Việc Lê Uy Mục lên ngôi hoàng đế, xét ra, biết bao mạng người phải chết vì vị hôn quân này. Ngay từ thực tế ấy, đã cho thấy về sau, thiên hạ gọi Uy Mục là “quỷ vương”, hẳn có cái lý chứ chẳng phải ngoa ngôn.
Kẻ lên ngôi vô đạo
Vua Lê Hiến Tông trong thời trị vì của mình, cũng được xem là sáng suốt. Ngài có 6 người con trai, trong đó vua Lê Uy Mục sau này, chính là hoàng tử thứ hai, tên Tuấn. Dạo vua Hiến Tông bị bệnh sắp mất, mẹ nuôi của Lê Tuấn đã có ý muốn lập Tuấn lên ngôi, nhưng không được đồng thuận, nên ngai vàng thuộc về Tự Hoàng Thuần, tức vua Lê Túc Tông, con trai thứ ba của Lê Hiến Tông
Vua Lê Túc Tông băng, ở ngôi chỉ được 6 tháng mà lại không có con nối dõi. Nhân thế, Lê Tuấn được lên ngồi ngai vàng, mà cái việc lên ngôi của Lê Uy Mục, cũng không vui gì đâu, bởi theo “Đại Việt sử ký toàn thư” cho hay, thì khi vua Lê Túc Tông băng hà, nội thần Nguyễn Như Vi có ý định lập Lê Tuấn làm vua. Nhưng Thái hoàng thái hậu Nguyễn thị, tức Trường Lạc hoàng hậu vợ vua Lê Thánh Tông, là bà nội Lê Tuấn tỏ ý không đồng ý, vì bà “cho rằng vua là con người tỳ thiếp, không thể nối được đạo thống, khăng khăng đòi lập Lê Khôi Vương. Bấy giờ Nhữ Vi liền đóng các cửa thành lại lập vua lên. Thái hậu thấy vua đã được lập rồi, có ý không vui”. Nhưng bà ngờ đâu, việc ngăn cản ấy, lại chính là cái nguyên cớ để sau bà bị chính cháu ruột mình làm hại.
Việc Thái hoàng Thái hậu làm, bắt nguồn từ việc mẹ Lê Tuấn (sau được phong là Chiêu Nhân hoàng thái hậu) lúc bé mồ côi cha, vì nhà nghèo nên phải bán mình, rồi vì nhà chủ bị tội, bà bị sung làm quan tỳ, vào hầu Trường Lạc hoàng hậu, sau được vua Hiến Tông nạp làm phi mà có Lê Tuấn. Lại việc sau đó, khi Lê Tuấn lên ngôi rồi, như ghi chép trong “Việt sử yếu”, do bà nội trước đó không đồng ý cho mình làm vua, nên sai quan hầu cận ngầm giết tổ mẫu Trường Lạc. Ghê gớm hơn, để che mắt thiên hạ, vua cho nghỉ chầu 7 ngày để tỏ ý tiếc thương.
Nào chỉ làm hại bà nội, những việc oán hận cũ, vua Lê Uy Mục khắc cốt ghi tâm lắm, nên sau đó, kể cả những quan viên quyền cao chức trọng mà không ủng hộ mình, vua cũng giết nốt. Ấy là cái chết của Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật mà chúng tôi sẽ nói tới dưới đây. Ngay cả như Nguyễn Như Vi, có công lập Uy Mục lên làm vua, cũng bị lụy thân để phục vụ cho mục đích của vị hôn quân, thay vì trả ơn sâu.
Thiết nghĩ, trước hết nên nói qua về hai vị quan bị hôn quân nhà Lê bức hại, để hiểu rõ hơn công nghiệp, cũng như nghĩa cả của họ, mà thêm thấy sự ác nghiệt của vị hôn quân.
Kính phi đút lót cho Lê Tuấn lên ngôi nhưng không thành |
Hai vị tôi trung
Về phần Đàm Văn Lễ, tên tuổi của ông, được hiện diện trong khoa bảng nhà Lê sơ nhằm khoa thi năm Ất Sửu (1469). Họ Đàm, vốn quê đất Lam Sơn, hạt Quế Dương (nay thuộc về huyện Võ Giàng) thành tiến sĩ năm 18 tuổi. Trong “Bắc Ninh địa dư chí” có ghi lại công nghiệp của ông. Ban đầu, Đàm Văn Lễ làm ở Hàn Lâm viện, là người cùng với Thân Nhân Trung biên soạn bộ “Thiên Nam dư hạ tập”. Ông từng kinh qua chức Đông các Đại học sĩ, rồi Lễ bộ Thượng thư. Trong thời vua Lê Hiến Tông, ông từng tham gia giao thiệp với sứ thần nhà Minh năm Kỷ Mùi (1499). Đời vua Lê Hiến Tông, vua giao Thái tử Thuần cho ông giúp rập, dạy dỗ để làm đế vương tương lai.
Nói về Nguyễn Quang Bật, “Tam khôi bị lục” có ghi chép lại tiểu sử của ông. Theo đó, họ Nguyễn quê ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Trạng nguyên năm 21 tuổi. Năm ấy, tra trong “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” là khoa thi năm Giáp Thìn (1484) đời vua Lê Thánh Tông.
