Đương sự yêu cầu thay đổi quan tòa vì cho rằng vị chủ tọa không vô tư, khách quan, gây thiệt cho bị đơn
Chủ tọa không khách quan?!
Theo đại diện bị đơn, trong quá trình tiến hành tố tụng, Thẩm phán TAND quận Thủ Đức, TP.HCM - Tôn Văn Trung ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không buộc người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đóng tiền bảo đảm theo luật định. Sau khi bị bị đơn phát hiện thì tòa chỉ “buộc” nguyên đơn nộp tượng trưng.
Hình minh họa |
Đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo yêu cầu của nguyên đơn, phí bị đơn cũng không tìm thấy trong hồ sơ vụ án; phía nguyên đơn cũng không cung cấp được chứng cứ hợp pháp chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Thậm chí, nguyên đơn còn không chứng minh được họ là những người thừa kế hợp pháp đối với tài sản mà họ đang kiện đòi – đại diện bị đơn trình bày.
Nghe vậy, Hội đồng xét xử hội ý rồi tuyên bố, không chấp nhận yêu cầu thay đổi Chủ tọa phiên tòa và tiếp tục phiên xử. Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM bảo vệ cho bị đơn liền nêu ra một loạt vi phạm tố tụng của vị Chủ tọa nhưng cũng không được xem xét. Đến nước này, đại diện bị đơn nói: Nếu thế, chúng tôi sẽ ngồi tại tòa để nghe, tuyệt nhiên chúng tôi sẽ không trả lời bất cứ một câu hỏi nào. Nghe vậy, vị Chủ tọa tiếp tục vào hội ý và tuyên bố hoãn phiên tòa.
Theo hồ sơ vụ kiện, ngày 25/4/1994, bà Nguyễn Thị Năm lập “hợp đồng mua bán nhà đất”, bán cho ông Trịnh Duy Minh căn nhà và đất tại 66/4 quốc lộ 1A, ấp Bình Chánh 2, xã Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (nay là đường Kha Vạn Cân), TP.HCM với giá 400 chỉ vàng. Ông Minh đưa cho bên bán 111 chỉ; số vàng còn lại, chờ phía bà Năm hoàn tất chủ quyền và giải tỏa xong phần đất bán hiện đang bị lấn chiếm, ông Minh sẽ thanh toán. Trong quá trình mua bán, tất cả 6 người con bà Năm đều đồng ý bán nhà đất và ký tên trên hợp đồng, để sau này bà Năm hoàn tất chủ quyền nhà đất; tuy nhiên, diện tích đất kèm theo nhà đã bán lại không đủ 1.600m2.
Thực tế, ông Minh chỉ nhận được 735m2 đất so với hợp đồng chuyển nhượng là 1.600m2, số diện tích còn còn lại bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm, cho nên phía gia đình bà Năm đã không yêu cầu ông Minh trả nốt số vàng còn thiếu và đã bàn giao thực địa, cùng toàn bộ giấy tờ pháp lý cho ông Minh.
Ông Minh cho biết, từ năm 2000 đến nay, trong quá trình sử dụng nhà đất, kể cả sau khi bà Năm mất (năm 2000), các con bà Năm vẫn công nhận tại nhiều tài liệu về việc mua bán nhà đất giữa bà Năm với ông Minh, không xảy ra tranh chấp.
Hàng loạt vi phạm tố tụng
Tuy nhiên, điều bất ngờ xảy ra là toàn bộ 735m2 đất nhà ông Minh nằm trong quy hoạch dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Theo đó, cuối năm 2010, ông Minh được quận Thủ Đức dự kiến bồi thường gần 3,4 tỷ đồng, lúc này xuất hiện con, cháu bà Năm với tư cách là người thừa kế kiện ông Minh, đòi hủy “hợp đồng mua bán” ký giữa ông Minh và bà Năm, cách đây 18 năm (ngày 25/4/1994). Theo những người này, hợp đồng đó vô hiệu, họ sẽ hoàn trả lại ông Minh số vàng mà bà Năm đã nhận trước đây.
Tại buổi hòa giải ngày 24/3/2011, bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng, tuy phần đất đã mua chưa trả đủ số vàng, nhưng đã tương xứng với phần đất mà ông Minh được nhận. Đồng thời đề nghị nguyên đơn cung cấp tài liệu bằng bản chính hoặc bản photo có công chứng để chứng minh yêu cầu khởi kiện; phía bị đơn đề nghị tòa gạch tên 3 trong số 13 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vì tại thời điểm xác lập giao dịch, những người này ở tuổi vị thành niên, không có đóng góp gì vào giao dịch này. Vụ việc hòa giải không thành nên hai bên kéo nhau ra tòa.
Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Minh Tâm chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng của thẩm phán: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo tên gọi của luật định như, “Đề nghị Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức tạm giữ toàn bộ số tiền đến bù đối với bất động sản trên và chờ kết quả giải quyết bằng một bản án của tòa án”. Mà đáng lẽ ra tòa phải ghi: “Kê biên tài sản đang tranh chấp”; trong quyết định kê biên tòa cũng không nêu cụ thể số tiền tạm giữ gần 3,4 tỷ đồng. Đằng này, số tiền gần 3,4 tỷ đồng không do bị đơn giữ mà đang thuộc quyền quản lý của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức thì lấy đâu ra mà tòa kê biên(?).
Sai phạm này cũng được Chi cục Thi hành Dân sự quận Thủ Đức ra thông báo không thụ lý ban hành về thi hành án đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên với lý do: “Nội dung quyết định không đúng với tên gọi của luật định và không nêu cụ thể số tiền được đền bù là bao nhiêu”.
Luật sư Tâm thẳng thắn nói rằng, Thẩm phán Trung đã không ấn định số tiền buộc nguyên đơn phải nộp để đảm bảo theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Tố tụng Dân sự “Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm”. Bị bị đơn khiếu nại, một năm sau, Thẩm phán Tôn mới ra quyết định buộc thực hiện biện pháp đảm bảo theo quy định của Điểu 120, tuy nhiên chỉ buộc nguyên đơn nộp tượng trưng 100 triệu đồng, so với nghĩa vụ tài sản trong vụ án là gần 3,4 tỷ đồng (chỉ bằng 3% giá trị tài sản tranh chấp)…
Trần Tố