'Cô dâu 16 tuổi' và ca song sinh éo le

 Cặp song sinh bị dị tật bẩm sinh
Cặp song sinh bị dị tật bẩm sinh
(PLO) -Nghèo khó, lại ở xa bệnh viện nên từ khi mang thai, người mẹ chỉ đi siêu âm một lần, được thông báo mang song thai. Đến ngày sinh, niềm vui vừa hé lên đã chuyển thành nỗi đau khi cặp song sinh vừa chào đời bị dị tật, dính liền nhau, không có hậu môn, tình trạng rất nguy kịch. 

Cô dâu 16 tuổi

Thị Quyền (SN 1998) và Điểu Tuấn (SN 1992, cùng dân tộc Stiêng, ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện, huyện Lộc ninh, tỉnh Bình Phước) sinh ra trong một buôn làng Stiêng nghèo. Trong làng, những nóc nhà sàn được đếm bằng đầu ngón tay, ọp ẹp nằm lặng lẽ dưới chân những ngọn đồi. Dân làng sống chủ yếu dựa vào rẫy tiêu, rẫy điều và làm thuê làm mướn mỗi vụ thu hoạch. 

Nhà của Tuấn và Quyền chỉ cách nhau vài bước chân, từ nhỏ cả hai đã thân thiết, lớn lên vẫn quấn quýt không rời. Tình yêu dần nảy nở sau những chuyến cùng lên rẫy đốn củi, lên nương hái tiêu. 

Theo lời kể của Tuấn, gái trai trong làng từ 15 tuổi trở lên đều được dựng vợ gả chồng. Đầu năm 2014, Quyền tự nguyện về sống chung cùng Tuấn như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, ngày cưới chỉ một mâm lễ nhỏ, con gà và chai rượu nếp dâng làng. Lúc đó Quyền chưa đủ 16 tuổi. 

Chàng trai vội trần tình: “Chúng em yêu nhau, cha mẹ hai bên cũng ưng ý nên quyết định làm đám cưới. Ngày mới cưới, vợ em chưa đủ tuổi nên cán bộ xã không cho làm giấy đăng ký kết hôn. Lâu dần em bận rộn công việc nên “quên” cho đến nay vẫn chưa làm giấy tờ”. 

“Vợ chồng” Tuấn sống chung cùng cha mẹ, anh em trong căn nhà sàn nhỏ. Tuấn theo cha mẹ đi rẫy, khi hết vụ mùa thì đi phụ thợ hồ. Còn Quyền ở nhà lo lắng cơm nước cho cả đại gia đình nhà chồng và hái tiêu thuê cho những chủ rẫy. Dù bữa cơm còn rau cháo đạm bạc nhưng trong gia đình luôn hòa đồng, hạnh phúc. 

Chẳng bao lâu sau, Quyền mang thai đầu lòng. Để có thêm khoản tiền chuẩn bị cho ngày con ra đời, Tuấn rời làng theo đoàn thợ hồ xuống những vùng khác làm công trình. 

Tuấn buồn bã kể: “Em đi chưa đến tháng, lương chưa nhận được đồng nào thì đùng một cái nghe tin vợ em bị mang thai ngoài tử cung, yếu quá nên sảy thai, phải cấp cứu ở viện. Em chỉ kịp ứng 2 triệu tiền lương rồi bắt xe một mạch về nhà...”.

Một thời gian sau Quyền mới vơi bớt được nỗi đau, trở lại cuộc sống bình thường. Cuối năm 2015, cô gái một lần nữa mang thai. Hai tháng đầu, vợ chồng Quyền luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ lại mất con.

Được một cô giáo người Kinh tư vấn nên đến bệnh viện khám và siêu âm, Tuấn vay mượn xóm làng được 3 triệu chở vợ xuống một phòng khám tư nhân thuộc thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Niềm vui nhân lên gấp bội khi bác sĩ thông báo Quyền mang song thai.

Vì hoàn cảnh eo hẹp, nhiều bữa cơm không đủ ăn phải độn khoai mì nên những tháng thai kỳ sau đó Quyền không trở lại tái khám. Không những thế, trong thời gian đó, Quyền cũng cật lực làm lụng không ngơi tay, khi bụng bầu đã vượt mặt vẫn cần mẫn trên nương ngô đến tối mịt mới gùi ngô trở về. 

Khoảng 14h ngày 22/7/2016, Quyền còn len lỏi giữa những cột tiêu làm cỏ thuê thì đau bụng, may mắn được những người dân xung quanh đó phát hiện tri hô. Người thân tức tốc đưa thai phụ trẻ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Ninh. Sau khi các bác sĩ thăm khám, Quyền được chỉ định sinh mổ khi thai mới 33 tuần tuổi. 

“Bác sĩ nói với em “nếu không nhanh chóng phẫu thuật thì tính mạng của mẹ lẫn con đều khó bảo toàn được”. Trong túi em chỉ có hơn 100 nghìn, không có tiền nộp viện phí, người thân hai bên ai cũng nghèo khổ không biết vay ai.

Đầu óc em quay cuồng không nghĩ ra cách thì may mắn được các bác sĩ cho biết, sẽ phẫu thuật trước, viện phí tính sau. Nhờ lòng tốt của bác sĩ, vợ con của em mới có cơ hội sống được”, Tuấn xúc động.

