Năm 2016, TAND các cấp đã giải quyết 432.441 vụ án các loại trong tổng số 463.152 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 93,4%); số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. So với năm 2015, số vụ án đã thụ lý tăng 36.424 vụ, số giải quyết tăng 33.383 vụ. Các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án về tham nhũng và nhiều vụ án lớn, trọng điểm mà dư luận xã hội quan tâm.
Việc tranh tụng tại phiên tòa được Tòa án chú trọng; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm. Số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành nhiều hơn cùng kỳ năm trước; việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Các Tòa án đã từng bước khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử hoặc chậm gửi bản án quyết định của Tòa án cho đương sự và các cơ quan hữu quan.
Các Tòa án đã giải quyết 14.903/14.987 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đạt 99,4% (so với cùng kỳ năm trước, thụ lý tăng 8.330 vụ việc, giải quyết tăng 8.373 vụ việc). 100% các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án không bị hủy, sửa.
Các Tòa án đã xem xét, giải quyết 1.327 trường hợp đề nghị hoãn, giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại đối với các hồ sơ đã đủ điều kiện, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các địa phương.
Cũng trong năm 2016, TANDTC đã tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, giải quyết các đơn kêu oan có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình theo yêu cầu của Nghị quyết số 69 và 96 của Quốc hội; xác minh và minh oan cho một số trường hợp được xét xử từ nhiều năm trước và dư luận rất quan tâm, như: vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh hay vụ ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TANDTC cũng chỉ rõ những hạn chế: TAND các cấp vẫn chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan; việc tạm đình chỉ vụ án còn nhiều; vẫn còn bản án tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ghi nhận và biểu dương kết quả mà hệ thống Tòa án đã đạt được trong năm 2016. Cơ bản đồng tình với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm ngành Tòa án đề ra, Chủ tịch nước yêu cầu thời gian tới Tòa án các cấp phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, nỗ lực tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ công tác đề ra, nhất là đối với với các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác theo các Nghị quyết của của Quốc hội; chú trọng công tác hoàn thiện thể chế.
Đồng thời tập trung thực hiện tốt chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp; phán quyết của Tòa án đòi hỏi phải chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và lẽ công bằng; đảm bảo quyền con người, quyền công dân; không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm cũng như gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, cùng với việc xét xử nghiêm minh, chỉ ra cái sai, cái vi phạm, phải chỉ ra cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tham nhũng; kiên quyết khởi tố vụ án tại phiên Tòa nếu phát hiện tội phạm mới và người phạm tội mới.
Thông qua mỗi vụ án cụ thể, cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu cho Ðảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu. Đây cũng là trách nhiệm chính trị của Tòa án nhân dân các cấp trước Ðảng, trước nhân dân.
Cũng trong dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Quyết định bổ nhiệm cho 80 Thẩm phán cao cấp.