Chuyện đời thăng trầm họa sĩ vẽ Quốc huy Việt Nam: Người ra đi, vinh quang ở lại

Một số mẫu tiền giấy do họa sĩ Bùi Trang Chước sáng tác
Một số mẫu tiền giấy do họa sĩ Bùi Trang Chước sáng tác
(PLVN) - Ngày 7/4/2019, một con phố thuộc quận Tây Hồ có độ dài 470m (bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Phú Xá đến ngã ba giao cắt phố Phú Gia) đã được vinh dự mang tên Bùi Trang Chước, họa sĩ xuất thân từ mảnh đất Phú Thượng, Tây Hồ, là tác giả của Quốc huy Việt Nam và cũng là “ông tổ” tem bưu chính và cha đẻ của tiền giấy Việt Nam. Tài hoa là vậy nhưng cuộc đời ông cũng thật lắm truân chuyên… 

Bà Bùi Minh Thủy, người con gái thứ bảy của họa sĩ Bùi Trang Chước vẫn còn nhớ niềm vui ngày 7/4/2019 khi tấm biển tên phố Bùi Trang Chước được chính thức gắn lên: “Hôm đó, gia đình tôi đến đủ, đông lắm, từ các bác lão niên cho tới các cháu nhỏ thế hệ cháu, chắt. Giá mà cha mẹ tôi còn sống đến ngày nay…”.  

Sự nhầm lẫn kéo dài nhiều thập kỷ

Theo lời kể của bà Bùi Minh Thủy, thì suốt mấy chục năm qua (từ năm 1955), tác giả Quốc huy Việt Nam được xác định là của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn. Tuy nhiên, từ sau khi họa sĩ Lê Lam có bài viết “Người vẽ Quốc huy” đăng báo ngày 9/9/2001, cho rằng họa sĩ Bùi Trang Chước mới là người sáng tác và thực hiện các phác thảo Quốc huy... thì vấn đề được xem xét lại và sự thật dần được sáng tỏ.

“Theo lời bố tôi kể thì đầu năm 1953, Nhà in Bộ Tài chính đã biệt phái bố tôi  sang Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng làm nhiệm vụ sáng tác Bằng khen, Huân, Huy chương cho Chính phủ. Tại đây, ông bắt đầu tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam được phát động tháng 6/1951. Từ năm 1953 - 1955, bằng tài năng và sự lao động miệt mài, nghiêm túc, ông đã có đến 94 bản vẽ nghiên cứu, phác thảo và hàng chục bản vẽ chì chi tiết những đối tượng mà ông muốn thể hiện trong mẫu Quốc huy”, bà Thủy nhớ lại.

Vẫn lời bà Thủy: “Từ những nghiên cứu đó, bố tôi đã hoàn thành 15 bản vẽ mẫu Quốc huy đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng để gửi cấp trên lựa chọn. Đến tháng 10/1954, từ hơn 300 mẫu Quốc huy của các họa sĩ tham gia, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu của tác giả duy nhất là Bùi Trang Chước được lựa chọn để trình Chính phủ.

Sau đó, do nhiệm vụ đặc biệt và tuyệt mật của Chính phủ giao, ông lên đường sang Trung Quốc để vẽ và in tiền. Chính vì vậy, ông không có điều kiện chỉnh sửa, hoàn thiện Quốc huy theo sự góp ý của Trung ương sau kỳ họp Quốc hội vào tháng 9/1955. Nhiệm vụ chỉnh sửa, hoàn thiện này sau đó được giao cho họa sĩ Trần Văn Cẩn. Chính điều đó đã gây ngộ nhận và nhầm lẫn trong suốt mấy chục năm qua”, bà Bùi Minh Thủy kể.

