- LS Đoàn Trung Hiếu (Trưởng VPLS Cộng Đồng) - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết: Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng (HĐ) vay tài sản như sau: HĐ vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, vay tài sản là quan hệ dân sự do thỏa thuận giữa các bên. Trong đó, khi đến hạn trả, chỉ có bên vay mới có nghĩa vụ trả nợ. Người thân của bên vay tài sản chỉ phải trả nợ thay trong trường hợp đã cam kết bảo lãnh cho khoản vay nhưng người được bảo lãnh lại không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.
Cụ thể, Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
Như vậy, khi đến hạn mà bên vay không trả nợ, nếu không có cam kết bảo lãnh, bà A (chủ nợ) không được phép đòi tiền, tài sản của bạn. Trường hợp chủ nợ có hành vi đe dọa, uy hiếp hoặc dùng vũ lực ép buộc bạn tùy thuộc vào mức độ thì có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, bà A cũng không thể kiện bạn ra Tòa án có thẩm quyền với tư cách là bị đơn.
Tiếp đó, theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015, công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác theo quy định thì bị tước một hoặc một số quyền công dân như: Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, không có văn bản nào quy định về việc hạn chế các quyền và nghĩa vụ khác của công dân.
Bên cạnh đó, theo Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định như sau: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Căn cứ quy định này, người đi vay phải có nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn. Nếu vay bằng tiền thì trả bằng tiền, nếu vay bằng vật thì trả bằng vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng khi không có thỏa thuận khác.
HĐ vay tài sản gồm hợp đồng vay có lãi suất và HĐ vay không có lãi suất. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi theo quy định tại khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015: “Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Như vậy, dù HĐ vay hai bên thỏa thuận không có lãi nhưng đến khi hết thời hạn vay mà bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm (khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015) trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Do vậy, mẹ của bạn sau khi ra tù, ngoài khoản tiền nợ gốc, còn phải thanh toán cho bà A tiền lãi chậm trả theo quy định trên.