Chuyện khó tin về nam sinh lập kỷ lục 'Đường lên đỉnh Olympia'

 “Cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh
“Cậu bé Google” Phan Đăng Nhật Minh
(PLO) -Phan Đăng Nhật Minh (học lớp 11A3, trường THPT Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) được nhiều người gọi là “cậu bé Google”, “thần đồng”, bởi Minh học giỏi, hiểu biết nhiều lĩnh vực. 

Trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 17, Minh đã xuất sắc đạt nhất cuộc thi tuần, tháng rồi quý. Đặc biệt, với số điểm 460 trong cuộc thi tháng, Nhật Minh đã lập kỷ lục có số điểm cao nhất từ trước đến nay trong cuộc thi này.

Kỷ lục của cậu bé “Google” 

Từ cuối năm 2014, Nhật Minh đã được biết đến nhiều khi trả lời rất nhanh các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực và trở thành quán quân game show truyền hình “Chinh phục”. Đặc biệt, trong cuộc thi này, Minh đã đánh bại Hồ Đắc Thanh Chương (chuyên Quốc Học Huế, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2016).

Đến năm 2016, Nhật Minh tham gia đường lên đỉnh Olympia và ngay từ đầu được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu quán quân năm nay. Trong cuộc thi tuần, Minh đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế với 400 điểm, kỷ lục của chương trình trong năm thứ 17. Riêng phần khởi động, “vua tốc độ” đã trả lời rất nhanh và giành được 100 điểm.

Trong phần thi vượt chướng ngại vật, Nhật Minh đã tìm được đáp án chỉ sau câu hỏi thứ hai. Trong cuộc thi tháng, Nhật Minh đã đạt tới 460 điểm, số điểm kỷ lục của cuộc thi trong suốt 17 năm qua. Đáng chú ý, trong nhiều câu hỏi, Nhật Minh trả lời “nhanh như gió”, đưa ra đáp án đúng dù người dẫn chương trình chưa đọc xong câu hỏi.

Bốn thí sinh góp mặt ở cuộc thi quý I “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 17 diễn ra vào chiều 20/11/2016 gồm các em: Phan Đăng Nhật Minh (Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị), Nguyễn Thùy Trang (Trường THPT Vân Cốc, Hà Nội), Cao Ngọc Khánh My (Trường THPT Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Vũ Tiến Anh (Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội).

Bước vào phần thi khởi động của cuộc thi quý, Nhật Minh khiến người hâm mộ có phần ngạc nhiên và lo lắng khi bỏ qua ngay ở câu hỏi đầu tiên. Tuy nhiên, em vẫn giành được 90 điểm để dẫn đầu đoàn leo núi.

Ở phần thi vượt chướng ngại vật, chỉ với hai dữ liệu, thí sinh Cao Ngọc Khánh My đã bấm chuông, đưa ra đáp án chính xác giành được 80 điểm, vươn lên vị trí thứ nhất. Ở phần thi này, Nhật Minh chỉ kịp dành được thêm 10 điểm từ câu hỏi đầu tiên. Sang tới phần thi tăng tốc, mở đầu phần thi Nhật Minh không tìm ra được câu trả lời.

Tuy nhiên những câu hỏi sau, Minh đều trả lời nhanh nhất và đạt số điểm tối đa, trở lại dẫn đầu. Phần thi về đích, Nhật Minh chọn gói câu hỏi 60 điểm, với việc trả lời đúng các câu hỏi và “cướp” thêm điểm của các thí sinh khác, chàng trai Quảng Trị về đích đầu tiên với 295 điểm.

Kết quả này, Nhật Minh đã giành được vòng nguyệt quế và chính thức mang cầu truyền hình trận chung kết năm “Đường lên đỉnh Olympia” 2017 về với Trường THPT Hải Lăng tỉnh Quảng Trị.

“Thần đồng” vừa biết nói đã biết đọc

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, Nhật Minh là con trai đầu, sau còn có một em trai Phan Đăng Nhật Huy đang học lớp 6. Mẹ Minh nhiều năm liền là giáo viên giỏi của trường Tiểu học Hải Thiện. Bố em là Giám đốc điện lực huyện Hải Lăng, còn ông nội trước là một thầy giáo giỏi có tiếng. 

