Nói về dòng họ Vũ nơi làng Mộ Trạch, cái dòng khoa bảng nối tiếp liền liền của họ này, được cho là có nguồn gốc sâu xa từ Vũ Hồn. Xem trong “Đăng khoa lục sưu giảng”, ta được biết, về đời nhà Đường, Vũ Hồn làm quan đất này, lấy vợ người Việt. Vốn biết phong thủy, ông đi chọn thế đất khắp cả nước ta, nhưng rồi chỉ có đất làng Mộ Trạch là hơn cả bởi phát tiến sĩ.
Đất tiến sĩ kết hình ruột ốc
Và danh xưng của làng, cũng được cho là từ Vũ Hồn mà ra khi “Vì làm quan đời Đường nên đặt tên huyện là Đường An, ý là lâu dài yên ổn, đặt tên làng Mộ Trạch ý nói Đức Trạch đời trước”. Lại nói về Vũ Hồn, tông tích của ông, được “Hải Dương phong vật chí” đề cập đến. Theo đó Vũ Hồn là “người tỉnh Phúc Kiến bên Trung Quốc. Khoảng niên hiệu Hội Xương (841 - 843) được cử sang làm Thứ sử Giao Châu”.
Cái cơ duyên với đất Mộ Trạch của Vũ Hồn, vẫn sách trên cho hay, ông thường đi xem xét danh thắng trong cả nước, khi đến đất làng Mộ Trạch thì hãy xem, thế đất ở đây được miêu tả là “có mạch kết hình ruột ốc, ngũ nhạc chầu về, hẳn là đất tốt đời đời phát khoa hoạn, nên đến sống ở đó”. Chính nhờ sự thông thạo khoa địa lý, phong thủy của ông tổ họ Vũ này, về sau, con cháu họ Vũ đời đời nối tiếp nhau đỗ đạt, tên ghi bảng vàng.
Sau khi Vũ Hồn chết, được táng đất Mộ Trạch theo ngôi kim huyệt, lại táng mấy huyệt ở chỗ tổ tiến sĩ. Các con của Vũ Hồn một chi ở lại Mộ Trạch, còn một chi thì đưa về Tàu; hai chi ấy, đều khoa giáp hiển đạt cả. Theo “Công dư tiệp ký”, đời vua Lê Hy Tong, Thượng thư Hoàng Công Bao đi sứ nhà Thanh, một ông già họ Vũ đón đường hỏi thăm về con cháu Vũ Hồn ở nước Nam, khi tỏ tường tận, lấy làm vui lắm, vì họ Vũ Trung Hoa, cũng đỗ đạt lắm “Họ Vũ tôi ở Thiên triều đời nào cũng có người đỗ đạt, mà hiện nay đang được thịnh vượng”.
Nơi sách “Họ Vũ - Võ, tổ tiên, hậu duệ” đã thống kê theo khoa bảng nước ta thời gian 1075 - 1919 thì có ít nhất là 126 người họ Vũ đỗ tiến sĩ, trong đó 26 người thuộc về họ Vũ làng Mộ Trạch. Nhiều người trong số đó, tên tuổi còn lưu lại ở đời như Thượng thư Vũ Hữu , Trạng vật Vũ Phong, Tể tướng Vũ Duy Chí… Bởi không thể nêu hết được những tấm gương đỗ đạt họ Vũ đất Mộ Trạch, nên xin phép mà lược ra đây vài gương tiêu biểu cho bạn đọc xem qua vậy.
Tượng tổ họ Vũ làng Mộ Trạch Vũ Hồn |
Thần toán Vũ Hữu
Vũ Hữu được “Công dư tiệp ký” khen là người sùng thượng đạo cổ, giữ gìn lễ phép, học rộng biết nhiều. Khoa thi năm Quý Mùi (1463) thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Hữu đỗ Hoàng giáp. Nơi “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” có ghi: “Người làng Mộ Trạch, hạt Đường An, thi đỗ khi 20 tuổi, làm đến Lại bộ thượng thư, Dương tùng hầu”. Đời làm quan của ông, kể cũng là vinh khi lần lượt kinh qua thượng thư năm bộ. Bởi vậy, có lần quan họ Vũ làm mới tự trào rằng:
Nhẫm nhiễm chu niên quan lịch tiễn,
Tể ngưu tằng hữu phạp ngưu canh.
Nghĩa là:
Lần lữa quanh năm đường hoạn lộ,
Giết trâu mà lại thiếu trâu cày.
Vũ Hữu được biết đến là người giỏi toán, là người lập ra phép đại thành toán pháp, phép đo đạc ruộng đất để dạy cho người trong nước. Cái tài tính toán của ông, phải qua giai thoại sau đây, mới thấy được sự giỏi giang như thế nào. Việc này, được Vũ Phương Đề kể lại. Theo đó, lúc ấy cửa Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa ở trong thành xây từ đời nhà Lý, lâu ngày bị đổ nát. Vua Lê Thánh Tông sai sửa lại, triệu ông vào bảo: - Trẫm nghe nói ngươi giỏi tính. Nay trẫm cho trùng tu các cửa thành, vậy ngươi thử tính xem phải dùng hết bao nhiêu gạch đá.