Điểu Tuấn túc trực ngoài hành lang chăm vợ con nguy kịch
 Điểu Tuấn túc trực ngoài hành lang chăm vợ con nguy kịch

Bán cả gia sản không đủ tiền cứu con

Sáng 23/7, Quyền được đưa vào phòng mổ. Ca mổ nhanh chóng, lấy thành công hai bé song sinh nặng 3,4 kg. Tuy nhiên, cặp song sinh bị dị tật bẩm sinh dính liền mông, không có hậu môn, một bé chân phải bị tật bẻ ngược về phía trước, bàn chân phải nhỏ hơn chân trái.

Ngay sau khi chào đời, sức khỏe hai bé dần chuyển biến xấu phải hồi sức, phải gấp rút chuyển cả mẹ lẫn con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp tục điều trị. 

Điểu Tuấn ngồi bó gối trên mảnh chiếu nhăn nhúm trải vội ở hành lang khoa Sơ sinh (thuộc Bệnh viện Nhi đồng 2), hai bàn tay đan chặt vào nhau lo lắng. Tuấn kể mình là con thứ ba trong gia đình có bốn anh, chị, em. Anh phải bỏ học từ lớp 5 để cùng cha làm lụng nuôi gia đình. Còn Quyền là chị của 5 người em, từ nhỏ không được đến trường, chỉ “bám” vào nương rẫy. 

Tuy anh em không ít nhưng ai cũng đói ăn thiếu mặc không giúp được gì. Người bố trẻ thở dài: “Em mới nộp tạm ứng được 3 triệu viện phí. Hôm qua bác sĩ nói cần phải phẫu thuật tách hai con ra. Em nghe những người khác nói chi phí mổ phải rất nhiều. Nhà em nghèo, ăn còn không đủ, nếu bán hết rẫy, nhà cửa, trâu, lợn cũng chưa chắc được 50 triệu, lấy tiền đâu mà mổ cho con. Rồi nếu bán tất cả thì gia đình 7 người biết sống ở đâu, lấy gì nuôi con?”.

Tuấn kể thêm, không chỉ hai con không may bị dị tật, từ sau ca mổ đến nay, Quyền vẫn chưa thể rời khỏi giường bệnh, chưa một lần được nhìn mặt hai đứa trẻ. Mọi sinh hoạt đều dựa vào sự chăm sóc của Tuấn. 

Người thân hai bên biết tin đều đau lòng, nhưng đường sá xa xôi, cha mẹ đã già yếu nên đành hỏi thăm qua điện thoại. Qua điện thoại, bà Thị Thớt (mẹ Tuấn) nói tiếng Kinh bập bẹ, ngậm ngùi cho hay: bà bị bệnh tim phải chạy chữa thường xuyên hơn 3 năm nay.

Hàng ngày không thể làm việc nặng, mọi việc lớn bé trong nhà đều dồn hết lên vai chồng và các con. Nghe tin hai cháu bị dị tật, con dâu cũng nguy kịch, vợ chồng bà bàn nhau bán mảnh rẫy còn lại, bán luôn hai con trâu, lấy tiền gửi cho Tuấn chạy chữa cho vợ con. Nhưng từ ngày rao bán đến nay vẫn chưa có người mua.

Mẹ Tuấn khóc nức nở: “Tội nghiệp hai đứa nó, lần trước mang thai thì sảy, lần này sinh được thì bị tật. Hai cháu tui lớn lên cũng khổ chớ sướng sung gì, không được bằng bạn bằng bè... Nhưng được sống còn quý hơn. Tui chỉ mong cháu tui được cứu sống”.

Về phía Bệnh viện Nhi đồng 2, hội đồng chuyên môn thăm khám cho thấy hai bé dính nhau phần mông, chiều dài dính nhau khoảng 10cm, đối lưng theo tư thế đầu hướng ra hai bên, khác với các trường hợp dính thông thường là phần bụng, ngực.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Phó giám đốc Bệnh viện) cho biết: Khi mới nhập viện, hai bé trong tình trạng bụng chướng, không thấy hậu môn nên các bác sĩ đã ngay lập tức đặt ống vào lỗ rò, hỗ trợ thoát phân dễ dàng hơn. Kết quả siêu âm tim và khảo sát hiện tại không thấy dị tật gì khác kèm theo. Vùng dính của hai bé là hai xương sống tách bạch, hệ thống tiêu hóa tách riêng.

Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được có dính vùng tủy sống và đuôi ngựa hay không. Sau khi có kết quả kiểm tra tiếp theo, hội đồng chuyên môn sẽ làm việc và lên kế hoạch tách rời cho hai bé.

Bác sĩ Thạch nói thêm: “Qua đánh giá ban đầu, phần da dính nhau khoảng 10cm, vì vậy khi mổ tách hai bé rất có thể sẽ thiếu da và không có da bù đắp. Việc này rất có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, rất nguy hiểm cho tính mạng hai bé. Để chuẩn bị trước tình huống này, hiện Bệnh viện đang bàn tới phương án đặt túi da cho hai bé để chuẩn bị phần da sẵn sàng khi phẫu thuật”.  

Bạn đọc hảo tâm giúp đỡ gia đình sản phụ Quyền, xin liên hệ anh Điểu Tuấn (ngụ ấp Măng Cải, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), số điện thoại: 01635309451

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.