Tàn nhưng không phế
Vẫn khung cảnh có phần hoang sơ nhưng khi bước chân vào làng A Mơng người ta sẽ cảm nhận được một bầu không khí vui tươi, đầm ấm với những tiếng cười giòn tan của đám con trẻ, hay những câu chuyện râm ran của các bà, các chị trong giờ nghỉ trưa…
Ngay từ đầu làng không khó để chúng tôi được nghe câu chuyện tình yêu giữa cô gái mù với chàng trai khỏe mạnh, giỏi giang, kém mình đến 11 tuổi. Ngay cả chú bé dẫn đường cho chúng tôi mặc dù tiếng phổ thông nói còn chưa rõ nhưng vẫn luôn miệng huyên thuyên về câu chuyện tình cổ tích của làng A Mơng suốt dọc đường đi.
Lúc chúng tôi đến, do mọi người còn đang đi làm cỏ trên rẫy xa nên chỉ có mình chị Pum ở nhà. Nghe tiếng chó sủa dồn, chị Pum vội dừng công việc đang làm dở dò dẫm bước ra trước hiên nhà đón khách với nụ cười hiền hậu trên môi.
Qua giới thiệu của chú bé dẫn đường, chị Pum mới biết những vị không không mời như chúng tôi vì ngưỡng mộ chuyện tình “đũa lệch” hiếm thấy của vợ chồng chị mà tìm đến.
Vừa dẫn chúng tôi thăm quan căn nhà sàn của gia đình mình, chị Pum vừa vui vẻ khoe, năm nay gia đình chị vừa thoát khỏi diện hộ nghèo ở địa phương. Vợ chồng chị không còn phải lo chạy ăn từng bữa như trước đây nữa, trong nhà thóc đã đầy bồ, những bao cà phê hạt phơi khô xếp cao đến tận nóc, con gà, con trâu đã đầy chuồng.
Chị Pum kể cho chúng tôi về cuộc đời bất hạnh cùng mối nhân duyên của mình. Cũng giống như bao đứa trẻ người Gia Rai cùng trang lứa khác, lúc sinh ra, chị hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng, năm ba tuổi, chị hứng chịu một cơn bạo bệnh. Lúc đó, do nhận thức còn hạn chế nên thay vì đưa con đến bệnh viên, bố mẹ chị lại nhờ thầy mo về cúng đuổi con ma rừng để chữa bệnh cho con.
Một thời gian sau, dù giữ được tính mạng nhưng đôi mắt của chị Pum ngày một mờ đi rồi mù hẳn. Lúc đó sự vô tư hồn nhiên của một đứa trẻ nên cô bé Pum không cảm nhận hết những khó khăn mà mình gặp phải sau này khi không còn nhìn thấy ánh sáng.
Nhớ lại, chị Pum bảo: “Cũng may là khi đó mình còn quá nhỏ nên chưa ý thức được những thiệt thòi, bất hạnh của việc thiếu đi đôi mắt, nỗi buồn, nỗi đau cũng vì thế giảm đi phần nào. Chứ nếu đối với một cô gái đang tuổi mười tám, đôi mươi, tương lai đang rộng mở phía trước bỗng dưng biến thành một màu đen tối thì có lẽ tôi đã gục ngã rồi…”.
Mặc dù phải làm bạn với bóng tối thế nhưng chị Pum không chấp nhận thu mình trong góc nhà như những người khiến thị khác. Chị vẫn mạnh dạn khám phá thế giới xung quanh mình bằng các giác quan khác.
Nhờ sự kiên trì khổ luyện giúp chị có thể tự lo cho bản thân trong các sinh cá nhân. Không những thế, chị Pum còn phụ giúp bố mẹ trông em, nấu nướng. Nhờ sự tỉ mỉ, cẩn thận của chị Pum, căn nhà nhỏ trở nên ngăn nắp sạch sẽ khiến mọi người trong làng phải ồ lên ngạc nhiên khi đến chơi.
