Số phận hẩm hiu
Đêm khuya cách đây 18 năm, ở huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), một sản phụ đã sinh đôi hai bé gái. Nhưng vài giờ sau sinh, người mẹ đột ngột tử vong, để lại hai đứa con đỏ hỏn. Bà con chòm xóm thương cảm góp cân gạo, quả trứng, bó rau phụ giúp người chồng vượt qua cảnh cùng cực.
Chín tháng sau, người đàn ông “gà trống nuôi con” đành “cho” hai đứa con nhỏ. Một trong hai bé được vợ chồng ông Lê Văn Quy và bà Lê Thị Lan (cùng SN 1962, ngụ xóm 3B, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) nhận về nuôi.
Vợ chồng bà Lan lấy nhau năm 1984 nhưng nhiều năm chưa có “tin vui”. “Buồn chán, chúng tôi đã đi khám và tìm đến một số thầy lang bốc thuốc nhưng không được. Sau đó, vì điều kiện gia đình, hai vợ chồng đành dừng công cuộc “tìm con”, phó mặc mọi chuyện cho số phận. Cũng vì chuyện này mà tính cách chồng tôi không được ổn định”, bà Lan bộc bạch.
Với khao khát có mụn con, vợ chồng bà Lan đã xin nhận một đứa bé gái về nuôi. Dù cuộc sống túng thiếu nhưng họ ân cần, chu đáo chăm sóc đứa trẻ. Không lâu sau, hai vợ chồng tiếp tục nghe tin ở huyện miền núi có gia đình muốn cho cặp bé gái chừng 9 tháng tuổi. “Biết tin, tôi vội bàn với người chị gái bắt xe lên trên đó. Nhờ vậy, vợ chồng tôi được nhận nuôi một cháu bé, còn đứa còn lại thì gia đình chị gái nhận nuôi”, bà Lan chia sẻ về việc nhận con nuôi.
Sau khi nhận đứa trẻ ấy về, họ đã làm đầy đủ mọi thủ tục giấy tờ và đặt tên là Lê Thị Dung. “Lúc đó dù thiếu ăn, nhưng vợ chồng chúng tôi cố vay mượn tiền bạc mua đường, sữa chăm sóc đứa con nhỏ. Từ khi trong nhà có tiếng cười trẻ con, tâm tính chồng tôi có chút thay đổi. Đó là niềm hạnh phúc lớn với tôi”, bà Lan nói.
Lại nói về đứa trẻ có số phận hẩm hiu, từ khi được cặp vợ chồng hiếm muộn nhận làm con, em lớn lên trong tình thương, bao bọc của bố mẹ nuôi. Dung được đi học, sinh hoạt như bao đứa trẻ cùng trang lứa.
Thi thoảng, tranh thủ thời gian nghỉ hè, em lại được bố mẹ đưa lên thăm bố ruột. Một điều trùng hợp là sau đó một thời gian, bố đẻ của Dung đã “đi bước nữa” với người phụ nữ cùng làng với gia đình bà Lan. Nhờ vậy, Dung có nhiều cơ hội gặp mặt bố hơn, song cô bé luôn hết lòng với bố mẹ nuôi của mình.
Giữa năm học lớp 8, do bất cẩn nên Dung bị thương ở bàn chân phải. Vết thương ấy liên tục chảy máu, khó cầm khiến em đau nhức, sức khoẻ giảm sút.
Vợ chồng bà Lan đưa con đi khám mới phát hiện bị u máu nên khó cầm máu. “Vết thương đó luôn trong tình trạng tái phát. Thậm chí nhiều hôm, lượng máu chảy nhiều đến mức ướt đẫm cả chăn, chiếu trên giường. Bệnh tật cũng khiến việc học của em bị gián đoạn”, Dung chia sẻ bệnh tình của mình.