Tuân lệnh vua, ông đo chiều cao, chiều rộng các cửa và tính toán số gạch cần dùng rồi đem trình lên vua. Vua sai thợ lấy số gạch như ông tính đem xây cửa, thì số gạch vừa đủ, không sai một chút nào. Vua Lê Thánh Tông hài lòng lắm, mới khen ông rằng: - Thật đúng là thần toán.
Sau việc ấy, ông được thưởng hơn 100 mẫu ruộng tốt để biểu dương tài năng. Vũ Hữu, cũng chính là anh trai của Trạng Vật Vũ Phong chúng tôi từng đề cập đến trong mục Hồn non nước Việt.
Vũ Hữu giỏi đo đạc |
Tể tướng Vũ Duy Chí
Dòng khoa bảng nhà Vũ Duy Chí, được cho là có gốc nguồn từ tằng tổ được táng vào ngôi đất, mà theo “Công dư tiệp ký” là “phía trước có “ấn phù thủy diện” (cái ấn nổi trên mặt nước) làm tiền án, phía sau có “đan phượng hàm thư” (chim phượng đỏ ngậm thư) làm hậu chẩm, ngồi hướng Ất trông sang hướng Tân. Các nhà phong thủy đều cho là ngôi đất “thiên táng” rất đẹp, con cháu tất có người làm đến công hầu”. Quả nhiên sau này, Vũ Duy Chí làm đến tể tướng.
Mẹ Duy Chí, vốn người nhân đức, từng nhặt được bó lụa của người bán lụa rồi trả lại, được mọi người khen ngợi. Sau hôm ấy, bà nằm ngủ mơ ôm lấy đám mây ngũ sắc. Rồi sau này, sinh hạ được 5 con trai. 5 người con, đỗ đạt thành danh cả 5.
Người con đầu của bà, là anh Duy Chí, tên Tự Khoái, sau phò Trịnh Tạc, được thăng Tả thị lang. Người thứ hai là Bạt Tụy đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Giáp Thìn (1664), chức đến Tự khanh. Duy Chí thứ ba, sau làm đến Tể tướng. Thứ tư là Phương Đại làm đến Thượng thư. Người thứ năm là Cầu Hối đỗ tiến sĩ khoa thi năm Kỷ Hợi (1659). Riêng phần Vũ Duy Chí…
… Ông là người có tài về văn học, được Trịnh Tạc tin dùng. Từng theo chúa đi đánh quân Mạc lập được nhiều công lao. Người đường thời có câu truyền nhau “Tể tướng Mộ Trạch, Quốc lão Liêu Xuyên”, chính là nói về ông và Thái tể Phạm Công Trứ quê Liêu Xuyên.
Dẫu theo phò nhà chúa, nhưng nghĩa quân thần ông rất rạch ròi. Bởi vậy, có lần dịp Tết Nguyên đán nhà chúa sau khi làm lễ triều hạ vua Lê xong thì mặc nguyên triều phục về vương phủ làm lễ bái tạ. Thấy không hợp với lễ xưa nay, ông thẳng thắn tâu bày: “Từ trước đến nay, Vương thượng vẫn có lòng tôn phù nhà vua, vậy thì lễ nghi hôm nay chỉ nên tuân theo lễ cũ mặc áo thụng xanh, chứ không nên mặc triều phục, trái với lệ cũ”.
Lời nói phải ấy, nhà chúa phải nghe theo ông. Nếu lời ấy thốt ra nơi viên quan khác, không chừng đã rơi đầu. Vì chúa Trịnh trọng ông nên mới thế. Điều đó càng được minh chứng hơn khi ông về hưu, trong lá cờ vua ban, có thêu câu đối rằng:
Nhất đại tôn thần Tiêu Tướng quốc,
Lưỡng triều nguyên lão Triệu Hàn vương.
Nghĩa là:
Một đời là vị trọng thần như Tiêu Tướng quốc,
Làm nguyên lão hai triều như Triệu Hàn vương.
Vũ Hữu tính chính xác số lượng gạch xây thành |
Sau này, con ông là Duy Tài cũng đỗ tiến sĩ nối tài cha, hai cha con từng làm quan đồng triều. Rõ là họ Vũ nơi làng Mộ Trạch, dòng khoa bảng cứ nối tiếp nhau vậy. Nên như “Đăng khoa lục sưu giảng” mới kể là “Họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Khoa giáp rất thịnh, thường mỗi khoa hai ba người đỗ cùng khóa, anh em chú cháu làm quan đầy triều. Thời bấy giờ các quan triều nói đùa rằng: các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng tại triều đình à?” Thật dòng khoa bảng ấy, làm nức tiếng đất Mộ Trạch cũng chẳng ngoa…