Nỗi đau chồng lên nỗi đau
Những ngày đầu tháng 4/2021, hàng chục cơn mưa rả rích làm con đường dẫn vào, xã Long Xá, (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trở nên nhầy nhụa, khốn khó.
Ở Long Xá, chẳng mấy ai là không biết đến gia đình cựu chiến binh Lê Văn Cảnh (SN 1952, trú xóm 1). Ông “nổi tiếng” bởi một phần ông là người lính trận mạc chứa vết thương trên cơ thể, phần khác ông cũng là người phải hứng chịu những vết thương lòng trong hàng chục năm qua khi gia đình có tới 03 người con đều là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.
Thấy khách đến nhà hỏi chuyện, pha ấm trà mới, ông Cảnh trầm ngâm chia sẻ, năm 18 tuổi ông lên đường nhập ngũ, vào chiến trường Quảng Trị. Cuối năm 1971, ông cùng đơn vị hành quân vào Quảng Nam. Năm 1972, trong trận đánh nhau với địch, một mảnh đạn đâm thẳng vào mắt trái khiến ông bị mù vĩnh viễn. Một số mảnh đạn khác găm vào đầu gối chân phải, dẫn tới việc đi lại với ông rất khó khăn. Vị trí gần phổi bên trái cũng bị mảnh đạn găm trúng làm sức khỏe của ông càng suy yếu.
Bị trọng thương, ông được đơn vị đưa về dưỡng thương ở Đoàn 200, Quân khu 4. Trong thời gian dưỡng thương ông thi thoảng về quê và nảy sinh tình cảm với cô gái cùng làng tên Nguyễn Thị Lan (SN 1954). Dù biết ông bị thương tật lên đến 65%, sức khỏe yếu, ngay cả việc đi lại cũng khó khăn nhưng bà Lan khi đó là một cô gái lành lặn, khỏe mạnh vẫn chấp nhận lời yêu.
Ông Lê Văn Cảnh với thương tật lên đến 65%. |
Năm 1975, ông bà tổ chức đám cưới, chính thức nên duyên vợ chồng. “Thời đó, hai gia đình đều nghèo đói. Nói là đám cưới nhưng chỉ vài mâm cơm ra mắt hai bên họ hàng”, bà Lan nhớ lại đám cưới giản dị.
Sau 2 năm, bà Lan sinh cô con đầu lòng đặt tên là Lê Thị Hương. Trong thời gian này, ông Cảnh vẫn dưỡng bệnh ở Đoàn 200. Thương vợ một mình nuôi con, tháng 7/1978, ông xin về quê. Năm 1980 và 1984 vợ chồng ông lần lượt sinh thêm chị Lê Thị Oanh và anh Lê Văn Hoàn. Nhưng thật trớ trêu, các con của vợ chồng ông Cảnh đều chậm chạp.
“Lúc mới sinh, cả 3 đứa bụ bẫm, đáng yêu lắm. Nhưng lên 1 đến 2 tuổi là các cháu có những biểu hiện bất thường, hay lên cơn nóng sốt, co giật không rõ nguyên nhân. Có lúc đang ngồi chơi thì chúng ngã ngửa, sùi bọt mép, người co giật như bị động kinh. Những lúc đó, vợ chồng tôi phải cho tay vào miệng con để đề phòng cháu cắn đứt lưỡi. Lúc đầu tôi nghĩ là vợ chồng mình không may thôi, chứ không nghĩ là chất độc da cam từ hồi đi bộ đội lại làm khổ con, khổ vợ như vậy”, ông Cảnh ngậm ngùi chia sẻ.
Chất độc da cam/dioxin tàn phá cơ thể, sức khỏe, tài sản.. khiến vợ chồng ông Cảnh trở nên khánh kiệt. Các con của ông có thể lên cơn sốt, co giật, động kinh bất kỳ lúc nào nên trong nhà ông luôn phải trữ rất nhiều loại thuốc. Ông Cảnh kể, có thời điểm thuốc chữa bệnh cho các con chất đầy cả ba lô loại lớn. “Nhiều khi nhà không có gạo ăn nhưng tôi phải dành tất cả tiền trợ cấp đi mua lấy thuốc cho con. Có tháng hết tiền, hết thuốc, tôi đành ra hiệu thuốc mua nợ. Cuộc sống chật vật, khổ cực của gia đình tôi cứ xoay vòng như thế suốt nhiều năm trời. Do các con đều ngờ nghệch, chậm chạp nên việc đi học cũng vì thế mà gián đoạn”, đôi mắt ông Cảnh đỏ hoe khi nhắc lại những ngày tháng vất vả.