Là người chăm chỉ cần cù, ham học ham làm nên chị Pum không mấy khi cho đôi tay mình nghỉ ngơi. Người làng A Mơng lấy Pum ra làm tấm gương cho con cháu mình học tập.
Cổ tích giữa đời thường
Với một cô gái cả đời phải làm bạn với bóng tối, lại ở cái tuổi “quá lứa, lỡ thì” mơ ước duy nhất của Rơ Châm Pum là được sống một cuộc đời yên bình bên gia đình chứ đâu dám mơ đến hạnh phúc riêng tư của bản thân. Nhiều khi, chị cũng rất khát khao có được một tình yêu, có được một gia đình hạnh phúc nhưng nào dám nói ra vì sợ người ta chê cười.
Hàng ngày, ngoài làm những công việc trong gia đình, chị Pum còn khiến dân làng trầm trồ thán phục vì có thể tự mình ra suối cõng nước về nhà cho gia đình dùng. Chị Pum chẳng thể biết, từ lâu đã có một ánh mắt âm thầm dõi theo từng bước chân đi lấy nước của chị.
Người đàn ông vẫn âm thầm dõi theo bước chân của người phụ nữ mù chính là A Ngưn. Chàng trai trẻ được xem là khỏe mạnh và có duyên nhất làng. Chứng kiến cảnh chị Pum cõng nước, anh Ngưn tỏ ra vô cùng ngạc nhiên bởi đây vốn dĩ là công việc dành cho những người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình.
Sau khi nghe bạn mình cho biết chuyện chị Pum bị mù, anh Ngưn càng cảm mến người phụ nữ bất hạnh nhưng không chịu đầu hàng số phận ấy. Từ đó, mỗi khi rảnh rỗi anh đều lấy cớ sang nhà bạn chơi để có thể nhìn thấy chị Pum. Từ chỗ chỉ dám nhìn “trộm” chị Pum từ xa, anh Ngưn lấy hết dũng khí lại gần để làm quen với người trong mộng của mình.
Từ chỗ xa lạ, hai người ngày một gần gũi nhau hơn. Sau gần nửa năm quen nhau, anh Ngưn ngỏ lời hỏi cưới chị Pum về làm vợ. Lúc nghe anh hỏi “có thích lấy chồng không?”, chị Pum vỡ òa hạnh phúc, nhưng mặc cảm của một người khuyết tật khiến chị chỉ dám em lệ đáp: “Có chứ, chỉ sợ họ không chịu lấy mình thôi”. Được lời như cởi tấm lòng của chị Pum, anh Ngưn vội về thưa chuyện cưới hỏi với bố mẹ.
Thế nhưng, đáp lại sự háo hức của đôi trẻ là sự phản đối quyết liệt từ hai bên gia đình, nhất là từ phía gia đình anh Ngưn khi biết chị Pum không những lớn hơn con trai mình 11 tuổi, mà còn bị mù lòa. Còn bố mẹ chị Pum cũng ra sức phản đối vì lo lắng liệu anh Ngưn có thực sự yêu thương con gái mình không, hay đó chỉ là thứ tình cảm nhất thời.
Nhưng sự quyết tâm và tình yêu của chị Pum và Anh Ngưn cuối cùng cũng vượt qua được rào cản từ gia đình để đến với nhau chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình. Một đám cưới nhỏ nhưng tràn đầy những lời chúc tụng hạnh phúc đã được tổ chức trong sự hân hoan chúc mừng của người thân hai bên và toàn thể dân làng.
Sau khi tổ chức đám cưới anh Ngưn tự nguyện xin ở rể gia đình chị Pum để chứng minh tình yêu mình dành cho vợ.
Sau bao cản trở, sau bao ánh mắt dèm pha, nghi ngại thì đến nay mọi người trong làng A Mơng đều đã tin rằng câu chuyện cổ tích về tình yêu là có thật và nó đang hiển hiện trong ngôi nhà luôn tràn đầy tiếng cười cùng tình yêu nồng ấm của cô gái mù Rơ Châm Pum và người chồng kém mình 11 tuổi A Ngưn./.