Trở thành quan nhà Lê, Nguyễn Quang Bật làm Hàn Lâm thị thư. Với tài năng của mình, ông là một thành viên trong Tao Đàn nhị thập bát tú của Thiên Nam động chủ Lê Thánh Tông. “Tam khôi bị lục” cũng ghi năm Bính Tý đời vua Lê Hiến Tông ông sung chức Đô ngự sử. Nhưng thực tế đời vua Hiến Tông trị vì không có năm Bính Tý, ngờ là năm Giáp Tý (1504).
Sinh thời, cả Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật, vốn xuất thân từ đường nghiên bút, nên văn thơ được lưu hành ở đời. Sau này, một số bài thơ của hai ông còn được chép lại trong “Hoàng Việt thi tuyển” của Tồn Am Bùi Huy Bích. Như Nguyễn Quang Bật còn để lại cho đời bài “Phụng họa ngự chế Mai Hoa”, Đàm Văn Lễ có “Đối trúc”, “Xuân cung từ xuân cung oán”, “Trừ tịch ngẫu hành”...
Vua Lê Uy Mục sai người hại Thái hậu Trường Lạc |
Án lưu đày oan nghiệt
Việc vị Thượng thư và vị Ngự sử bị vua xử tội, thực ra lại không liên quan đến việc ngăn trở vua lên ngôi khi Lê Túc Tông chết, mà lui về trước đó nữa kia. Ấy là dạo khi vua Lê Hiến Tông băng.
Dạo ấy, vào khoảng tháng 4, tháng 5 năm Giáp Tý (1504), khi vua Lê Hiến Tông sau khi từ Lam Sơn về kinh thì bị ốm. Trong lúc ốm, vua đã có di mệnh cho hoàng thái tử nối ngôi, ấy là Lê Thuần, đã được lập làm Hoàng thái tử vào tháng 3 năm Kỷ Mùi (1499). Lúc này, “Việt sử cương mục tiết yếu” còn ghi lại, mẹ nuôi của Lê Tuấn là Kính phi lại muốn lập Tuấn làm vua, nhưng e các vị đại thần không nghe theo, nên đem vàng đút lót, trong đó có Đàm Văn Lễ và Nguyễn Quang Bật, tuy nhiên hai vị này không nhận. Đến khi vua Lê Hiến Tông sắp băng, thì Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ và Ngự sử đài đô ngự sử Nguyễn Quang Bật nhận di chiếu phụ tá hoàng thái tử nối ngôi. Ấy nhưng, trong cảnh tranh tối tranh sáng này, các thân vương cũng theo đà tranh nhau đòi làm vua. Thượng thư Lễ lo có biến nên bèn vào tẩm điện lấy ấn báu truyền quốc đem về nhà, rồi sau đó cùng các vị đại thần trong triều lập Lê Thuần lên ngôi hoàng đế, tức là vua Lê Túc Tông.
Sau này khi vua Túc Tông mất, Lê Tuấn lên ngôi, nhớ lại việc xưa, lòng vẫn còn căm giận hai người kia lắm, muốn trừ khử cho hả. Vậy là theo “Toàn thư”, thì Lê Uy Mục “dùng mưu của Khương Chủng, Nguyễn Nhữ Vi biếm hai người làm Thừa tuyên sứ Quảng Nam”. Dẫu chẳng phạm tội gì, nhưng hai vị quan này vẫn bị biếm chức, đưa ra làm quan nơi miệt phương Nam xa xôi, cũng chẳng khác gì đi an trí vậy. Nhưng vua nào đã buông tha, việc biếm chức đi trấn nhậm nơi xa chỉ là cái cớ bởi sau đó khi hai người đi đến huyện Chân Phúc (nay thuộc đất Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), vua cho người đuổi theo bắt họ phải tự tử. Ý vua, rõ là muốn giết người nhưng không để thiên hạ biết sự thất đức của mình. Vậy là hai vị họ Nguyễn, họ Đàm, đành phải gieo mình xuống nước mà chết.
Xem “Bắc Ninh địa dư chí” cho hay, bởi bị tội oan, tự thương mình vô tội, nên trước khi chết, ông Bật đã ném hòn đá xuống biển mà thề rằng: “Con cháu họ ta kẻ nào còn ra ứng thí triều này (Lê) thì sẽ có ngày như hòn đá kia”. Sau này, con cháu ông để tránh lời thề độc ấy, bèn đổi thành họ Đỗ, dời đến xã Đại Mão, Siêu Loại mà sống. Lại cũng sách này cho biết, trước lúc trẫm mình, ông ngâm một bài thơ tuyệt mệnh, rằng:
Trời, trời xanh, Nước, nước xanh,
Ai đem người ngọc đến Nam Ninh,
Nào chàng Liễu Nghị đi đâu tá?
Sao chẳng đưa thư tới Động Đình?
Việc hai vị quan trung phải chết, sau này đình thần đều rõ cả rằng họ không đáng phải lụy thân nên can vua. Nhưng vua đã muốn đuổi cùng giết tận, nên liền vu cho Nguyễn Nhữ Vi đã bày ra việc ấy, rồi sai giết luôn tên nội thần đã giúp mình lên ngôi. Đến như nội thần Nguyễn Nhữ Vi có công một tay mà lập nên vua mà còn bị hại, thì hai vị tôi trung họ Đàm, họ Nguyễn bị hại chết, cũng là lẽ thường mà thôi. Bởi vua Lê Uy Mục, quyền lực đã che mờ hết lương tính cần có của một vị minh quân rồi, nên trong thời trị vì, vua trở thành hôn quân bạo chúa là thế...