Cuộc hôn nhân sớm nở, tối tàn
Năm 2003, khi đó ông Nguyễn Trọng Nhân (sinh năm 1960) là công an của tỉnh Đồng Nai đã “góp gạo thổi cơm chung” với bà Trần Thị Bích Hạnh (sinh năm 1967). Bà Hạnh cũng từng làm công an tại Đồng Nai, nhưng sau đó chuyển sang làm hải quan ở TP.HCM. Tưởng rằng sau những cú vấp của hôn nhân lần thứ nhất, họ sẽ biết quý trọng, nâng niu những hạnh phúc vớt vát được khi cái tuổi cũng đã nằm bên kia dốc của cuộc đời. Vậy nhưng, cuộc tình đó đã nhanh chóng lạnh nhạt.
Nói là vợ chồng suốt gần chục năm trời nhưng bà Hạnh cho biết hai người ở với nhau chẳng được bao nhiêu, vì ông Nhân thường xuyên đi công tác.
“Hồi mới có thai con bé (bé Thùy Trang, sinh năm 2004 - PV), tôi đã nhận thấy ông ấy lăng nhăng rồi nên nghĩ cũng chẳng cần đăng ký kết hôn để ràng buộc nhau làm gì. Nói là vợ chồng nhưng tiền của ai nấy xài, việc của ai nấy làm và chuyện riêng tư cũng chẳng ai đoái hoài ai cả. Tôi mang bầu và sinh con, nuôi con một mình ở nhà riêng của tôi tại quận 2, TP.HCM…” - người phụ nữ nghẹn ngào kể về cuộc hôn nhân lạnh lẽo của mình.
Mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm khi cách đây 4 năm (2011), ông Nhân bị kỷ luật vì “quan hệ không rõ ràng” với một đồng nghiệp nữ. Chính anh chồng cũng là công an của cô đồng nghiệp đó đã làm rùm beng mọi chuyện. Sau đó, vợ chồng ông bà Hạnh, Nhân đưa nhau ra tòa.
Không chỉ tranh nhau một số tài sản, họ còn tranh nhau quyết liệt quyền được nuôi cô con gái. Cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm lần đầu đều quyết định cho ông Nhân được nuôi con vì ông có điều kiện hơn… Tuy nhiên, lúc này cháu Trang vẫn ở với mẹ nên việc thăm non con của ông gặp vô vàn khó khăn. Ông nhân cho rằng bà Hạnh tìm cách để chia rẽ tình phụ tử nên ông phải tìm mọi cách để đưa con gái về Đồng Nai chăm sóc theo bản án mà tòa đã tuyên. Một ngày, khi cháu đang học tại trường thì ông đã âm thầm tới đón con về Đồng Nai.
Minh họa nguồn internet. |
Tại anh, tại ả hay tại cả đôi đường?
Thương con, bà Hạnh lại tìm về Đồng Nai thăm con, nhưng bà cho rằng ông Nhân tìm mọi cách để giấu cháu Trang, không cho bà biết cháu ở đâu, học trường nào khiến bà phải nhờ người đi tìm hiểu khắp nơi.
Trước tình thế đó, bà đã đề nghị giám đốc thẩm bản án, được Tòa Tối cao hủy án giao xét xử lại. HĐXX xét thấy cả hai vợ chồng ai cũng có điều kiện đầy đủ, nguyện vọng muốn được nuôi dưỡng, chăm sóc con là chính đáng. Tuy nhiên, do đặc thù công việc của mỗi người một khác, ông Nhân thường phải đi công tác, hơn nữa cháu là con gái, đang ở tuổi cần có sự quan tâm chăm sóc của bàn tay người mẹ… nên tòa công nhận cho bà Hạnh được quyền nuôi con. Bà Hạnh không yêu cầu ông Nhân phải chu cấp bất cứ khoản gì. Sau đó ông Nhân chống án, nhưng không được cấp phúc thẩm chấp nhận.
Vậy là cháu Trang phải xa bố ở Đồng Nai để về với mẹ ở Sài Gòn. Thế nhưng thực tế thì bà Hạnh vẫn chưa thể đón được con về vì cháu không chịu đi. Bà Hạnh cho rằng cháu không về không phải vì cháu không có tình cảm với mẹ mà bị ông Nhân khống chế về tinh thần, ép buộc cháu phải lựa chọn như vậy?
