Đối mặt với băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp
35 tuổi nhưng cô gái Nguyễn Thị Ngọc Anh đã gắn bó với công việc bảo vệ được 15 năm nay. Có thể nói Ngọc Anh là “lứa” bảo vệ đầu tiên của Việt Nam, được lựa chọn, đào tạo chuyên nghiệp như những sĩ quan công an hay quân đội. Cũng cấm trại, cũng học võ, ăn cơm tập thể, đặc biệt phải di chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn theo khóa huấn luyện 6 tháng mới được cấp chứng chỉ và bắt đầu tham gia công việc.
Đã kinh qua nhiệm vụ bảo vệ cho các siêu thị nước ngoài, đã từng đối mặt với rất nhiều tình huống nguy hiểm, buộc phải đấu tay đôi với những tay trộm cắp chuyên nghiệp, Ngọc Anh rèn luyện cho mình bản lĩnh mà ít người có được khi theo nghề này. Nhắc tới những kỷ niệm này, Ngọc Anh liền chỉ cho chúng tôi thấy vết sẹo dài trên cánh tay cô. “Một kỷ niệm nhớ đời” – Ngọc Anh bảo.
Rồi cô kể, thời điểm ấy cô đang làm bảo vệ trong một siêu thị ở Sài Gòn. Trong lúc trực ca, cô phát hiện một băng nhóm thanh niên từ Đồng Nai xuống lấy trộm đồ liền đuổi theo. Nhóm trộm bị phát hiện nên bỏ chạy và trên đường chạy thấy một móc treo lớn, chúng quơ vội và quay lại vụt thẳng một phát vào tay Ngọc Anh.
Quá bất ngờ, Ngọc Anh không kịp né, tốc độ của chiếc móc treo gặp đúng lúc cánh tay đang đà chạy khiến cú vụt nặng hơn, máu từ tay cô phun ra, đau điếng nhưng cô vẫn lao theo, vừa lao vừa tri hô để các đồng nghiệp khác vào trợ giúp bắt giữ.
Làm nhiều nên tích lũy được kinh nghiệm, cô trở nên tinh tường hơn trong những pha phát hiện bọn trộm cắp chuyên nghiệp. Câu chuyện về những lần lần theo bọn trộm cắp siêu thị, vật lộn, đánh nhau ở ngoài siêu thị để thu hồi tài sản là chuyện thường xuyên, liên tục xảy ra với Ngọc Anh, đặc biệt là thời điểm cô đang làm việc ở Sài Gòn. Ngọc Anh bảo, cô không thể nhớ hết những vụ việc mình đã tham gia, đã bàn giao bao nhiêu tên trộm cắp cho bên công an xử lý.
Cô cho biết, những băng trộm cắp chuyên nghiệp thường đi 6-7 người. Họ giấu đồ trong người, thường là sữa bột hoặc rượu ngoại. Những đối tượng này thường giả dạng bà bầu nhưng mặc những quần gen bó chuyên nghiệp bên trong, trộm đồ nhét vào quần rồi đi thật chậm.
Tất cả những hệ thống báo động chuyên nghiệp đều đã được họ phá. Thế nên cô và các đồng nghiệp rất khó để nhận biết. Lần đầu tiên mất trộm, cả đội lo ngay ngáy vì phải đền siêu thị, nhưng nhờ chịu khó quan sát, Ngọc Anh đã kịp phát hiện khi đội trộm cắp này đến siêu thị lần thứ hai.
Cô chia sẻ, vì làm nghề dịch vụ nên bảo vệ khách hàng là việc đầu tiên và quan trọng nhất, không thể để những sự va chạm xảy ra trong khuôn viên mình cần bảo vệ là nguyên tắc bất di bất dịch với cô.
Thế nên, khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi, cô kín đáo bám theo chúng, ra khỏi siêu thị cô mới ra tay. Trận hỗn chiến xảy ra. Nhưng bằng sức vóc, khả năng và kinh nghiệm của mình, cô tóm gọn được tên trộm, buộc chúng phải lột toàn bộ đồ đã lấy trộm trả lại.
Chính vì những lần va chạm này, Ngọc Anh đã khiến rất nhiều băng nhóm phải chùn bước, đặc biệt là lần bắt quả tang nữ “đạo chích” móc túi khách hàng. Cô kể, khi cô túm được tay người phụ nữ, trên tay họ vẫn giữ chiếc điện thoại vừa móc được.
Người đàn ông cùng hội với người này đã gây ra va chạm với cô để người kia chạy thoát. Nhưng chúng không sợ, chỉ vài ngày sau lại đến, cố tình va vào Ngọc Anh để dọa dẫm. “Cũng có nhiều lần phải nhờ chồng đến đón vì bị dọa rồi đấy” - cô vui vẻ cho biết.
