Nhiều chính sách khó tiếp cận, chưa phù hợp
Sự kiện công bố ấn phẩm thường niên của NEU diễn ra cũng với Hội thảo Khoa học Quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 do NEU phối hợp cùng Ban Kinh tế TW, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup tổ chức.
PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế TW phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế TW đã cho rằng, trước những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch, Chính phủ các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phản ứng với quy mô và tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử.
“Những phản ứng chính sách kịp thời đó ban đầu được đánh giá là đã giúp làm giảm bớt những khó khăn kinh tế mà đại dịch đem lại đối với người dân và DN. Tuy nhiên, nhiều gói chính sách còn được coi là khó tiếp cận, không phù hợp với thực tiễn, tiêu tốn nguồn lực và không đem lại hiệu quả như mong đợi...”- PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn thẳng thắn.
Chính vì vậy, việc tổng kết thực tiễn và đánh giá các chính sách phản ứng với đại dịch trong thời gian qua là hết sức cần thiết, không chỉ về mặt thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp nền kinh tế vượt qua và giảm thiểu tổn thất kinh tế đối với người dân và DN, từ đó phục hồi và phát triển bền vững; mà còn có ý nghĩa về mặt lý luận trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách phản ứng đối với những cú sốc tương tự COVID-19.
Chính sách an sinh xã hội phải là ưu tiên hàng đầu!
Đánh gía các tác động tích cực và những tồn tại hạn chế của các chính sách vĩ mô (tài khóa và tiền tệ) đối phó với COVID-19 đã thực hiện trong năm 2020, các chuyên gia cho rằng ở cấp độ định hướng vĩ mô, Việt Nam có rất ít dư địa tiền tệ và tài khóa.
Do vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Đồng thời, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức; tiếp đến, là các hỗ trợ về chi phí đối với DN bị ảnh hưởng…”- PSG.TS Tô Trung Thành đồng chủ biên Ấn phẩm lưu ý.
Nhận định dịch COVID-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào, nhóm nghiên cứu cho rằng các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì.
“Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ cũng như cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ này…”- PGS.TS Tô Trung Thành lưu ý.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cho rằng, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc khu vực phi chính thức.
Trong dài hạn, Việt Nam nên xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật hàng năm các thông tin về người lao động để các gói hỗ trợ tương tự trong tương lai (nếu có) sẽ được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, và ít tốn kém nguồn lực.
Mặc dù không phải là chính sách ưu tiên và không được thiết kế riêng để giảm thiểu tác động của COVID-19, nhưng để đảm bảo đời sống cho người dân và tính công bằng, nhóm nghiên cứu đề xuất, về lâu dài việc thiết kế lại hệ thống thuế thu nhập cá nhân là cần thiết. Bởi lẽ, hệ thống thuế thu nhập cá nhân hiện tại được thiết kế từ nhiều năm trước với biểu thuế quá dày, mức thu nhập khởi điểm chịu thuế rất thấp, điều kiện để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp với diễn biến của nền kinh tế hiện tại.
Ngoài ra, Nhà nước nên cho phép DN sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong việc đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc. Đồng thời, người lao động, dù tạm thời chưa có việc làm, nên được phép tiếp tục duy trì tham gia BHXH, từ đó được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động
Liên quan đến các công cụ của chính sách tiền tệ, nhóm chuyên gia cho rằng, trong thời kỳ đại dịch, công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung thường là ít hiệu quả trong việc kích thích tổng cầu. Trong thời gian tới, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động.
