Thế nhưng trong cuộc sống xô bồ, hối hả như hiện nay thì khoảng lặng thưởng thức cái đẹp đang dần bị hao mòn, mai một. Làng tranh sơn mài Hạ Thái vì thế cũng đang phải gồng mình lên giữ nghề trước dòng chảy của thời gian.
Hấp dẫn nhưng kén người mua
Đến với Hạ Thái trong một ngày đầu xuân nắng nhẹ, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là một nét đẹp bình dị, đúng chất của một làng nghề truyền thống với những đôi bàn tay làm nên nghệ thuật. Được biết, để làm ra một tấm vóc, tức là phần khung thô của một bức tranh sơn mài, phải trải qua 12 nước sơn, mùn cưa, bó đất rồi lại sơn mới tạo ra được phần nền đen bóng.
Tiếp theo là công đoạn trang trí họa tiết cho tranh sơn mài. Từ đó mới thấy, nghề làm sơn mài lắm công phu, nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm nghề phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, chau chuốt, nâng niu. Để ra đời một sản phẩm, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí hàng tháng trời với tất cả sự công phu, cầu kỳ, điêu luyện.
Làng Hạ Thái trước đây nổi tiếng với những cách “vẽ” rất độc đáo, tạo nên màu sắc riêng đó là dùng vỏ trứng. Bên cạnh đó, không giống như tranh sơn mài thông thường là vẽ màu lên bề mặt tấm gỗ, để làm tranh khắc, nghệ nhân phải thêm một bước là khắc và tạo hình trước, sau đó mới đổ màu, từ đó tạo ra chiều sâu và nét đẹp.
Tỉ mỉ, kiên nhẫn, vất vả để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật thủ công là thế nhưng tranh Hạ Thái luôn nổi tiếng kén người xem. Sở dĩ là vì không phải ai cũng nhìn thấy được cái đẹp, cái kỳ công trong từng tác phẩm. Từ lẽ đó dù tranh được đánh giá cao bởi tính mỹ thuật và tính truyền thống kết tinh trong mỗi sản phẩm nhưng do giá thành cao nên sơn mài bất đắc dĩ trở thành mặt hàng kén người mua.
Họa sĩ Vũ Thị Lệ Dung, con gái của nghệ nhân Vũ Huy Mến chia sẻ: “Tranh sơn mài truyền thống khác hoàn toàn với tranh phun máy. Tranh truyền thống là loại tranh mài ra, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công từ chuẩn bị phôi tranh đến bước vẽ và lên màu, chỉ có phun phủ bóng là bằng máy”.
“Tranh vẽ bằng tay thể hiện được cái hồn và nghệ thuật trong bước tranh, đối với những người yêu tranh sẽ nhận định được điều đó. Những dòng tranh làm máy thì độ bền không cao, để lâu sẽ bị bám bụi và bay màu. Bên cạnh đó, giá thành của nó rất rẻ, chỉ vài trăm nghìn một bức tranh to. Tuy có cùng kích cỡ với nhau nhưng dòng tranh tay truyền thống có giá thành cao gấp 5 – 6 lần”, họa sĩ Vũ Thị Lệ Dung cho biết thêm.
Tuy vậy, do thời buổi kinh tế thị trường, đầu ra khó khăn, nhu cầu mua tranh không còn nhiều nữa. Theo đó, ở Hạ Thái, tranh sơn ta cổ truyền của hợp tác xã sơn mài xưa, số người làm còn rất ít. Mọi người làm tranh truyền thống nhưng bằng sơn Nhật, sơn cánh gián là chủ yếu. Theo các cụ trong làng, người thật sự của làng làm tranh giờ chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, chủ yếu mọi người đã chuyển sang làm các đồ thủ công mỹ nghệ khác.
Một số người làm tranh ở đây là những họa sĩ từ nơi khác đến, thuê hoặc mua đất ở đây để mượn danh tiếng của làng, bám vào làng để mưu sinh. Họ làm theo phong cách của họa sĩ, nhưng dựa vào làng làm khâu vóc ban đầu (phôi tranh) và thuê người làng phủ bóng.
Nghệ nhân Vũ Huy Mến - Phó Chủ tịch Hội làng nghề Hạ Thái, cho hay, mặc dù dòng tranh truyền thống (tranh mài da) sử dụng sơn ta có giá thành cao, có những bức tranh có giá trị lên tới hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng nhưng giờ không có hộ nào sản xuất nhiều để bán nữa.
Nguyên nhân do thời gian để hoàn thành một bức tranh rất lâu, phải mất từ 3 – 4 tháng, người mua tranh cũng phải thật sự yêu tranh, hiểu được cái hồn và nghệ thuật trong bức tranh, nên dòng tranh sơn mài cổ truyền tới hiện tại rất khó để bán.
Cần được hỗ trợ để cùng “giữ lửa” nghề
Dù lâu đời và có thương hiệu, nhưng những năm trở lại đây việc tìm đầu ra cho tranh rất khó khăn, nhu cầu mua tranh không còn nhiều. Như một lẽ xoay vần tự nhiên, sự phát triển của làng nghề Hạ Thái dần chùng xuống và trên đà suy thoái. Các hộ dân trong làng nghề đã chuyển sang chủ yếu làm đồ thủ công mỹ nghệ như bát, chén, bình hoa, ngăn tủ,… để có thể kinh doanh kiếm lợi nhuận.
Những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để giúp làng sơn mài Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài của mình, đặc biệt là dòng tranh sơn mài truyền thống.
Chẳng hạn như đưa Hạ Thái trở thành 1 trong 7 điểm du lịch làng nghề của TP Hà Nội, quy hoạch riêng một khu, cụm làng nghề Hạ Thái, đưa các sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái đến các triển lãm, hội chợ... Tuy nhiên, những chính sách ấy mới chỉ giải quyết được một phần nào đầu ra cho sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái.
Ông Vũ Huy Mến trăn trở: “Các hộ gia đình làm nghề trong làng rất mong được tạo điều kiện hơn nữa để có thể mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, như hỗ trợ chi phí tham gia hội chợ, triển lãm giúp những người làm nghề có thể quảng bá thương hiệu. Đồng thời, tạo cơ hội để nghệ nhân của làng được đi quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài, đưa sản phẩm tranh Hạ Thái đến với bạn yêu tranh ở nhiều quốc gia khác nhau”.
Ngắm nhìn những bức tranh sơn mài Hạ Thái, cảm nhận đầu tiên là sự óng ánh của màu sắc, sự tinh tế, duyên dáng của họa tiết để qua đó thấy được độ công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn của người thợ tạo nên sản phẩm.
Chính điều này đã tạo nên thương hiệu sơn mài Hạ Thái vang xa trên thị trường trong và ngoài nước. Thầm cảm ơn những nghệ nhân vẫn đang miệt mài giữ nghề và mong rằng những nét đẹp truyền thống để nghệ thuật tranh sơn mài không bị mai một với thế hệ mai sau…