Chữa lành tâm hồn, trào lưu mới mang nhiều hạt giống tích cực

Một chương trình chữa lành bằng phương pháp yoga cổ Ấn Độ được nhiều bạn trẻ tham gia. (Ảnh: Ngọc Mai)
Một chương trình chữa lành bằng phương pháp yoga cổ Ấn Độ được nhiều bạn trẻ tham gia. (Ảnh: Ngọc Mai)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chữa lành không đơn giản chỉ là một trào lưu, đó còn là một nhu cầu thực sự của cả một thế hệ. Thế hệ ấy một mặt tìm cách khẳng định bản ngã của mình, mặt khác đi tìm những phương thức cân bằng tinh thần, chữa trị những vết thương bên trong tâm hồn.

Muôn kiểu tự cân bằng tâm hồn

Sau khi trải qua biến cố gia đình, cha mẹ ly hôn rồi nhanh chóng có gia đình mới, N.H.T. (25 tuổi), kĩ sư phần mềm, sống tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh mất một thời gian rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ. T. cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không có nơi nào để chào đón mình trở về nữa. T. thuê nhà riêng ở, một thời gian không liên lạc với cha mẹ, ông bà, thu mình lại trong công việc và gặm nhấm nỗi cô đơn của riêng mình.

Được một thời gian, T. nhận thấy tình trạng tinh thần ngày càng xuống dốc. Trong một lần khó ngủ, lướt mạng, T. tình cờ nghe được bài pháp thoại của thiền sư Thích Minh Niệm có tựa đề “đánh thức sự bình yên chân thật bên trong”. Bài pháp thoại nhẹ nhàng, không nói nhiều đến các yếu tố tôn giáo, tâm linh mà đi sâu vào những phân tích về căn nguyên gây ra khổ đau và các phương pháp thiết thực, hiệu quả trong đời sống để có thể “đánh thức” được bình yên trong sâu thẳm tâm hồn, vượt qua được đau khổ. Kể từ đó, T. theo dõi, lắng nghe nhiều hơn các bài pháp thoại, thực tập các phương pháp tập trung tâm trí, nhìn nhận khổ đau bằng con mắt tỉnh thức, học cách bao dung hơn với chính mình và người thân. T. dần dà thôi tự trách mình cũng như oán giận cha mẹ và những người thân chung quanh, chấp nhận được sự chia ly của cha mẹ, sống một cách vui vẻ hơn.

Giờ đây, có nhiều bạn trẻ như T., đang loay hoay sống trong mớ bòng bong của đời mình. Được gọi là “thế hệ cô đơn”, người trẻ ngày nay dường như có tất cả mọi thứ trong tay, nhưng cũng rất dễ bị thương tổn. Mạng xã hội ngập tràn những nhân tố độc hại tác động hàng ngày, hàng giờ, sự thiếu vắng một tuổi thơ hồn nhiên, thiếu thốn tình thương và giáo dục đúng cách của cha mẹ... Rất nhiều nguyên nhân đẩy người trẻ vào tâm thế cô đơn và yếu đuối, dễ dàng gục ngã trước các cơn sóng của cuộc đời.

Thế nên, đi tìm những phương pháp cân bằng tinh thần và chữa lành không đơn giản chỉ là một trào lưu, đó còn là một nhu cầu thực sự của cả một thế hệ. Thế hệ ấy đang loay hoay, một mặt tìm cách khẳng định bản ngã của mình, mặt khác đi tìm những phương thức chữa lành vết thương bên trong. T. là một trong rất nhiều bạn trẻ tìm đến một “vị thầy tâm linh”, thông qua đó tiếp cận những liệu pháp tinh thần về chữa lành. Có bạn trẻ thích nghe pháp thoại của các vị sư có năng lực chuyên môn về tinh thần và tâm lý, có cách tiếp cận công chúng mới mẻ, hiệu quả, hoặc học cách thiền định, lắng tâm. Cũng có những bạn thuộc các tôn giáo khác, tìm đến điểm tựa tâm linh cho mình, như tìm lời khuyên của cha xứ, hoặc tham gia các hoạt động của nhà thờ.