Cách đây vài năm, vì muốn có thêm thu nhập, đỡ đần gia đình, Dung quyết định nghỉ học, xin làm thợ may cho một công ty nhỏ gần nhà. Tuy nhiên, chỉ làm việc được thời gian ngắn em phải nghỉ vì vết thương ở chân tái phát. Bàn chân còn có dấu hiệu tê liệt, phải châm cứu các ngón chân. Sau lần đó, Dung phải sử dụng chiếc nạng mỗi khi di chuyển để giảm bớt sức nặng của cơ thể đè lên bàn chân bị thương.
Đã nghèo còn bệnh hiểm
Khó khăn chưa dừng lại. Cách đây 5 năm, sau thời gian chịu đựng những cơn đau âm ỉ ở vùng bụng, bà Lan quyết định đi khám thì được chẩn đoán u xơ tử cung. Dù đã phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng chưa đầy 5 tháng sau, cơn đau lại tái phát.
“Lần này, thấy bụng mình ngày càng to ra trông thấy, cộng với những cơn đau dày hơn nên tôi lại quyết định tìm đến bệnh viện. Một bệnh viện ở Hà Nội chẩn đoán tôi bị ung thư dạ con nên tiếp tục phẫu thuật”, bà Lan cho hay.
Sau những cuộc can thiệp bằng dao kéo, sức khoẻ bà Lan giảm sút rõ rệt. Mọi công việc trong gia đình, đồng áng bị đình trệ. Cuộc sống của gia đình này vốn đã khó khăn càng thiếu thốn hơn. Cả nhà chỉ biết trông chờ vào những công phụ hồ khó nhọc của ông Quy. Ngặt nỗi, vì sức khoẻ ốm yếu, tính khí lại thất thường nên người chồng cũng làm việc bữa đực, bữa cái.
Cách đây vài tháng, bà Lan bỗng thấy trên cổ xuất hiện hai cục hạch lạ. Đi khám lại được chẩn đoán là khối hạch di căn của ung thư dạ con. “Tin đó như sét đánh ngang tai, tôi không ngờ căn bệnh đó cứ đeo bám mình mãi. Họ bảo đã di căn, nhưng tôi quyết định “còn nước, còn tát” nên nhập viện điều trị”, bà Lan buồn rầu.
“Để có đủ số tiền gần 30 triệu cho lần xạ trị đầu tiên, gia đình tôi phải đi vay mượn khắp nơi. Sau 20 ngày nằm viện, họ cho về nhà nghỉ ngơi để tiếp tục những bước chữa trị tiếp theo. Cách đây vài ngày, theo lịch của bác sỹ, tôi nhập viện. Vì chồng ốm yếu, lại chậm chạp nên cháu Dung đi cùng. Lần nào tôi đi viện, nó cũng đòi đi theo để được chăm sóc, ở cùng mẹ”, người phụ nữ tâm sự.
Từ ngày mẹ phát hiện bệnh, Dung luôn bên cạnh chăm sóc dù đôi chân em cũng chưa lành. Ngồi ủ rủ trên giường bệnh, Dung tâm sự: “Chị gái đi lấy chồng xa, khó khăn, bố thì sức khoẻ yếu nên em phải đi theo chăm sóc mẹ. Đó cũng là trách nhiệm, bổn phận mà em nghĩ mình phải chu toàn. Mẹ đã hy sinh vì em quá nhiều nên đây là lúc em phải bù đắp lại”.
Nghe con gái nuôi tâm sự, bà Lan nở nụ cười nhẹ. Bà cho hay: “Tôi biết tình trạng bệnh của mình…. Chỉ lo sau này, khi lỡ may tôi không còn trên cõi đời này, nó sẽ sống thế nào. Cháu nó đã một lần mồ côi mẹ, thiếu thốn tình cảm, giờ tiếp tục bơ vơ thì tội lắm”.
Còn Dung tâm sự: “Em chỉ mong mẹ gặp được thầy, được thuốc, còn em, chịu đau một chút cũng không sao. Dù mẹ không sinh ra em, nhưng là người chăm bẵm em từ khi còn nhỏ. Công ơn của bố mẹ, em luôn ghi nhớ”.