Họa sĩ Bùi Trang Chước
 Họa sĩ Bùi Trang Chước

Năm 2016, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn sách “Họa sĩ Bùi Trang Chước – Tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam”. Trong cuốn sách này có bản di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” do chính họa sĩ Bùi Trang Chước viết ngày 26/4/1985 về ý nghĩa của biểu tượng Quốc huy mình sáng tác: “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên xung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp.

Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh.

Toàn bộ Quốc huy tôi dùng hai màu vàng và đỏ, khi thực hiện sơn mài là sơn son thiếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của dân tộc ta hay dùng. Số mẫu này tôi làm hai bản: Một bản đưa đồng chí Côn để đệ trình lên Bác Hồ và được Bác Hồ góp ý: hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể; nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Còn một bản hiện nay tôi vẫn giữ”...

Trong quá trình đi thu thập tài liệu làm chứng cứ, bà Thủy đã hàng tháng trời vào Cục Lưu trữ nhà nước sao chụp các văn bản liên quan. Tại đây bà nhận thấy, bản Quốc huy đã được Chính phủ thông qua trong Cục Lưu trữ lại giống đến 99% so với mẫu mà gia đình đang giữ bản gốc từ năm 1955 cũng như so với bản tờ rơi về Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy mà Quốc hội thông qua tháng 9/1955. Những bằng chứng này càng thôi thúc bà Thủy trên hành trình đi tìm lại sự thật cho cha.  

Ngày 27/2/2004 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 42/TB-VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc họp về việc xác định tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam như sau: “Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt. Giao Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam”. 

Một số mẫu phác thảo Quốc huy gia đình họa sĩ Chước lưu giữ
Một số mẫu phác thảo Quốc huy gia đình họa sĩ Chước lưu giữ

Tháng 9/2014, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có công văn chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng về vấn đề tác giả Quốc huy Việt Nam: “Mẫu Quốc huy là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước – người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện”…

Hai cha con cùng thiết kế mẫu tiền cho nhà nước

Hiện tại, bà Thủy còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm của cha mình, bởi không chỉ là tác giả của Quốc huy Việt Nam, ông còn là người Việt Nam và người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư và giấy bạc (tiền) với danh xưng được nhiều người đặt cho là “ông tổ vẽ tem bưu chính Việt Nam” và “cha đẻ của mẫu tiền giấy Việt Nam”. 

Năm 1944, người Pháp quyết định cho Đông Dương phát hành loại tem mới có giá trị nghệ thuật cao. Các mẫu tem này được họa sĩ Bùi Trang Chước, cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội, thực hiện với các đợt phát hành liên tiếp. Đó là các mẫu tem Nam Giao, hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, hội chợ Sài Gòn, ký túc xá Đại học Đông Dương, Alexandre de Rhodes... Trước đó, việc thiết kế tem chỉ dành riêng cho các họa sĩ Pháp. Hiếm hoi lắm mới có một vài mẫu của họa sĩ Việt Nam được chọn như mẫu của họa sĩ Tôn Thất Sa và họa sĩ Nguyễn Đình Chi. 

“Những mẫu tem do cha tôi vẽ đã được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng tiếp tục sau Cách mạng tháng 8/1945, bằng cách in đè dòng chữ Việt Nam DCCH lên các mẫu tem Đông Dương. Năm 1951, nhà nước phát hành một bộ ba mẫu tem Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và họa sĩ Bùi Trang Chước chính là tác giả; hai năm sau tiếp tục phát hành bộ tem Gặt lúa gồm bốn mẫu.

Tháng 10/1954, cha tôi được chọn bộ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ với bốn mẫu tem. Từ năm 1955, ông tiếp tục cho ra đời các bộ tem Cải cách ruộng đất (7 mẫu); Mừng Chính phủ về thủ đô (4 mẫu); Đường sắt Hà Nội - mục Nam Quan (4 mẫu); Anh hùng Cù Chính Lan (7 mẫu); Anh hùng Mạc Thị Bưởi (4 mẫu)... Từ năm 1956 - 1971, ông vẫn là người vẽ tem chủ lực của ngành bưu chính”, bà Thủy cho biết.

