Khi Hội đồng xét xử tuyên hủy 2 quyết định hành chính mà chủ tịch phường Điện Biên (Hà Nội) đã ban hành trái thẩm quyền, sai quy định, chị Phạm Quỳnh Mai đã bật khóc.
Chiếc ô văng đong đầy nước mắt
Năm 1999 ông Phạm Ngọc Nhân được mua căn hộ 400 C2- Tập thể 34A Trần Phú, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội theo Nghị định 61/CP. Căn hộ này trước đây (năm 1984, Bộ Quốc Phòng cấp cho ông Nhân, nguyên là Chánh VP Tổng Thanh tra quân đội). Năm 1995 do chỗ ở chật chội, gia đình ông Nhân xây thêm một gian nhà cấp 4 khoảng 20m2 trên phần diện tích trước sân nhà. Việc xây dựng thêm đã được các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng và Ban quản trị nhà ở khi ấy đồng ý.
Ngày 27/7/1999, ông Phạm Ngọc Nhân đã được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích 61,81m2 của căn hộ 400C2, đồng thời khi đó gia đình ông Nhân cũng nộp thuế cho diện tích 20m2 ngoài sổ đỏ nêu trên (việc nộp thuế cho phần diện tích này tiếp tục được duy trì từ đó cho tới nay).
Tháng 3/2008 tổ dân phố này đã họp để bàn thực hiện Dự án ốp nhà C2. Không đồng tình với phương án hỗ trợ sau khi ốp nhà, ông Phạm Ngọc Nhân có đơn khiếu nại.
Trong lúc gia đình ông Nhân “ôm đơn” gõ cửa các cơ quan chức năng thì UBND phường Điện Biên vẫn cho dự án tiến hành bình thường và “liệt” hộ ông Nhân vào diện “bất hợp tác” để lên phương án cưỡng chế. Ông Lê Văn Định, Chủ tịch UBND phường Điện Biên đã ra hai quyết định hành chính, tiến hành cưỡng chế hộ gia đình ông Phạm Ngọc Nhân vào tháng 9/2009.
Khi ấy vợ chồng ông Phạm Ngọc Nhân đang ốm nặng. Ông Nhân mắc bệnh suy tim và tiểu đường, vợ ông mắc bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối. Để tránh cho cha mẹ cảnh đau lòng khi thấy công sức, mồ hôi nước mắt của mình mấy mươi năm trời bị cưỡng chế, dỡ bỏ, các con của ông bà đã vội vã sơ tán cha mẹ khỏi căn nhà trong tình trạng sức khỏe rất yếu.
Sáng ngày 14/10/2009 phường Điện Biên đã tổ chức cưỡng chế phá dỡ căn nhà cấp 4 của gia đình ông Nhân. Điều đáng nói, không chỉ phá dỡ phần diện tích mà phường cho rằng gia đình ông Nhân xây dựng không phép, UBND phường Điện Biên còn cho đập phá cả phần ô văng cửa ra vào- phần diện tích đã được cấp sổ đỏ- của gia đình ông Nhân.
Trao đổi với phóng viên PLVN, chị Phạm Quỳnh Mai, con gái ông Phạm Ngọc Nhân nghẹn ngào kể lại rằng sau khi sơ tán khỏi nhà thì cuối tháng 12/2009 mẹ chị- bà Mai Quỳnh Lân đã mất. Đến đầu tháng 1/2011 vừa rồi cha chị- ông Phạm Ngọc Nhân cũng đã mất.
“ Cả hai cụ đều ra đi trên tay tôi với một nỗi uất ức là chưa được trả lại công bằng trong vụ việc sai trái của UBND phường Điện Biên. Ngày đưa tang các cụ, chúng tôi cũng không thể đưa các cụ qua nhà để thắp hương và cho các cụ chào từ biệt theo đúng thủ tục tâm linh”, chị Mai nói.
Công lý muộn cho người đã khuất
Ngày 10/10/2009 ông Phạm Ngọc Nhân đã gửi đơn khởi kiện ông Lê Văn Định, Chủ tịch UBND phường Điện Biên ra Toà án quận Ba Đình.
Ngày 17/12/2010, Toà án nhân dân quận Ba Đình đã đưa vụ án ra xét xử. Lúc này hai vợ chồng ông Nhân do lâm trọng bệnh nên đã qua đời, người thừa kế uỷ quyền, nghĩa vụ tố tụng là những người con của ông Nhân.
Tại bản án sơ thẩm, TAND quận Ba Đình đã quyết định bác bỏ những nội dung khiếu kiện của gia đình ông Nhân, công nhận những văn bản hành chính mà UBND phường Điện Biên ban hành là đúng.
Không đồng tình với quyết định của toà, gia đình ông Nhân đã có đơn kháng cáo lên Toà án nhân dân TP. Hà Nội.
Ngày 22/8/2011, TAND thành phố Hà Nội đã đưa vụ kiện ra xét xử phúc thầm. Hội đồng xét xử đã nhận định: Chủ tịch UBND phường Điện Biên đã không xác định đúng hành vi vi phạm hành chính để ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục; Hai quyết định hành chính do Chủ tịch phường Điện Biên ban hành đều không nêu rõ căn cứ cụ thể... và ban hành trái thẩm quyền quy định.
“Thấy rằng các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND phường Điện Biên liên quan đến tháo dỡ công trình xây dựng và cưỡng chế tháo dỡ đối với gia đình ông Phạm Ngọc Nhân là sai... Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại do khi cưỡng chế đã đập vào phần ô văng thuộc quyền sử dụng hợp pháp là sai...”, bản án phúc thẩm nêu.
Hội đồng xét xử đã quyết định huỷ quyết định số 06 ngày 31/8/2009 và quyết định số 09 ngày 16/9/2009 của Chủ tịch UBND phường Điện Biên và buộc UBND phường Điện Biên bồi thường cho ông Phạm Ngọc Nhân số tiến hơn 62 triệu đồng.
Khi Hội đồng xét xử tuyên hủy hai quyết định nói trên, chị Phạm Quỳnh Mai đã bật khóc.
“ Tôi đã rơi nước mắt khi nhớ lại cảnh cha mẹ tôi ra đi trong nỗi đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Lúc ấy tôi đã thề nếu cần sẽ hy sinh cuộc sống riêng của mình để lấy lại danh dự cho cha mẹ. Và phiên tòa phúc thẩm đã đem lại niềm tin cho tôi rằng cuối cùng công lý cũng đã được thực hiện, danh dự của cha mẹ tôi đã được phục hồi, người dân như chúng tôi có thêm niềm tin vào hệ thống pháp luật của nhà nước”, chị Mai bộc bạch.
Anh Phương