Chuyện tình buồn bên dòng sông chảy ngược Đắk Bla

Nước sông Đăk Bla có màu đỏ thẫm gắn với câu chuyện tình buồn
Nước sông Đăk Bla có màu đỏ thẫm gắn với câu chuyện tình buồn
(PLO) - Đến TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), du khách sẽ ngỡ ngàng với hình ảnh dòng sông Đăk Bla như dải lụa óng ả, chẳng khác nào áng tóc của người thiếu nữ đương xuân thì, vừa gợi cảm, vừa quyến rũ. Nhưng ít ai biết rằng, dòng sông chảy ngược, có màu đỏ thẫm này lại mang trong mình những huyền thoại, truyền thuyết gắn với câu chuyện tình buồn thuở xưa. 

Huyền thoại dòng sông chảy ngược

Sông Đăk Bla có chiều dài 139km, vốn là hợp lưu của 3 con sông nhỏ Đăk Akoi, Đăk Nghe và Đăk Pone. Những con sông này bắt nguồn từ phía bắc huyện Đăk Hà và huyện Kon Plông chảy theo hướng đông như bao con sông khác ở nước ta.

Tuy nhiên, khi gặp nhau tại huyện Kon Rẫy, dòng sông bất ngờ bẻ hướng bắc - nam, rồi chảy vào thung lũng, uốn khúc bao quanh 3 mặt phía đông, nam và tây ở TP.Kon Tum. 

Khi chảy về đến TP.Kon Tum, sông Đăk Bla đột ngột đổi hướng đông - tây. Bắt đầu từ đây, dòng sông cứ thế ngược về tây trước khi gặp sông Krông Pô Cô ở huyện Sa Thầy nhập làm một thành sông Sê San, chảy qua đập thủy điện Yaly rồi sang lãnh thổ Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông đổ ra biển Đông.

Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc sống bên dòng Đăk Bla vẫn còn lưu truyền những huyền thoại, truyền thuyết nhằm giải thích cho hiện tượng chảy ngược, nước màu đỏ thẫm của dòng sông này.

Theo nhà văn Tạ Văn Sỹ (người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về địa lý, văn hóa ở tỉnh Kon Tum), những người đầu tiên đến bên dòng Đăk Bla dựng buôn, lập làng là người Jrai và Bana. Người Jrai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu. Người Bana lập làng bên tả ngạn, phía hạ lưu. Tuy khác bộ tộc nhưng 2 buôn làng vẫn sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi rừng hùng vĩ.

Nhưng rồi một ngày, chiến tranh nổ ra khắp vùng Tây Nguyên, các buôn làng, bộ tộc không còn sống chan hòa với nhau nữa. Làng này đến đánh làng kia rồi cướp bóc tài sản, giết hại người làng. Làng người Jrai và và làng người Bana cũng trở nên thù địch, đánh nhau thường xuyên.

Oái oăm thay, một chàng trai người Jrai lại đem lòng yêu thương cô gái người Bana ở phía bên kia sông. Họ yêu nhau say đắm dù biết là cuộc tình này chắc chắn không được buôn làng chấp nhận. Tuyệt vọng, họ hẹn nhau một đêm sáng trăng sẽ ra sông Đăk Bla tự sát để được chết bên nhau, qua đó hóa giải thù hận giữa 2 buôn làng.

Đúng ngày hẹn, đôi trai gái tự đâm vào cổ rồi lao xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Dòng máu chàng trai xuôi theo dòng nước về phía hạ nguồn để tìm đến nơi cô gái ở. Còn dòng máu cô gái lại ngược dòng tìm về phía ngôi làng mà chàng trai sinh sống.

Đến giữa sông thì 2 dòng máu gặp nhau, rồi như tuân theo luật tục mẫu hệ của đồng bào nơi đây đây, máu chàng trai quyện vào dòng máu cô gái rồi chảy ngược dòng về phía thượng nguồn.

Máu của 2 người hòa vào làn nước vốn trong xanh của sông Đăk Bla làm đỏ thẫm cả dòng sông, kéo luôn dòng nước trôi ngược về hướng tây. Sáng hôm sau, khi người của cả 2 làng ra sông lấy nước thì vô cùng sửng sốt khi thấy con sông thân thuộc bỗng đỏ ngầu, lại chảy ngược hướng trước kia.

Họ vội chạy về báo cho những người trong làng biết. Đến lúc biết sự thật, người dân 2 làng đều hối hận vì sự thù hận đã khiến cho đôi uyên ương phải chết tức tưởi.