Ông Phan Lăng (72 tuổi, ông nội Minh) tự hào chia sẻ: “Khi nghe tin cháu nội được vào vòng chung kết một cuộc thi lớn thế này, còn được lên vô tuyến, tôi rất mừng. Thú thật đây là niềm vui lớn của cuộc đời tôi. Giờ đi đâu tôi cũng khoe có đứa cháu thông minh, tài giỏi”.

Mẹ của Nhật Minh, cô giáo Nguyễn Thị Gái (45 tuổi) kể về cậu con trai cả: Khi Minh khoảng 8 tháng tuổi đã rất hay chú ý đến những chương trình trên vô tuyến như “Chiếc nón kỳ diệu”, tiếng nước ngoài… Cả nhà cho đó là bình thường. Đến 18 tháng tuổi, mới biết nói bập bẹ, Nhật Minh nhìn lên vô tuyến đọc chữ khiến gia đình rất kinh ngạc. 

Ngày hôm sau, bố Nhật Minh lấy xe máy chở hai mẹ con đi lòng vòng, em lại đọc được những dòng chữ quảng cáo trên bờ tường, các biển hiệu. Ít hôm sau, mẹ mua truyện về, Nhật Minh cũng đọc được luôn. 

Lớn thêm một chút, ở độ tuổi mầm non, em thể hiện trí nhớ vượt trội so với bạn bè, đặc biệt khả năng ghi nhớ và làm toán. Chỉ cần liếc qua một dãy số, Nhật Minh có thể đọc lại không cần nhìn và nhớ nhiều số điện thoại. Mới học mẫu giáo, Minh đã cộng trừ nhân chia cấp 100, với phạm vi này em còn tính nhanh hơn cả máy tính.

Anh Phan Hồng Cẩm (45 tuổi) tiếp lời vợ: “Năm Nhật Minh mới lên 2, tôi đưa con đi thăm anh trai ở miền Tây. Ở đó, Minh đọc chữ vanh vách khiến mọi người kinh ngạc, truyền tai nhau tới xem. Cũng có chút rắc rối nhưng cũng vui, ai cũng muốn “thử” Minh rồi trầm trồ thán phục. Họ cứ cho Nhật Minh tiền nhưng tôi từ chối. Đến lúc bố con tôi về quê nhận được rất nhiều quà từ những người mới quen này”.

Sau đó, dân làng nơi Nhật Minh sinh sống cũng có nhiều người tò mò đến xem. Chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam cũng từng ngỏ ý tới quay nhưng sợ con nổi tiếng sẽ bị ảnh hưởng, phát triển không được bình thường nên vợ chồng anh Cẩm từ chối.

Nghe bố mẹ kể chuyện, Nhật Minh lên tiếng: “Em tự nhiên biết đọc thôi, lúc đó còn nhỏ, ai mà dạy đọc được. Rồi tiếng Anh, ba mẹ em không rành nhưng em cũng tự đếm được từ 1 đến 100, thậm chí nói được những câu đơn giản. Em may mắn có khả năng trời phú nhưng em không “ngủ quên”, không thể chủ quan khinh thường việc rèn luyện”.

Nhật Minh đăng quang trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”
Nhật Minh đăng quang trong chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”

Bí quyết “vừa học vừa chơi”

Sau hai năm kể từ ngày “khuynh đảo” cuộc thi “Chinh phục”, giờ đây Nhật Minh lại “gây bão” ở một sân chơi trí tuệ “Đường lên đỉnh Olympia”. Tuy nhiên, những thành tích này lại khiến cuộc sống của Nhật Minh đảo lộn.

Nhật Minh chia sẻ: “Em là người thích cuộc sống yên bình, phẳng lặng, không muốn ồn ào. Sự nổi tiếng khiến em bị áp lực, lo lắng. Nhưng cũng nhờ sự động viên của gia đình và thầy cô nên em đã dần lấy lại cân bằng. Rất vui khi được lọt vào chung kết Olympia, cuộc thi mà em đã theo dõi từ rất lâu, luôn ước mơ một ngày nào đó sẽ chinh phục được.

Dù không đặt nặng chuyện thắng thua trong cuộc thi nhưng em sẽ cố gắng hết mình, chiến thắng được bản thân và hi vọng đạt thành tích cao nhất trong cuộc thi chung kết năm sẽ diễn ra vào 8/2017”

Nhật Minh có thành tích học tập đáng nể. Năm nào Minh cũng nhận danh hiệu học sinh giỏi với điểm tổng kết dẫn đầu trường. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh khối THCS, thi môn nào em cũng đều đạt nhất. Biết về thành tích học tập của Nhật Minh, ai cũng nghĩ cậu phải “cày” bài vở suốt ngày suốt đêm.

