Cô bé 6 tuổi “nghiện” ăn tóc đến suy kiệt cơ thể

Bác sỹ Đào Trung Hiếu thăm khám cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật
Bác sỹ Đào Trung Hiếu thăm khám cho bệnh nhi sau ca phẫu thuật
(PLO) -Nhiều lần nhìn thấy bé gái 6 tuổi nhặt tóc cho vào miệng nhai nhưng cha mẹ chủ quan không biết rằng con gái mình mắc hội chứng thèm ăn tóc, một chứng bệnh hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm. Kết quả siêu âm cho thấy búi tóc trong bụng bé gái đã to như quả dưa gang.

Búi tóc căng đầy trong bao tử 

Ngày 17/2 vừa qua, chị Lê Thị Mai Linh (trú tại TP.Biên Hoà, Đồng Nai) đưa con gái 6 tuổi của mình là bé Phùng Phương Thúy nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.Hồ Chí Minh do bé gặp triệu chứng đau bụng, nôn ói sau khi ăn. Cùng với các triệu chứng trên, bé Thúy còn bỏ ăn nhiều ngày, sức khoẻ ngày một yếu đi.

Bệnh nhi khá gầy yếu, người xanh xao, cân nặng chỉ có 13kg, bằng cân nặng của bé 2, 3 tuổi, tình trạng cơ thể suy dinh dưỡng nặng. Chẩn đoán sơ bộ nhiều khả năng bé Thúy mắc bệnh đường tiêu hoá, các bác sỹ đã tiến hành siêu âm và kết quả bất ngờ khi hình ảnh thu được cho thấy dạ dày của bé bị căng đầy bởi một khối dị vật.

Thạc sỹ - bác sỹ Đào Trung Hiếu, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bằng kinh nghiệm của mình, ngay lúc ấy ông nhìn lên mái tóc thưa thớt của bệnh nhi và biết ngay khối dị vật trong dạ dày chính là do bé bứt tóc ăn. Chỉ có điều, vị bác sỹ không thể ngờ số lượng tóc trong người bé gái lại lớn đến như vậy.

Sau khi siêu âm, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật lấy búi tóc ra khỏi người bé gái. Búi tóc lớn đến mức đường kính nơi lớn nhất là 12 cm, chiều dài 40cm trong dạ dày và kéo dài xuống tận ruột non. Búi tóc lớn chiếm hầu hết khoang chứa thức ăn của bao tử khiến bé gái không thèm ăn. Mỗi lần ăn nhiều thức ăn một tí là bé sẽ bị nôn ói.

Chị Linh, mẹ của bé Thúy cho biết, hai vợ chồng làm công nhân, ít khi có thời gian quan tâm tới con, trong khi bé được giao cho bà ngoại chăm sóc. Gia đình không biết bé có sở thích ăn tóc từ bao giờ nhưng cách đây 6 tháng, chị phát hiện một vài lần con mình lượm tóc rụng và bỏ vào miệng ăn. Ngoài ra, cô giáo của bé cũng kể lại với chị là nhìn thấy bé bứt tóc cho vào miệng.

Cách đây 2 tháng, thấy bụng con ngày càng lớn, thỉnh thoảng đau bụng, chị đưa con đi khám ở phòng mạch tư. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán con chị bị gan, lách to và cho về nhà. Nhưng sau đó, bé Thúy tiếp tục có triệu chứng đau bụng, táo bón, nôn ói sau khi ăn, vì thế gia đình đã đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám và rất bất ngờ khi thấy búi tóc lớn như vậy trong bụng bé.

“Mặc dù đã mổ lấy cục tóc ra rồi, sức khoẻ cháu cải thiện nhưng dường như cháu vẫn còn thèm ăn tóc. Thỉnh thoảng tôi vẫn phát hiện cháu lén lút khều nhặt tóc dưới sàn nhà lên ăn, không biết phải điều trị như thế nào để bé không ăn tóc nữa”, chị Mai Linh lo lắng nói.

Búi tóc to như bắp tay người lớn trong dạ dày bé gái 6 tuổi
Búi tóc to như bắp tay người lớn trong dạ dày bé gái 6 tuổi

Bệnh thích ăn tóc

Bác sỹ Đào Trung Hiếu cho biết, bé Thúy đang mắc phải là chứng bệnh Rapunzel, còn gọi là chứng “công chúa tóc mây”, chứng nghiện ăn tóc - một dạng bệnh tâm lý khó chữa. 

“Bệnh nhân có sở thích ăn tóc và chỉ thèm ăn tóc. Bệnh viện chúng tôi thi thoảng vẫn tiếp nhận một vài trường hợp tương tự. Các bé này thường xanh xao, biếng ăn, nôn ói. Tuy nhiên, Thúy là trường hợp nhỏ tuổi nhất và có búi tóc lớn nhất, dài nhất từ trước đến nay”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.

Bác sỹ Hiếu cũng cho biết, trong 3 năm qua, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 10 trường hợp trẻ có thói quen ăn tóc. Mặc dù vậy, có đến 50% bố mẹ không biết con mình có thói quen này, bởi đây là bệnh hiếm gặp và tâm lý chủ quan cho rằng đây là hành vi hiếu động của con trẻ. Đến khi trẻ đau bụng, nôn ói, người lớn mới đưa đi khám và phát hiện ra.

Theo bác sỹ Hiếu, việc siêu âm cũng như phẫu thuật lấy búi tóc trong dạ dày bệnh nhi không quá khó. Điều quan trọng là phải điều trị tâm lý để bé từ bỏ thói quen ăn tóc, nếu không tình trạng trên sẽ tiếp diễn. Phụ huynh trước hết cần quan tâm tới con mình nhiều hơn, gần gũi, trò chuyện với bé, tạo cho bé các hoạt động vui chơi để quên đi thói quen ăn tóc, dần dần bỏ hẳn thói quen này.

Đây không phải trường hợp bệnh nhi đầu tiên thích ăn tóc được phát hiện ở nước ta. Năm 2008, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phẫu thuật cho bé gái 8 tuổi lấy ra khối dị vật là búi tóc đóng thành khối cứng trọng lượng 350gr. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng biếng ăn, thường bị đau bụng từng cơn và nôn ói. Phụ huynh cho biết thấy con hay bứt tóc ăn nhưng nghĩ không sao nên chỉ nhắc nhở.

Theo bác sỹ Hiếu, trong một tháng gần đây, bệnh viện thường xuyên gặp trường hợp các bé ăn dị vật như mủ cao su, hạt chuối, giấy... Thông thường, những bé mắc bệnh thích ăn những chất không mang lại dinh dưỡng như len, tóc, thậm chí vôi tráng tường sẽ bị đau bụng thường xuyên. Khi nào ăn no, các bé sẽ hay ói ra ngoài. Bệnh nhân mắc bệnh này thường suy dinh dưỡng, dần dần sức khỏe suy kiệt do ăn các chất không có dinh dưỡng.

“Đa số các bé mắc bệnh này ít được tiếp xúc với nhiều người, không có ai chơi cùng, cha mẹ hoặc người lớn trong nhà không có thời gian quan tâm. Bé thường hay thụ động, không hoạt bát...

Do đó, một trong những biện pháp điều trị trước mắt là sau khi phẫu thuật lấy bướu tóc, gia đình cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho các bé, cố gắng gần gũi với con hơn nữa để giúp con bỏ thói quen xấu. Nếu không khắc phục được dứt điểm, nguy cơ tái phát sẽ rất cao”, bác sỹ Hiếu khuyến cáo.

Năm 2014, một cô gái 18 tuổi ở Kyrgyzstan nhập viện trong tình trạng không ăn uống được và đau bụng dữ dội. Sau khi chụp X quang, các bác sĩ phát hiện có một khối màu đen trong bụng bệnh nhân nên quyết định mổ để lấy dị vật đó ra.

Các bác sĩ đã cố gắng lôi ra một búi tóc có nhiều sợi tóc quấn chặt vào nhau nặng khoảng 4 kg trong bụng bệnh nhân. Họ cho rằng nếu không được mổ cấp cứu, người bệnh có thể sẽ chết.

Các giáo sư hàng đầu tại đây cho biết, họ chưa từng nghe thấy có một búi tóc lớn như thế trong bụng bệnh nhân dù đã có nhiều năm trong nghề. Búi tóc ngày càng lớn và cuộn chặt vào nhau do cô gái có thói quen nhai chân tóc, thậm chí ăn tóc cùng một ít len cô tìm thấy trên thảm ở nhà. Bệnh nhân sau đó cũng phát hoảng với số lượng tóc lấy ra từ trong bụng mình và hứa sẽ không bao giờ ăn tóc nữa.

Năm 2015, bé gái 15 tuổi người Ấn Độ Kavita Kumari thường xuyên đau bụng, không thể nuốt nước và phải đến bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ phát hiện cuộn tóc dài khoảng 1,5m nằm trong bụng cô bé. Dạ dày và ruột non đã tổn thương nghiêm trọng. Cô bé yếu ớt, suy dinh dưỡng và hầu như không thể đứng vững một mình.

Cô bé được chẩn đoán mắc hội chứng Rapunzel, nhưng không chỉ nuốt tóc của mình, Kavita Kumari còn thường xuyên nhổ tóc của bạn bè trong lớp và mọi người xung quanh để ăn. Chứng nghiện ăn tóc khiến cô bé mất hứng thú trong việc ăn uống bình thường, thường xuyên đau bụng, nôn ói.

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.