Ngọc Anh vui vẻ kể lại những trận đối mặt với băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp |
Bất ngờ phải… sờ người nam giới
Không có những pha đối mặt đầy nguy hiểm như Ngọc Anh, những nữ bảo vệ mới vào nghề lại gặp những chuyện dở khóc, dở cười đến bất ngờ. Trịnh Thị Phúc, quê Thanh Hóa, nhân viên bảo vệ của Cty Bảo vệ ASC đỏ mặt bày tỏ: “Em bất ngờ vô cùng. Cứ nghĩ mình chỉ làm công việc bảo vệ hàng hóa của siêu thị thôi, không ngờ lại phải làm thêm công việc kiểm tra nhân viên siêu thị mỗi khi họ qua cổng”.
Công việc kiểm tra được bắt đầu bằng tay. Cô gái mới 19 tuổi này phải kiểm tra từng người một để đảm bảo họ không mang theo đồ vật gì của siêu thị ra ngoài. Phúc chia sẻ: “Khi bắt đầu làm em thấy khó và ngại lắm, đã từng nghĩ khéo phải bỏ nghề vì xấu hổ mỗi khi phải kiểm tra người nam giới. Nhiều khi thấy mặt em đỏ rực lên, người ta càng trêu nhiều hơn. Những lúc như thế chẳng biết phải giấu mặt vào đâu. Nhưng rồi làm mãi cũng quen”.
Cùng tâm sự như Phúc là chuyện của Nguyễn Thị Phương Nga (quê Hải Dương), hiện đang làm bảo vệ tại Trung tâm thương mại V+ (Minh Khai, Hà Nội). Nga kể, khi mới bắt đầu tham gia các buổi huấn luyện, đào tạo, cô cứ nghĩ mình sẽ có máy để… dò người, không ngờ đến hiện trường rồi mới biết mình phải dùng tay để kiểm tra.
“Gặp những người có máu buồn thì mãi mới… sờ xong chị ạ” - cô bé dí dỏm cho biết. Với Nga, chuyện bị đàn ông trêu trọc mỗi khi sờ người họ (để kiểm tra) là chuyện bình thường, thậm chí nhiều khi cô còn “rắn” hơn mỗi khi bị nam giới trêu trọc.
Tuy nhiên, những chuyện này còn… nhẹ nhàng chán so với việc bị nhiều khách chửi vô cớ. Những câu đại loại như “mày điên hay sao mà túi nhỏ thế này cũng bắt bọc”, “mày chỉ là con chó canh cổng thôi”… khiến những cô gái mới vào nghề bị tổn thương cực độ.
Ngọc Anh còn cho biết, cô đã gặp trường hợp khách hàng nhổ nước bọt vào mình khi cô kiên quyết bắt khách hàng phải gửi túi theo đúng quy định của siêu thị. Nhưng cô vẫn nhẹ nhàng, mềm mỏng giải thích cho khách hiểu, sau đó mới trốn vào nhà vệ sinh khóc tức tưởi vì ức.
Những hy sinh lớn nhất khi nữ giới tham gia vào nghề bảo vệ là không được trang điểm, không dùng trang sức và lúc nào cũng phải mặc bộ quần áo đầy nam tính. Lâu dần những việc này sẽ thành quen, không phải là vấn đề quá lớn. Nhưng việc bắt nữ bảo vệ phải làm mặt nghiêm, lạnh lùng suốt cả ca trực là việc thực sự khó khăn.
Trịnh Thị Phúc cho biết, cô đã nhiều lần bị nhân viên ngành hàng trêu đùa khiến cô bật cười. Nhưng vừa toét miệng cười cô lại lập tức nhớ ra, vội nghiêm mặt lại. Phúc bảo: “Em sợ làm nghề này lâu khiến mình trở nên khó tính hơn, mặt lúc nào cũng lạnh tanh thì sẽ khó có người để ý đến, chuyện tình yêu có thể sẽ muộn màng”.
Dù lo lắng, nhiều bất an và buộc phải hy sinh nhiều thứ nhưng những cô gái mà chúng tôi gặp vẫn bày tỏ sự yêu thích khi được gắn bó với công việc mà nhiều người vẫn nghĩ chỉ phù hợp với nam giới. Ngọc Anh cười tươi cho biết: “Công việc mang lại cho tôi một người chồng cùng nghề, hiểu và chia sẻ với tôi mọi chuyện. Thế là đủ”.
Yêu nghề sẽ không bị nghề phụ. Đó là kim chỉ nam hành động mà các nữ nhân viên bảo vệ đang hướng tới. Bởi với họ, không có nghề gì chỉ dành cho nam giới, quan trọng là mình thích nghi công việc ra sao và nghề nghiệp ấy mang lại cho mình những gì.