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà đã làm đơn yêu cầu lực lượng thi hành án (THA) Biên Hòa phải tiến hành cưỡng chế chồng cũ tự nguyên giao con cho mình. Dù đã qua 2 lần tiến hành cưỡng chế nhưng đều bất thành. Theo đoàn cưỡng chế ghi nhận cháu Trang khóc lóc và nhất quyết xin được ở với ba mà không muốn về với mẹ, thậm chí cháu còn dọa sẽ chết nếu như lực lượng vào bắt cháu đi.
“Tại sao họ không đưa tôi và ông Nhân về nhà gặp cháu, mà cử đại diện vào là sao? Tôi là mẹ của nó mà. Tôi là người được thi hành án - được nuôi cháu mà. Thực tình tôi không muốn bằng mọi giá để đưa cháu về bên tôi vì như thế ít nhiều sẽ làm tổn thương cháu. Tuy nhiên tôi vô cùng lo lắng vì ông ấy không phải là người có tư cách tốt. Tôi không muốn điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra với cháu…”- bà Hạnh ứa nước mắt chia sẻ.
Ngược lại, ông Nhân thì cho rằng bà Hạnh không xứng đáng để nuôi con vì bà cũng rất lăng nhăng, chẳng đoái hoài gì tới con cái cả, hay phân biệt con chung, con riêng, coi con bé chẳng ra gì. Ông cho rằng bà đã tìm cách nói xấu ông với con gái để mong chia rẽ tình cha con.
“Bà ấy tìm đủ cách chỉ với mục đích làm cho tôi cô độc, làm cho tôi mất chức, làm cho tôi sạt nghiệp. Bà ấy đã làm đơn tố cáo tôi về hành vi hiếp dâm con gái ra cơ quan điều tra. Kết quả giám định cho thấy không hề có chuyện này và đó là sự vu khống của bà ấy.
Tôi đã có đơn đề nghị xử lý bà về hành vi này. Thử hỏi, nếu tôi có những hành vi vô đạo đức đó thì con gái có yêu thương, ở với tôi mà không về với mẹ nó không? Bà ấy rêu rao tôi “đầu độc”, khống chế tinh thần, ép buộc cháu phải theo tôi thì rồi đây cháu lớn lên bà sẽ rõ. Nếu tôi là người xấu, không quan tâm đến con thì sao cháu phát triển cao ráo, khỏe mạnh, học hành năm nào cũng được loại giỏi, cũng được thi toán cấp tỉnh?...”- ông Nhân đặt vấn đề.
Tan nát tâm hồn con trẻ
Hỏi chuyện bà giúp việc Nguyễn Thị Thành, quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa, đã từng làm ô sin cho bà Hạnh một năm và ông Nhân hai năm thì được biết: “Hai vợ chồng họ đều đối xử tốt với tui cả. Tui thấy ai cũng rất mực thương cháu Trang. Tuy nhiên mỗi người có một cách thương khác nhau. Bà Hạnh do bận công việc nhiều nên chủ yếu giao cho tui chiều theo ý thích của cháu.
Còn với ông Nhân thì có cách thương con hơn như trực tiếp chăm chút cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ rất chu đáo. Có điều ông ấy có cách giáo dục con theo tôi là chưa hợp cho lắm. Tui không dám can thiệp hay khuyên nhủ gì cả, nhưng tui cũng là người mẹ, người bà rồi nên cũng phần nào hiểu. Tui chỉ mong chuyện người lớn đừng làm tổn thương tới cháu. Rồi nước sẽ đọng ở chỗ sâu mà...”.
Về vấn đề pháp lý đã khá rõ ràng, bà Hạnh được quyền nuôi con là vấn đề không ai tranh cãi. Tuy nhiên, điều tréo ngoe là đến giờ cháu vẫn không chịu về với mẹ mà vẫn ở với ba. Theo xác nhận sự việc nhằm bảo vệ quyền trẻ em của đại diện khu phố, đại diện Ban bảo vệ bà mẹ trẻ em, đại diện tổ dân phố, đại diện mặt trận khu phố của phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa cũng như phía cô giáo chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường nơi cháu học thì mỗi lần thấy bà Hạnh đến là cháu Trang lại lo lắng sợ hãi, tìm cớ chạy trốn…?
Khổ sở nhất là những người có nhiệm vụ phải thi hành bản án này, bởi tất nhiên theo quy định của pháp luật thì lực lượng này phải tiến hành cưỡng chế để giao con cho bà Hạnh nếu như ông Nhân không tự nguyện. Thế nhưng cả hai lần cưỡng chế đều đã thất bại vì cháu không chịu về với mẹ. Tuy nhiên sự tranh giành của bố mẹ đang từng ngày từng giờ “xé” nát tâm hồn vô tư, trong trắng của con mình.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi