Một thúng ổi bán được mấy chục ngàn về tới nhà bị chồng lột sạch đi uống rượu. Một đàn gà chuẩn bị đem ra chợ bị chồng vặn cổ chết cả. Những cái tát túi bụi từ người chồng ghen tuông. Sự ngạo ngược tưởng chừng nhưng vô lý của người đàn ông ngoại tình... Tất cả dường như gói gọn trong ba chữ: Kiếp đàn bà!
Đàn bà không đáng được tôn trọng?
Tối hôm đó, đi chợ về mệt nhoài, chị Nguyễn Thị T. (tên các nhân vật trong bài đều được thay đổi) thấy chồng mở nhạc rất to, mọi người nói chuyện cứ phải gào lên với nhau. Vừa hay lúc đó, chị gái của chị T. gọi điện đến, không nghe thấy chị gái nói gì, chị T. chạy ra ngoài cửa để nói chuyện. Hai chị em đang chuyện trò thì chồng chị T. xông ra tát vào mặt chị túi bụi, vừa tát vừa chửi: “Tao biết mày gọi điện ngoại tình”.
Thấy chồng hành xử như vậy chị T. đi vào nhà để tránh hàng xóm dòm ngó, thế rồi ngay tại phòng khách chồng chị cứ thế lao vào tát chị tiếp. Đánh vợ xong, chồng chị quay sang chỉ vào đứa con đang học lớp ba chửi rất bậy và đuổi con ra khỏi nhà. “Bị đánh đau, nhưng cái đau nhất của tôi là gia đình, anh em, bố mẹ không có sự tôn trọng lẫn nhau, cha mẹ có những lời lẽ làm tổn thương đến con cái. Thằng bé nhà tôi là đứa trẻ vô tội, đánh mẹ nó trước mặt nó đã không thể chấp nhận được rồi, lại còn chỉ thẳng mặt con chửi rất bậy...” – chị T. cho biết.
Thực ra với chị T. đây không phải lần đầu chị bị chồng đối xử không tôn trọng như thế. Chị bán hàng vất vả cả ngày ngoài chợ Bãi Đá, còn người chồng chỉ loanh quanh ở nhà đến bữa nấu quấy quá cơm canh rồi ăn trước. “Chuyện mâm cơm nhà tôi cũng buồn lắm. Chồng tôi không bao giờ chờ vợ về ăn cơm, lúc nào tôi về cũng là một mâm cơm đã ăn dở vung vãi, rau hết, canh hết, xương tung tóe trên bàn. Tôi chẳng đòi hỏi gì cao lương mỹ vị, nhưng gia đình phải có sự tôn trọng, ít nhất ăn trước thì phải phần ra cho người ăn sau, dù chỉ bát canh, miếng rau thôi nhưng thể hiện sự yêu thương, tôn trọng. Sự việc diễn ra quá nhiều lần nên tôi cũng chai sạn, không nói nữa. Nhưng cũng có hôm, nhìn mâm cơm tôi tủi thân không sao nuốt nổi, thế là ôm bụng đói đi ngủ” – chị T. ngậm ngùi chia sẻ.
Chị Trần Thị M. cũng bị chồng đánh, lý do rất đơn giản: ngoại tình nên ngứa mắt đánh vợ. “Nửa đêm, ông ấy ném cái cốc nước bằng sành rất nặng vào mặt tôi, máu tóe ra. Tôi đi khâu 9 mũi đến tận 2h sáng hôm sau mới về đến nhà, vậy mà sáng sớm vẫn vác bộ mặt sưng vù ấy ra chợ, không làm thì tiền đâu mà sống” – chị M. cho biết.
Chẳng có người đàn bà nào muốn sẻ chia chồng mình với người đàn bà khác, chẳng có người vợ nào muốn cảnh chồng lấy tiền nhà để nuôi con riêng, đứa con mà ông chồng đã ngang nhiên “cắm sừng” mình. Thế mà chị M. phải chấp nhận điều đó. Chị cho biết, bồ của chồng chị đã bỏ đi vì chồng chị hết tiền bao, nhưng chồng chị vẫn phải có trách nhiệm với đứa con trai 2 tuổi với người đàn bà ấy. Thế là có bao nhiều tiền từ con cái cho, rồi tiền thuê nhà chồng chị đổ hết nuôi con riêng, chứ tuyệt nhiên không chung sức lo với chị bất cứ việc gì trong nhà, họ hàng làng mạc có cỗ bàn đóng góp gì cũng một mình chị gánh hết. Thậm chí chị còn phải cho chồng tiền tiêu, tiền ăn, tiền đi chơi...