Giờ đây, “đọc chữa lành”, “điện ảnh chữa lành”, “âm nhạc chữa lành” cũng thường đươc nhiều người nhắc đến như một liệu pháp tâm lý hiệu quả. Nhiều quyển sách, tác phẩm âm nhạc ra đời, mang nội dung sâu sắc và chạm đến trái tim, không chứa các yếu tố tình dục hay bạo lực, mà hướng đến khơi gợi những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong sâu thẳm trái tim con người. Trong âm nhạc, ngoài những tác phẩm âm nhạc mang hạt giống lành, đã có những buổi trình diễn thiên về chữa lành như âm nhạc kết hợp thiền, pháp thoại, hay trình diễn các tác phẩm hòa nhạc với tần số xung động có thể xoa dịu những nỗi đau tâm trí...

Thể thao tích cực cũng là một liệu pháp cân bằng cực kì tốt mà người trẻ ngày nay tìm đến. Ngày càng nhiều người tham gia vào các bộ môn thể thao như gym, yoga, xe đạp. Các giải chạy bộ, leo núi... cũng được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo nhiều lứa tuổi tham gia.

“Tôi nghĩ, thay vì cứ nằm nhà gặm nhấm nỗi đau khổ, chi bằng bước ra ngoài đi, vận động nhiều lên. Đổ mồ hôi, giãn gân cốt, sức khỏe thể chất nâng cao thì sức mạnh tinh thần cũng tăng lên theo”, Nguyễn Phan Vĩnh, 30 tuổi, từng tham gia gần 30 giải chạy trong nước chia sẻ.

Đi tìm giá trị tích cực

Có không ít người trẻ thì tìm đươc ý nghĩa, niềm vui của cuộc sống, vượt qua được nỗi đau của bản thân bằng cách sản sẻ yêu thương, nâng đỡ những người trong nghịch cảnh. Hiện nay, rất nhiều nhóm thiện nguyện xã hội được thành lập. Họ tổ chức những siêu thị 0 đồng, quán ăn 0 đồng, trao tặng quà cho người nghèo, dạy học cho trẻ lang thang, xây cầu cho người dân vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động lập thư viện, khuyến khích văn hóa đọc, hoạt động vì môi trường xanh thông qua các hoạt động nhặt rác, thu lượm pin... cũng được các bạn trẻ tích cực tham gia. Đó là một trong những cách chữa lành vừa hiệu quả cho chính bản thân, vừa mang lại nhiều giá trị đẹp đẽ cho cộng đồng.

Những năm qua, “du lịch chữa lành” cũng là khái niệm được nhắc đến nhiều lần. Du lịch chữa lành không hướng đến việc tìm kiếm nơi chốn để “check in”, được nghỉ dưỡng, thụ hưởng vật chất thoải mái, mà thông qua những chuyến đi, thông qua sự kết nối cùng thiên nhiên, người ta có thể giúp chính mình khơi gợi nên nhiều điều tích cực, vượt qua những vướng mắc trong tâm lý.

Du lịch chữa lành, vì thế không thiên về cung ứng những cơ sở vật chất như du lịch thông thường. Mà chú trọng làm thế nào để người du lịch có thể được trải nghiệm những cảm xúc chân thật, bình an, giúp tâm hồn nhẹ nhàng, vị tha và rộng mở hơn.