Phải tự mình đứng lên!
Chồng tàn tật, con thì nhiễm chất độc hóa học, nghèo đói cứ bám lấy gia đình ông Cảnh. Có những đêm ông không thể chợp mắt. Nghĩ sao mình cứ mãi nghèo, mãi khổ thế này? Giặc Mỹ mạnh như vậy mình còn đánh đuổi được, không lẽ cứ phải sống chung với cái đói, cái nghèo mãi? “Phải tự mình đứng lên!”, ông nói mà như ra lệnh cho chính mình.
Lúc đầu ông định thử sức với nghề mộc, vì trước đó từng được đơn vị cho đi học nghề. Nhưng sau đó, nghĩ đến đôi chân yếu ớt chẳng thế đứng lâu để làm thợ nên ông lại chuyển hướng. “Phải chọn những công việc nhẹ, dùng tay nhiều thì may ra mình mới theo được”, ông nghĩ vậy nên tập tành đan lát. Với sự khéo léo, cần mẫn, cuối cùng ông cũng đan được những chiếc rổ, rá bán cho bà con trong vùng. Số tiền khó nhọc kiếm được, vợ chồng ông lại dùng để mua thuốc men cho con.
Bên cạnh đó, ông nuôi thêm bầy gà, đàn vịt, trồng giàn bầu để kiếm thêm chút đỉnh lo cho vợ con. Nhưng với 5 miệng ăn, các con thì đi viện như cơm bữa nên tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu. Do đó, ông Cảnh xin vào chợ dọn dẹp. Chính quyền sau đó đã tạo điều kiện cho ông đảm nhận việc thu tiền, quản lý chợ. Nhờ đó, cuộc sống gia đình bớt khổ hơn. Dù vậy, ước mơ có căn nhà cao ráo, không bị ngập nước đối với ông lại quá khó.
Dù sức khỏe yếu nhưng ông Cảnh luôn nổ lực phấn đấu làm kinh tế để nuôi vợ con. |
Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông, năm 2015, nhà hảo tâm đã ủng hộ gia đình ông một phần tiền để sửa chữa nhà cửa. Đến nay, dù nợ vẫn chưa trả hết nhưng ông phần nào yên tâm vì vợ con đã có nơi ở cao ráo. Căn nhà không bị nước giột vào mùa mưa, bớt nóng vào mùa hè.
Khi nỗi lo về kinh tế phần nào được cải thiện thì vợ chồng ông Cảnh lại đau đáu về tương lai con, cháu mình. Người con gái đầu vì di chứng nặng của chất độc da cam/dioxin nên không thể lập gia đình. Cô con gái thứ hai được một chàng trai xã bên chấp nhận hoàn cảnh, kết duyên vợ chồng nhưng 14 năm chung sống vẫn chưa có con. Riêng con trai út đã lấy vợ có 3 con, nhưng đứa con đầu của vợ chồng anh cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, cháu chậm chạp, kém phát triển.
Ngồi nhìn đứa cháu nhỏ, ông Cảnh không giấu được sự lo lắng: “Không ngờ thứ chất độc ấy lại di truyền đến đời cháu. Đời mình đã khổ, rồi đến đời các con, nay lại cháu. Mỗi khi nghĩ về tương lai tôi lại rơi nước mắt. Giờ bố mẹ còn có sức mà chăm lo, nhỡ mai mốt nằm xuống ai sẽ chăm sóc chúng nó?”. Nỗi lo của ông Cảnh cũng chính là điều trăn trở, day dứt chung của những người lính bị nhiễm chất độc da cam/dioxin: “Khi không còn cha mẹ, những đứa con ở lại sẽ bám tựa vào ai?”.
Ông Đinh Viết Hồng - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 14.486 nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, gồm: 9.523 nạn nhân trực tiếp (là những người trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu tại các khu vực bị Mỹ rải chất độc hóa học dioxin) và 4.963 nạn nhân gián tiếp, là con, cháu của những người lính bị nhiễm chất da cam. Riêng tại huyện Hưng Nguyên có 1.267 nạn nhân chất độc da cam.
“Có những gia đình 4 - 5 nạn nhân, đến tận nơi mới thấy đau xót vô cùng bởi nhà như bệnh viện thu nhỏ, mỗi người bệnh nằm một góc. Nạn nhân da cam thực sự là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”.