Một lớp nhảy zumba được tổ chức tại chợ giúp các chị có cuộc sống vui vẻ, hàn gắn vết thương bạo lực gia đình |
Ước mơ của đàn bà
Người ta thường nói đàn bà khó chiều, khó hiểu, hay mơ ước cao xa, “được voi đòi tiên”, nhưng có lẽ đó là chỉ với một bộ phận, còn đa phận những người phụ nữ, kể cả những người phụ nữ ở khu chợ Bãi Đá này, ước mơ của họ đơn giản lắm, hạnh phúc của họ cũng thật đơn sơ.
“Cuộc sống của tôi là như vậy, tôi chỉ mong một người bạn, người thân nào trong gia đình nhà chồng có có thể nghe được lời bộc bạch của tôi. Tôi không phải loại ăn tàn phá hoại, một người phụ nữ vô dụng, nên tôi chẳng có lý do gì sợ cả.
Có thể những người phụ nữ khác người ta có thể vợ chồng đánh chửi nhau xong, chửi cha, chửi mẹ, lôi nhau ra như mổ trâu, mổ bò, tối về đầu ấp má kề, người ta bảo “ừ thôi, xong là xong”, nhưng tôi nghĩ sống với nhau chỉ cần sự tôn trọng, phải biết tôn trọng nhau, chứ còn đánh đập, chửi mắng xong tối lại ngủ với nhau, xong mai lại đánh đập, chửi mắng, thì đó không thể coi là cuộc sống vợ chồng được.
Kẻ thù, người ngoài còn không đến mức độ như thế. Còn người đồng cam cộng khổ với mình, sinh cho mình những đứa con xinh xắn như thế mà lại đối xử với người ta như thế thì không công bằng. Tôi sẽ tự giải phóng cho mình khỏi cuộc sống như thế” – chị Nguyễn Thị T. bày tỏ ước mơ được sống như một con người sau 15 năm hôn nhân địa ngục.
“Tôi xúc động nhất là dù anh ý đi uống rượu ở đâu, vợ hay mẹ có việc gọi là về ngay, không phải để gọi lần hai. Cái xúc động thứ hai là anh đi ăn cỗ, anh chỉ sợ vợ ở nhà không ăn cơm, nên anh cứ phải ăn cơm ở nhà xong rồi anh mới đi ăn cỗ. Không bao giờ anh để vợ ăn cơm một mình bao giờ. Biết là vợ ăn cơm một mình chỉ có nhịn chứ không ăn.
Thế nên lúc nào anh cũng phải ăn cơm xong anh mới đi uống rượu được. Có lúc bảo “Thôi anh cứ đi sau em ăn”, thế nhưng mà anh vẫn phải ở nhà ăn cơm anh mới đi” – chia sẻ của chị Phạm Thị N. – một người phụ nữ vẫn được các chị em ở chợ Bãi Đá đánh giá là may mắn có chồng thương vợ.
Ngày 25/11 hàng năm được chọn là Ngày xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Nếu như ai cũng hiểu được ước mơ nhỏ nhoi của những người phụ nữ của mình thì hẳn thế giới cũng như Việt Nam sẽ không cần phải có ngày này và cũng sẽ không còn những giọt nước mắt đàn bà - trong vắt mà mặn đắng.
Nước mắt và nụ cười ở bên kia mắt bão
Câu chuyện đời của 20 người phụ nữ ở chợ Bãi Đá được chia sẻ tại triển lãm “Bên kia mắt bão” do Trung tâm CSAGA tổ chức. Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm cho biết, chợ Bãi Đá đã được chọn là một địa bàn trọng điểm của dự án thúc đẩy việc giải quyết vấn đề bạo lực giới tại Việt Nam với sự phối hợp của các tổ chức quốc tế. Tại chợ hiện nay đã có một tủ thông tin tài liệu về bình đẳng giới, bạo lực giới.
Những câu chuyện bạo lực trước nay được chia sẻ thì thầm với những lời động viên kiểu “thôi số nó thế, cố mà chịu đựng” thì nay dần được nói to hơn với sự chỉ dẫn của các chuyên gia CSAGA. Là đơn vị thực hiện dự án, CSAGA cũng đã phối hợp với công an địa phương, Hội Phụ nữ, HĐND, UBND và thành phố Sơn Tây để hỗ trợ các gia đình có yếu tố bạo lực. Các lớp tập huấn, các buổi chia sẻ, các hội thảo với nhóm nạn nhân tại chợ và nhóm cán bộ địa phương đã thiết thực tập trung vào các trường hợp cụ thể và tạo ra những thay đổi đáng kể...