Tương tự như các gói hỗ trợ tín dụng khác, chính sách giữ nguyên nhóm nợ cho các DN chịu ảnh hưởng của COVID-19 cũng cần được rà soát và điều chỉnh để các DN dễ tiếp cận hơn. Ngoài ra, Ngân hàng nhà nươc cũng cần giám sát chặt chẽ dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, phi sản xuất để đảm bảo cơ cấu tín dụng lành mạnh và an toàn hệ thống trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, mặc dù đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng còn nhiều khó khăn liên quan đến việc thu hồi nợ. Khi thời hạn cơ cấu lại nợ hết hiệu lực, rất có thể nhiều khoản nợ xấu sẽ bộc lộ. Do vậy, các ngân hàng cần chủ động đánh giá đầy đủ về những rủi ro có thể phát sinh từ các khoản nợ đã được cơ cấu lại, trích lập dự phòng đầy đủ nếu cần thiết.
Nhiều chuyên gia nổi tiếng tham dự Hội thảo |
Hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận
Một vấn đề nối lên trong thời gian qua là số DN tiếp cận và được hỗ trợ tiền tệ còn hạn chế so với mục tiêu đặt ra. “Có không ít DN phàn nàn, đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ. Do vậy, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch và các rào cản không cần thiết cần được rà soát gỡ bỏ....”- PGS.TS Tô Trung Thành đề nghị.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ lợi nhuận hoặc hàng hóa xa xỉ là chưa phù hợp cần được thiết kế lại. Đối với khu vực DN, nếu nguồn lực tài chính cho phép, để hỗ trợ đúng đối tượng và thiết thực hơn, các chính sách nên được thiết kế lại hướng vào hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận.
Với các chính sách hỗ trợ thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí hiện đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây lãng phí ngân sách, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.
Đâu là dư địa chính sách?
Dư địa chính sách, theo nhóm nghiên cứu chính là đấu tư công. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT cần tiếp tục cập nhật, tổng hợp phương án cắt giảm vốn của các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch để điều chuyển cho các dự án quan trọng; cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách TW và các dự án khẩn cấp khác.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, quan trọng nhất, trong quá trình thực thi chính sách, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Chính phủ cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lưu ý một số rủi ro sau: Rủi ro thể chế làm chậm tiến độ kích thích tiêu dùng và đầu tư; Rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm làm giảm hiệu lực và hiệu quả của gói kích thích kinh tế; Rủi ro chệch mục tiêu, không hướng vào đúng và trúng đối tượng cần được nhận hỗ trợ.
TS. Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam:
“Càng nhiều chính sách càng này sinh kẽ hở…”
TS. Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam: |
Chúc mừng Việt Nam kiểm soát thành công dịch COVID-19 và có tăng trưởng dương trong năm 2020, kiểm soát tốt về nợ công, cán cân thương mại được duy trì, kinh tế só phát triển.., , TS. Jaques Morisset lưu ý Việt Nam cần cân nhắc thực thi các chính sách tốt hơn, việc thiết kế ban hành các chính sách tiếp theo cần biến khủng hoảng thành cơ hội.
Chuyên gia kinh tế trưởng WB cũng cho rằng Việt Nam có nhiều cải thiện, tăng nhiều hơn các cam kết tăng trưởng knh tế xanh, chống biến đổi khí hậu, đầu tư nhiều vào các năng lượng tái tạo nhưng quá trình này còn chậm.
So với các nước châu Phi, Việt Nam đang triẻn khai tốt phát triển bao trùm. Đặc biệt trong những tháng gần đầy có nhiều cam kết hơn từ Chính phủ, đặc biệt là thủ tướng, hệ thống giáo dục tốt hơn phúc lợi xã hội tốt…
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện tại không phải làm nhiều hơn mà phải hiệu qủa hơn, cần minh bạch hơn nữa, chống tham nhũng hơn nữa…
Ví dụ về hệ thóng thuế, theo TS. Jacques Morisset, các DN phải chịu nhiều loại thuế phí khác nhau, tuy cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế, nhưng “càng nhiều chính sách càng nảy sinh kẽ hở…”
“Vấn đề ở Việt Nam hiện tại không rõ cuối cùng phải chi trả bao nhiêu hoàn thành một công việc bao gồm các chi phí không chính thức….”- Chuyên gia này nghi ngại.