình) rời quê vào TP.HCM kiếm sống bằng nghề làm biển quảng cáo.  Năm 1995, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1972, quê Thanh Hóa). Hai năm sau, họ đón đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Trần Thị Diệu Liên. 

Liên lớn lên trong tình yêu thương của mẹ, sự chăm sóc tận tình của ba. Từ lúc còn nhỏ, cô con gái đã bộc lộ những tố chất đặc biệt khiến ông Dư, bà Lộc thầm nuôi hy vọng về đứa con thông minh, lanh lợi.

Hồi nhỏ, nhà không có tiền mua đồ chơi, Liên đã tự biết lượm đồ ve chai lắp ráp thành ô tô, máy bay hay ngôi nhà làm đồ chơi. Càng lớn lên, Liên càng bộc lộ khả năng ham học, ham tìm hiểu, đặc biệt về ngành khoa học kĩ thuật.

Năm 2014, khi là học sinh lớp 11, Liên đã đạt giải tư Hội thi khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) với đề tài "Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị". Trước đó, đề tài này của Liên cũng đã đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp Quốc gia. 

Chỉ vào những tấm bằng khen trên tường, ông Dư không khỏi tự hào khi nhắc đến cô con gái: “Từ khi bước vào cấp 1 đến lúc tốt nghiệp cấp 3, mỗi năm Diệu Liên đều đạt được vô số giải thưởng lớn nhỏ từ cấp trường, thành phố, quốc gia rồi quốc tế...

Có bao nhiêu bằng khen tôi đều bảo cháu treo lên cho ba ngắm. Mỗi lúc buồn chán hay cảm thấy áp lực trong cuộc sống, tôi lại ngắm nhìn những tấm bằng khen đó để lấy động lực mà bước tiếp”.

Người cha làm nên tính cách của cô gái Harvard

Nếu như mẹ Liên tần tảo sớm hôm với nghề lao công tại trường đại học để kiếm tiền nuôi con, thì bố Liên bao nhiêu năm nay lại đóng vai trò người ba nhiều khi kiêm cả vị trí của người mẹ. Ông chăm sóc, nhắc nhở Liên việc ăn uống, học tập rồi đảm đương cả vai trò "xe ôm" cho con gái. 

Suốt từ hồi mẫu giáo cho đến tận khi Liên lên đại học, ngày nào ông cũng mất vài ba chuyến xe chở Liên đi học. Nhiều hôm 2 ba con ăn vội ổ bánh mì rồi tất tả phóng xe để kịp giờ đến lớp. Gần một năm nay, gia đình được một người chú cho mượn chiếc xe Honda cup 84 đã cũ để Liên đi học, nhờ vậy ông Dư cũng đỡ vất vả hơn. 

“Tổng cộng tiền xe ôm suốt những năm qua chắc tôi cũng được một khoản kha khá rồi đấy”, ông Dư tếu táo đùa.

Ông Dư làm nghề thiết kế biển quảng cáo. Công việc mang tính thời vụ, thu nhập không ổn định. Còn bà Liên thì làm nghề lao công ở các trường học, thu nhập cũng chẳng được là bao. “Với đồng lương ít ỏi của vợ chồng tôi thì nhiều khi ăn còn chẳng đủ chứ làm sao dám mơ đến số tiền gần 7 tỷ để cho con đi du học”, nét mặt ông Dư thoáng một nỗi buồn. 

Khi được hỏi tại sao ông không chọn làm cho một công ty quảng cáo để có thu nhập ổn định hơn, người cha hiền hậu này chỉ cười và nói: “Mẹ cháu đã đi làm suốt rồi, tôi mà cũng đi vậy thì lấy ai chăm các cháu. Thôi mình thà nghèo một tí nhưng có thời gian chăm con còn hơn. Tôi nghèo vật chất nhưng đổi lại được 2 cô con gái ngoan ngoãn, thông minh và học giỏi. Đó đã là tài sản vô giá của vợ chồng tôi rồi”.

Ngày Liên dự thi học bổng AStar của chính phủ Singapore, ông đã rất kỳ vọng vì biết Liên học không thua kém gì các bạn thi cùng đợt đó. Ông Dư chỉ không biết vào vòng phỏng vấn con khúc mắc ở điểm nào nên bị trượt. Ông buồn nhưng cũng không nói ra chỉ động viên con: “Thua keo này ta bày keo khác”. 

Thế nên khi con gái thông báo mình nhận được học bổng toàn phần từ Đại học Harvard (Mỹ), cả gia đình mừng lắm. “Lúc ấy tôi còn chưa biết Đại học Harvard là gì. Sau này mới lên mạng tìm hiểu mới biết Harvard là một trong những trường đại học danh giá, nơi sản sinh nhiều người xuất chúng của thế giới.