Ngoài những chuyến du lịch tự túc, tìm đến những vùng đất mới, con người mới, khám phá cảnh đẹp, hiện nay, nhiều đơn vị đã xây dựng nên những điểm “retreat” chuyên hướng đến các hoạt động chữa lành. Các điểm retreat này có điểm chung là được đặt ở những vị trí có cảnh đẹp, không gian rất gần với thiên nhiên, tránh xa tiếng ồn, nhịp sống xô bồ. Những điểm đến này thường không tiếp nhận các đối tượng khách ưa chuộng vui chơi giải trí, nhậu nhẹt hay hát hò, mà tối ưu không gian cho du khách để thể thiền tập, tập yoga, lắng tâm, kết nối với thiên nhiên... Các điểm chuyên về retreat thường sẽ có những hoạt động hướng về chữa lành với các giáo trình riêng, được các điều phối viên, giảng viên có chuyên môn hướng dẫn. Các hoạt động chữa lành thường sẽ có chuông xoay, thiền tập, yoga, nối đất, tương tác thiên nhiên, chuyển động biểu đạt... Hiện, những tỉnh thành có loại hình du lịch chữa lành phát triển với nhiều trung tâm lớn, được các bạn trẻ thường tìm đến có thể kể đến Lâm Đồng, Ninh Bình, Hội An, Đà Nẵng, khu vực Yên Tử...

Anh Trần Nguyễn Vũ Hoàng, điều hành Bản Yên Retreat, một đơn vị chuyên thực hiện các chương trình du lịch chữa lành ở Lâm Đồng chia sẻ: “Trong quá trình hoạt động, tôi nhận ra có một sự chuyển dịch lớn trong cơ cấu khách hàng. Nếu như thời điểm trước dịch, khách hàng tìm đến du lịch chữa lành chủ yếu là lứa tuổi trung niên thì nay, số lượng người trẻ hướng đến loại hình du lịch này ngày càng nhiều. Thậm chí, có những bạn trẻ chỉ mới là sinh viên, nhưng thay vì chọn những điểm “check in”, vui chơi náo nhiệt, các bạn lại chọn cho mình một chuyến đi nhiều tĩnh lặng, bình an. Ngay đến các công ty hiện nay, trong hoạt động team building kết nối nhân viên cũng đã bắt đầu phải nhìn nhận lại cách thức, không còn hướng đến các hoạt động ngoài trời ồn ào, sôi nổi nữa, mà cũng mong muốn xây dựng những chương trình có khả năng giúp các bạn gắn kết sâu hơn, tạo ra những ý nghĩa, giá trị tốt đẹp và bình an hơn”.

Tất nhiên, “chữa lành” cũng đang là một khái niệm gây ra những tranh cãi, khi mà khái niệm này đó đây cũng đang bị lạm dụng. Không ít đơn vị đa cấp dùng đến “cân bằng”, đến “chữa lành” như một phương thức dẫn dụ thành viên lẫn khách hàng. Có không ít khóa học “chữa lành” bán với giá cao, lợi dụng vết thương tâm lý người khác để kiếm tiền, nhưng thực chất người dẫn dắt không có chuyên môn, không đem lại giá trị gì cho người tham gia. Chữa lành, đây đó cũng trở thành “mốt”, thành “tấm áo” thời thượng mà nhiều người khoác lên mình khi tạo ra sản phẩm và tiếp cận đến khách hàng.

Nhưng bất cứ thứ gì trong cuộc sống đều tồn tại song song mảng sáng và mảng tối. Quan trọng là “gạn lọc khơi trong”, là nhìn nhận được chân giá trị và quan trọng hơn nữa là mỗi người tự lựa chọn cho mình một phương pháp phù hợp nhất trên còn đường xoa dịu nỗi niềm riêng, tìm đến với bản thể bình an.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Điện ảnh Việt rất cần những tác phẩm nhân văn

Một cảnh trong phim “Một điều ước”. (Ảnh minh họa. Nguồn: Nhà sản xuất)
(PLVN) - Giữa thị trường điện ảnh rộng lớn, chủ đề ngày một phong phú, những bộ phim điện ảnh mang tinh thần nhân văn, lay động cảm xúc tích cực, mang theo giá trị “chân - thiện - mỹ” vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu, chinh phục trái tim khán giả.