Sông Đăk Bla đến TP.Kon Tum thì chảy ngược
 Sông Đăk Bla đến TP.Kon Tum thì chảy ngược

Cảm động trước tình yêu này, 2 làng quyết định gạt bỏ quá khứ, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng chan hòa, yên lành. Nhưng dòng sông từ đó cũng không đổi dòng được nữa, cứ chảy ngược về hướng tây và mang theo màu đỏ thẫm quanh năm đến tận bây giờ.

“Đồng bào dân tộc luôn có những truyền thuyết về cảnh quan, sự việc xung quanh họ. Mỗi truyền thuyết đều thể hiện tính nhân văn, như lời chỉ dạy đạo lý cho đời sau. Câu chuyện sông Đăk Bla chảy ngược và mang màu đỏ thẫm quanh năm cũng không ngoại lệ. Màu đỏ thẫm của sông Đăk Bla là do phù sa tạo nên. Đất Tây Nguyên vốn là đất đỏ bazan nên khi tạo nên phù sa cũng có màu đỏ đậm đà hơn”, nhà văn Tạ Văn Sỹ cho biết.

Truyền thuyết con nước hung bạo

Theo nhà văn Tạ Văn Sỹ, Đak Bla là cách gọi đã được Việt hóa cho dễ đọc. Tiếng Bana là Đak Blăh, trong đó Đak nghĩa là nguồn nước; Blăh nghĩa là hung bạo, cuồng nộ. Do vậy, nó còn được gọi là con nước hung bạo, vì vào mùa mưa lũ nước từ thượng nguồn đổ dồn về càn quét rất khủng khiếp.

Liên quan đến chuyện con nước hung bạo này cũng có một truyền thuyết. Chuyện kể rằng, xưa kia có đôi vợ chồng sống ở một làng Bana ven sông Đak Bla. Họ lấy nhau đã lâu nhưng mãi vẫn không có con.

Chính vì vậy mà người chồng trốn vợ, lén lút đi ngoại tình với người đàn bà khác mong kiếm đứa con. Biết chuyện, người vợ trong lòng đầy uất hận, trách người chồng phụ bạc, buồn tủi cho số phận của mình nên người vợ quyết định tìm tới cái chết. 

Vào một đêm trăng sáng đầu mùa mưa, người vợ chèo thuyền độc mộc ra giữa dòng sông rồi buông một lời nguyền: “Sau khi tôi chết, sông hãy mang xác tôi về nơi vô định và trên dòng nước này hàng năm phải có đàn ông chết đuối để trả mối hận tình”. Nói rồi người vợ gieo mình xuống nước tự tử.

Sau cái chết của vợ, người chồng không còn đi ngoại tình nữa mà tỏ ra ăn năn hối hận. Mỗi ngày, anh ta không thôi dằn vặt bản thân và thương nhớ người vợ. Tròn một năm sau ngày người vợ tự vẫn, cũng vào một đêm trăng sáng đầu mùa nước lũ, người chồng đi bắt cá trên sông. Dưới ánh trăng sương mờ ảo, anh ta nhìn gương mặt người vợ hiện ra chập chờn trước mắt.

Thấy vậy, người chồng vung mái chèo cho thuyền lao theo để tạ lỗi cùng vợ, mong chuộc lại lỗi lầm đã gây ra. Tuy nhiên, anh ta càng chèo nhanh bao nhiêu thì hình bóng người vợ càng khuất xa. Đột nhiên, con thuyền đâm mạnh vào tảng đá hình mai rùa nổi giữa sông rồi lật úp. Người chồng tử nạn và trở thành người đàn ông đầu tiên ứng vào lời nguyền của người vợ trước đó đúng một năm.

Rồi, cứ vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về khiến dòng sông lúc nào cũng cuồn cuộn sóng gió. Thỉnh thoảng, người ta lại nghe tin về một vài người chết vì đi đánh cá, vớt gỗ khi dòng lũ tràn về hoặc tìm đến sông để tự tử. Vậy nên năm nào thấy nước lũ dâng cao, người dân lại bảo nhau rằng sắp có đàn ông chết đuối.

Sự tích cây đôi

Trước năm 2012, ở cửa ngõ vào TP.Kon Tum, bên bờ sông Đăk Bla có cây si và cây tơ đáp cộng sinh, quấn vào nhau như đôi trai gái. Theo truyền thuyết, đây cũng là một câu chuyện tình sắt son và trắc trở. Chuyện kể rằng, thuở chiến tranh bộ tộc, bên kia và bên này sông có 2 làng thù nhau dai dẳng. Bất chấp mối thù, có đôi trai gái cứ yêu nhau tự nhiên như cây rừng nước suối. Khi biết chuyện, 2 làng ngăn cấm.