Trong tập hồi ký về con người và sự nghiệp 40 năm ngân hàng “Ngân hàng nhà nước Việt Nam 40 mùa sen nở” xuất bản năm 1991, có bài “Vinh dự và trách nhiệm” họa sĩ Bùi Trang Chước viết về nhiệm vụ vẽ một bộ giấy bạc mới chỉ trong bảy ngày vào đầu năm 1956 để đưa trình duyệt. “Thật tình trong thâm tâm tôi nảy sinh sự lo lắng không nhỏ về trách nhiệm của mình với nhiệm vụ được giao, nhất là yêu cầu “bí mật”, về “thời gian hoàn thành”, công việc lẽ ra phải 1 tháng nay đề ra có bảy ngày…

Bà Bùi Minh Thủy tại con đường mang tên cha mình
Bà Bùi Minh Thủy tại con đường mang tên cha mình

Tôi làm liên tục cả ngày, không giải lao mà chỉ dừng tay vẽ để ăn cơm, khi vợ tôi gõ cửa đưa cơm vào. Còn đêm về, thường thì dừng tay chợp mắt vào khoảng 2 – 3h sáng... Có đêm vì mải mê công việc, tôi làm miết đến khi nghe loa phóng thanh ngoài phố phát bài nhạc thể dục buổi sáng, mới biết trời đã sáng... Cứ như thế, bảy ngày đêm trôi qua, bộ phác thảo tiền mới cũng vừa hoàn thành. Đúng hẹn, tôi đã trao cho đồng chí giám đốc mang đi trình cấp trên”.

“Sau hơn một năm hoàn thành nhiệm vụ, mãi đến sáng 28/2/1959, Đài Tiếng nói Việt Nam phát lệnh, công bố đổi tiền của Chính phủ. Cha tôi thở phào nhẹ nhõm, vui mừng khôn xiết vì ông đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh trai thứ hai của tôi, họa sĩ Bùi Trang Toàn (1947 - 2012) cũng nối nghiệp cha, trở thành cha đẻ của nhiều mẫu tiền giấy Việt Nam. Gia đình tôi có lẽ là duy nhất khi hai cha con cùng thiết kế mẫu tiền cho nhà nước”, bà Thủy kể.

Thấm thoắt từ bài báo ban đầu cho đến ngày 5/12/2018, khi HĐND TP Hà Nội khóa XV với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành thông qua việc đặt tên họa sỹ Bùi Trang Chước, tác giả Quốc huy Việt Nam, cho một con phố Hà Nội, gần hai chục năm đã trôi qua.

Người đã ra đi (họa sĩ Bùi Trang Chước sinh năm 1915, mất năm 1992 - PV) nhưng vinh quang còn ở lại, bởi với mỗi quốc gia, Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy luôn là những điều thiêng liêng nhất. Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả Quốc ca, liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến là tác giả Quốc kỳ; và lịch sử đã gọi tên danh họa Bùi Trang Chước, tác giả Quốc huy Việt Nam.  

“Cha tôi thiệt thòi nhiều. Nhưng rồi tất cả cũng đã qua, điều quan trọng nhất là chúng tôi đã tìm lại được danh dự và sự thật cho bố mình”, bà Thủy rưng rưng nhớ về người cha suốt cuộc đời không phút giây nào màng danh tiếng, luôn chỉ biết lặng lẽ với cây bút vẽ trên tay. “Cha vẫn thường dạy chúng tôi rằng không nên nói nhiều mà hãy trả lời bằng việc làm của mình. Cả đời cha đã sống như vậy, chỉ đến khi qua đời, ông mới trăng trối lại điều khúc mắc sau cùng về việc nhầm lẫn tác giả mẫu Quốc huy cho con cái biết…”.

Bà Bùi Minh Thủy, con gái họa sĩ Bùi Trang Chước

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.