Còn nhớ hôm Liên nhận tin từ Harvard trúng ngay ngày Cá tháng Tư (ngày 1/4, ngày quốc tế nói dối - PV), con gái còn tưởng đấy là tin đùa, không dám nói với ba nữa. Khi biết tin này là thực, cả nhà mừng đến rớt nước mắt!”.

Chiếc máy tính đầu tiên có trong nhà cũng là món quà mà Liên dành cho ba của mình. Khi học lớp 5, Liên được tham gia một buổi giao lưu nhân dịp thần đồng nước Mỹ sang thăm Việt Nam và được chương trình tặng một chiếc máy tính.

Từ đó hai ba con có máy tính để dùng. Ông Dư tự mày mò học thiết kế qua máy tính dưới sự giúp đỡ của con gái. Công việc làm biển quảng cáo của ông từ dạo đó cũng thuận tiện hơn.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và nhận học bổng danh dự, điều bất ngờ là ba mẹ Liên tuy quan tâm việc học của cô song chưa bao giờ tạo áp lực cho con gái trong việc phải đạt thành tích hay vị thứ cao trong các năm học. Luôn theo sát con trong mọi hoạt động nhưng ông Dư luôn để cho con quyết định mọi thứ. 

“Khi đứng trước những thử thách, những ngã rẽ phải đưa ra quyết định chọn lựa, cháu cũng luôn hỏi ý kiến của tôi. Nhiều lần, tôi chỉ đưa ra những lời khuyên, lời gợi ý chứ không áp đặt con. Cuộc sống gia đình nghèo khó thật nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn cố gắng hết sức để 2 cháu học hành đến nơi đến chốn”, ông Dư bộc bạch.

Nhìn vào thực tế, khi có quá nhiều bậc cha mẹ đặt gánh nặng điểm số lên vai con mà quên mất ý nghĩa thật sự của việc học, Liên cảm thấy sự “tự do” của mình thật may mắn. Cũng chính nhờ việc không tạo cho mình áp lực phải thành công giúp Diệu Liên nhẹ nhàng bước qua những lần thất bại, chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, trước khi chạm tay đến cửa Đại học Harvard danh tiếng.

Ông Dư tự hào khi kể về cô con gái Diệu Liên
Ông Dư tự hào khi kể về cô con gái Diệu Liên

Thiếu tiền, thừa quyết tâm... nên chọn Harvard

Đại học Harvard - ngôi trường mơ ước của bao người không phải là đích đến đầu tiên của Diệu Liên, bởi em nghĩ đó là "ước mơ gì đó rất xa xôi". Diệu Liên chia sẻ: “Vì nhà em không có điều kiện nên em chọn những trường không quan tâm đến tình hình tài chính của ứng viên, mà chỉ chú trọng vào thực lực. Harvard cũng là một ngôi trường như thế, nhưng thực sự em không đặt quá nhiều niềm tin bởi hình như nó hơi quá đối với em”. 

Liên viết bài luận trong vòng 3 giờ đồng hồ vào ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ vào Harvard. Vì nộp hồ sơ khá trễ nên em cũng không dám nghĩ đến việc mình được nhận. Khi nhận được thư báo của trường Harvard qua mail vào đúng vào ngày Cá tháng tư, em cũng nửa vui nửa ngờ.

Phải 2 ngày sau đó, khi nhận được thư báo về nhà qua đường bưu điện em mới dám tin mình đã thực sự chinh phục được ước mơ du học.

Trước khi nhận được học bổng toàn phần, Diệu Liên từng hai lần thất bại khi nộp hồ sơ du học. Từ khi còn học THCS Trần Đại Nghĩa, Liên đã thử sức với học bổng ASTAR của Chính phủ Singapore nhưng chỉ dừng chân tại vòng phỏng vấn. Năm lớp 12, Liên tiếp tục nộp hồ sơ du học nhưng kết quả cũng không được như mong muốn. 

Nhờ những thành tích đã đạt được từ những năm học cấp 3, Liên đã được tuyển thẳng vào một trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, em đã xin bảo lưu kết quả để theo đuổi ước mơ du học và cũng để làm những gì mình thích. Liên tham gia giảng dạy cho trẻ em trong các mái ấm mồ côi. 

Cô gái này cho biết, mình không có nhiều tiền để làm từ thiện nhưng lại có kiến thức và giàu lòng yêu thương nên đã chọn hoạt động dạy học để giúp đỡ trẻ em mồ côi. “Em rất thích cảm giác có thể thay đổi nhận thức của người khác. Từ đó, giúp họ tìm được con đường đi đúng sau này”, Liên tâm sự.

Để chuẩn bị cho quá trình du học, học sinh Việt Nam thường chọn theo các trung tâm tư vấn để được hỗ trợ. Diệu Liên tự mình làm tất cả, chuẩn bị hồ sơ, viết bài luận, đơn xin học bổng... Theo Liên, không có một công thức nào cho bộ hồ sơ du học. Trong bài luận, Liên cho biết mình không cố đánh bóng bản thân mà chỉ nói suy nghĩ thực đang có lúc đó trong đầu. 