Một đêm trăng cuối năm, vào mùa ning nơng (mùa nghỉ ngơi, tổ chức các lễ hội cổ truyền) chàng trai lẳng lặng rời bỏ hội làng bơi xuồng độc mộc sang bờ gặp người yêu nơi điểm hẹn. Cô gái cũng lặng lẽ rời vòng xoang ra bên bờ đón đợi. Trong cái lạnh rét căm căm của núi rừng, 2 người ôm ghì lấy nhau để truyền hơi ấm và cùng nhau than thở duyên tình. 

Người dân dùng thuyền độc mộc đi lại trên sông Đăk Bla
Người dân dùng thuyền độc mộc đi lại trên sông Đăk Bla

Đến khi nghe tiếng gà gáy, vì sợ người làng thấy, 2 người liền biến thành đôi cây quấn vào nhau. Chàng thành cây si xòe tán lá xanh mơn, nàng thành cây tơ đáp nở những chùm hoa đỏ thắm. Sau ngày đôi trai gái biến thành cây đôi, 2 làng cũng trở nên hòa thuận. 

Từ đó về sau, cứ đến mùa tháng 3, cây đôi một gốc hai ngọn này lại tỏa màu hoa đỏ rực, tô thắm góc phố phường bên dòng Đăk Bla, đẹp như chuyện tình đôi trai gái ngày nào. Có không ít hiểu lầm cho rằng màu hoa đỏ là cây pơ lang (hoa gạo), tuy nhiên đây là cây tơ đáp chứ không phải pơ lang.

“Tiếc thay, năm 2012 người ta cắt bỏ mất phần nhô cao của cây tơ đáp, chỉ để lại một bóng si già đơn độc buồn thiu như trầm ngâm trong niềm tiếc nhớ. Bóng si ngày càng ủ rũ xác xơ thảm hại, đến năm 2013 thì cây si chết hẳn. Từ đó đến nay, bên bờ sông Đak Bla không còn hình ảnh màu hoa đỏ thắm trên cao soi ánh hồng xuống tán lá xanh mơn như đôi người tình tự nữa! Mọi người tiếc ngẩn ngơ một cảnh quan tự nhiên độc đáo giữa lòng phố xá Kon Tum”, nhà văn Tạ Văn Sỹ tiếc nuối.

Vẻ đẹp nên thơ

Bây giờ, mùa khô, lòng sông Đăk Bla thu hẹp lại, lững lờ chầm chậm trôi. Mùa mưa, nước dềnh dàng lên 2 bờ, mải miết chảy. Sông như một đặc ân của thiên nhiên dành riêng cho Kon Tum. Sông bồi đắp phù sa cho ruộng lúa, đồng ngô trù phú, lặng thầm mang lộc cá tôm nuôi sống bao người con Bana, Jrai, Xê Đăng… Sông chứng kiến bao nhiêu vòng đời, bao nhiêu vòng xe, bao nhiêu bước chân ngày ngày lặng lẽ lại qua và cả nỗi buồn vui của bao người con nơi đây.

Trong hành trình khám phá vẻ đẹp sông nước Đăk Bla, lênh đênh trên chiếc thuyền độc mộc, du khách không chỉ được thả hồn mình cùng dòng nước nhẹ nhàng miên man, mà còn được dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp phong cảnh thơ mộng và lãng mạn. Đó là những dãy núi trùng điệp phía xa xa, những cồn cát, những ruộng lúa, đồng ngô 2 bên bờ sông và đâu đó thấp thoáng cụm tre già cao vút.

Ở đây, du khách sẽ có cơ hội thăm những ngôi làng của người dân tộc thiểu số còn giữ nguyên được nét hoang sơ, cùng thưởng thức rượu cần, điệu múa xoan truyền thống, nghe những âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã…

Bình minh, hoàng hôn hay đêm tối, dòng sông vẫn luôn sở hữu vẻ đẹp lay động lòng người. Trong buổi sớm mai, du khách có thể chạy bộ một đoạn bên dòng sông để đón lấy những tia nắng ngày mới, chào đón ngày tốt lành. Những chiều lộng gió, sông Đăk Bla sẽ cuốn đi những muộn phiền, giúp du khách tìm về sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.

Dòng sông Đăk Bla không chỉ là niềm tự hào của bao thế hệ, là nỗi thương nhớ của người dân Kon Tum tha phương cầu thực, mà còn là nơi trải lòng của lữ khách phương xa và là nguồn cảm hứng của những người nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ hay nhiếp ảnh gia có dịp tìm về mảnh đất này.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.