Song Minh bật mí cậu khá “lười” học, mỗi ngày chỉ dành khoảng 1 giờ để học bài tại nhà. Còn lại thì dành thời gian cho giải trí, nghe nhạc, đọc sách, lên mạng tìm hiểu thêm những kiến thức xã hội... không phải lúc nào cũng chỉ có học . 

Nhật Minh giải thích: “Khi ở lớp, em luôn tập trung học, nắm vững kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Do đó, khi về nhà, em chỉ ôn luyện sơ sơ thôi”. Với sở trường là môn Toán, Nhật Minh ước mơ sẽ được làm nhà nghiên cứu Toán học như giáo sư Ngô Bảo Châu nhằm cống hiến trí tuệ mình cho nhân loại.

Bản thân Nhật Minh không muốn chỉ có học và dồn hết thời gian cho việc học, mà thích có sự thoải mái, cân bằng giữa học và vui chơi, giải trí. Cũng vì vậy mà em từng quyết định không thi vào các trường chuyên. 

Minh nói: “Có trường chuyên ở Huế cũng như Quảng Trị mời em học nhưng em đều từ chối. Nghe nói học ở trường chuyên thì quỹ thời gian dành cho việc học rất nhiều, phải học nhồi nhét nên em không thích. Em muốn vừa học vừa chơi, chỉ học những lúc thoải mái. Có như vậy mới có thể tiếp thu kiến thức tốt được”. 

Ngoài ra, Nhật Minh bày tỏ muốn theo học Trường THPT Hải Lăng để thỏa ước mơ từ bé là mang cầu truyền hình trực tiếp cuộc thi mình yêu thích về với nơi mình sinh ra và lớn lên như là một cách để trả nghĩa cho quê hương.

Mẹ Nhật Minh chia sẻ: “Con tôi học giỏi nhưng không phải không làm gì, lúc rảnh Minh giúp ba cho chim ăn, nấu cơm, quét nhà. Đối với lứa tuổi của Minh mà một ngày chỉ học 1 tiếng đồng hồ là ít, từ nhỏ tới lớn Minh chưa hề đi học thêm.

Thời cháu học cấp 1, tôi cùng chồng có chỉ bảo đôi chút về kiến thức, bây giờ để con tự học hết. Tuy cháu học ít như vậy nhưng chúng tôi không ép, vì đơn giản kết quả học tập của con vẫn tốt, thế là mừng rồi”. 

Người mẹ tâm sự: “Hiện tại Minh có chút thành công nhưng tôi không có bí quyết nào hay, cách dạy nào đặc biệt, ngoài sự lắng nghe và thấu hiểu con. Tôi cũng mong rằng đứa con trai sau của mình cũng sẽ gặt hái được thành công như anh. Ngoài ra, hi vọng Nhật Minh sau này có một công việc ổn định là được, chứ không muốn con là Giáo sư hay một thiên tài nào”.

Còn Minh tâm sự, trong nhiều lời răn dạy của mẹ, điều em nhớ nhất là sự khiêm tốn. Minh cho biết mẹ em thường căn dặn: “Kiêu căng là khởi nguồn của mọi sự thất bại”, dù thành công đến mấy cũng không được đặt mình lên trên người khác. 

Hỏi đường về trường THPT Hải Lăng, PV vô tình gặp hai người bạn thân của Nhật Minh. Các em chia sẻ Minh không những học giỏi mà còn là cây văn nghệ cừ khôi, sau khi thi quý Olypia về, trong hội thi văn nghệ Minh trình bày bài người thầy và đã đạt được giải.

Nhật Minh học giỏi đều các môn tự nhiên đến xã hội, đặc biệt xuất sắc nhất là 2 môn Toán và Hóa. Bạn luôn nhiệt tình trong các phong trào của lớp. Đặc biệt, Minh rất khiêm tốn, luôn cố gắng và là một người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã đạt được.