“Trong bài luận em có kể về một lần tiếp xúc với một em bé khuyết tật ở làng trẻ Hòa Bình (Trong Bệnh viện Từ Dũ) và những suy nghĩ khi tiếp cận với em bé đó. Em đồng thời liên tưởng đến một phần quá khứ của mình từ đó đưa ra những suy nghĩ của bản thân về một số vấn đề trong cuộc sống”, Liên kể.

Có lẽ, chính những chia sẻ chân thành của một cô bé 19 tuổi giàu lòng nhân ái đó đã làm lay động được hội đồng tuyển sinh. Điều khiến Liên bất ngờ hơn đó là em còn nhận được một lá thư tay của một giáo viên trong ban tuyển sinh gửi kèm với hồ sơ thông báo nhập học. Họ nhận xét bài luận của Liên là "chân thật" và khơi gợi được "xúc cảm đam mê".

Vào Đại học Harvard, học xong năm đầu rồi Liên mới chọn chuyên ngành. Cô gái 19 tuổi dự định chọn ngành học liên quan đến khoa học kỹ thuật bởi đó cũng là đam mê từ nhỏ của mình. "Em chọn khoa học kỹ thuật vì thấy mình có thể làm nhiều hơn cho mọi người.

Biết rằng con gái chọn ngành này sẽ có nhiều khó khăn nhưng mình cứ cố gắng hết sức đi. Tiềm năng và tốc độ phát triển khoa học ở Việt Nam rất lớn nhưng vì xuất phát điểm thấp hơn nên chịu thiệt mà thôi", Liên nói.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa Liên sẽ chính thức lên đường để chinh phục ước mơ khám phá khoa học công nghệ, góp phần nhỏ bé của mình dựng xây đất nước. Hành trang của cô gái ấy chẳng có gì nhiều, chỉ có chiếc đồng hồ để bàn và cái vỏ điện thoại được ba tỉ mẩn tự làm từ những cái khung nhựa dư của mấy cái biển quảng cáo và một vài đồ dùng cá nhân được mẹ sắm sửa. Nhưng có một thứ hành trang lớn hơn mà cô gái ấy đem đi theo, đó là sự quyết tâm, là nghị lực phi thường.

Có gặp gỡ, trò chuyện với cô gái Trần Thị Diệu Liên mới thấy được nghị lực, thấy được quyết tâm của cô lớn ngần nào. Em đã minh chứng cho mọi người thấy rằng, du học không chỉ dành cho con nhà có điều kiện mà chỉ cần chúng ta có quyết tâm thì không gì là không thể.

Ba mẹ và em gái của Diệu Liên
Ba mẹ và em gái của Diệu Liên

Sự giản dị, chân chất của một gia đình lao động đã ngấm sâu vào con người Liên, đó chính là nơi cho em động lực, cho em quyết tâm, là bệ phóng cho em vươn tới ước mơ mà em hằng khao khát. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của cô gái 19 tuổi ấy: “Để đạt được những gì chưa bao giờ đạt được thì phải làm những điều chưa bao giờ làm”...

Trần Thị Diệu Liên là cựu học sinh chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.Hồ Chí Minh). Đầu tháng 4/2016, Liên nhận tin trúng tuyển Đại học Harvard (Mỹ) với mức học bổng hiếm có 302.920 USD cho 4 năm học.

Suốt những năm phổ thông, Liên đã giành được không ít những học bổng, thành tích học tập, nghiên cứu khoa học xuất sắc:

- Giải Tư Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) với đề tài nhóm: "Bảng hiển thị chữ nổi cho người khiếm thị".

- Giải Ba Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13.

- Đại diện thủ lĩnh trẻ Việt Nam tham gia giao lưu cùng tổng thống Barack Obama.

Không chỉ giữ danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liền, Diệu Liên còn đạt được nhiều huy chương thể thao ở các môn karatedo, bóng chuyền, bóng đá...

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...

Lời hẹn ước xúc động của “ông nội” ở Làng Nủ

Thầy Khang chụp ảnh cùng 22 "cháu nội". (Ảnh: Vietnamnet)
(PLVN) -  Trong chuyến hành trình vượt gần 300km đến Làng Nủ (Lào Cai), thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, đã mang theo không chỉ trái tim tràn đầy tình yêu thương mà còn có một lời hẹn ước đặc biệt. Khoảnh khắc gặp gỡ tại ngôi làng mới được tái thiết, không chỉ chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc mà còn mở ra một trang mới trong “cuốn sách cuộc đời ” của 22 đứa trẻ may mắn được ông yêu thương và bảo bọc.