Hiện Phan Đăng Nhật Minh đang vừa tập trung củng cố kiến thức để chuẩn bị cho vòng chung kết Olympia vào tháng 8/2017, vừa tham gia ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Ngoài ra, em còn làm cố vấn thêm cho các bạn đội tuyển của trường thi “Chinh phục” của tỉnh Quảng Trị. 

Theo cô Trần Thị Thanh Minh (giáo viên chủ nhiệm lớp Nhật Minh), trong cuộc thi quý vừa qua, cô cùng chồng cũng ra Hà Nội để cổ vũ cho cậu học trò cưng. Cô nhận xét: “Lớp tôi chủ nhiệm có 39 học sinh, có lẽ Nhật Minh là người hiền nhất, em ít nói nhưng lại rất có trách nhiệm với tập thể nên được tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập. Khi em dành giải nhất cuộc thi quý, lúc trở về em có mua tặng tôi một bó hoa rồi cám ơn.

Lúc đó, tôi hạnh phúc lắm. Nhiều người mới gặp thì thường bảo Nhật Minh là một người trầm lắng, khó gần nhưng thật ra nếu tiếp xúc nhiều thì sẽ biết Minh là một người sống rất tình cảm và dễ thương. Chính vì vậy, không chỉ tôi mà hầu hết các thầy cô và học sinh trong trường đều quý mến em”.

Thầy Nguyễn Khoa Xưng (Hiệu trưởng trường THPT Hải Lăng) phấn khởi chia sẻ: “Nhà trường không đặt nặng về kết quả của cuộc thi nhưng những gì Phan Đăng Nhật Minh làm được khiến chúng tôi phải nức lòng.

Sau khi Nhật Minh thi quý từ Hà Nội về, chúng tôi liền thành lập ban tiếp sức gồm các thầy cô dạy các bộ môn khác nhau để củng cố kiến thức cho em. Nhật Minh mang cầu truyền hình trận chung kết năm đường lên đỉnh Olympia về với trường, có lẽ đó là niềm vui này không chỉ với riêng thầy trò chúng tôi mà còn của nhân dân địa phương cả tỉnh Quảng Trị. Nhà trường sẽ động viên tinh thần để Minh thoải mái, không áp lực”.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Đại học Y khoa Vinh: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học hướng tới phát triển bền vững

Đại học Y khoa Vinh: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học hướng tới phát triển bền vững
(PLVN) - Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong giáo dục y khoa không chỉ là nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Đại học Y khoa Vinh nhận thức rõ vai trò này, từ đó đặt mục tiêu phát triển NCKH trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển.

Điều chỉnh “xét tuyển đại học sớm” để bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh

Việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển cần bảo đảm được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển. (Ảnh minh họa: Ngọc Hương)

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh (TS) ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ II của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn.

Góp ý cho Kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2025: Nên loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào

Tuyển sinh năm 2025 có nhiều thay đổi theo CTGDPT 2018. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018), việc triển khai thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.

Nâng cao hiểu biết pháp luật trong học sinh, sinh viên

Việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết về pháp luật là một thực trạng đáng báo động. (Ảnh: BD)
(PLVN) - Thời đại công nghệ phát triển, giới trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin nhưng cũng đối mặt với những hệ lụy, nhất là khi không được trang bị nền tảng kiến thức pháp luật. Một số bạn trẻ hiện nay “vô tư” thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.

Ngăn ngừa thuốc lá mới xâm nhập học đường

Ảnh minh họa: Sở GD&ĐT Hà Nội
(PLVN) - Trước tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh ở giới trẻ, nhiều trường học tại các tỉnh/thành đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá mới, góp phần đẩy lùi mối lo này ra khỏi trường học.

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô
(PLVN) -  Ngày 30/11/2024 đánh dấu cột mốc vàng son trong lịch sử của Trường Đại học Thành Đô – hai thập kỷ nỗ lực không ngừng để kiến tạo một môi trường giáo dục chuẩn mực, kiên định với sứ mệnh kiến tạo không gian tích hợp WILL, gắn kết hài hòa giữa học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thực hành, hướng nghiệp và trải nghiệm cuộc sống. Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm và cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp đối tác, bệnh viện, nhà trường, báo chí…

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
(PLVN) - Sáng ngày 30/11/2024, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn”. Đây là sự kiện do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025: Tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh

Thay đổi dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025, bảo đảm công bằng cho thí sinh. (Ảnh minh họa: ĐHQGHN)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học 2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất.