Phát hiện vi phạm hơn 59,4 nghìn tỷ đồng
Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của ngành Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho biết, năm 2016, toàn ngành đã triển khai 6.586 cuộc thanh tra hành chính và 252.592 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 59,4 nghìn tỷ đồng, 4 nghìn ha đất, đã kiến nghị thu hồi hơn 37,9 nghìn tỷ đồng... Thanh tra các bộ, ngành, địa phương triển khai 6.531 cuộc thanh tra, kết thúc và ban hành kết luận 5.228 cuộc; phát hiện vi phạm số tiền hơn 4,5 nghìn tỷ đồng, 4 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi 690 tỷ đồng.
Toàn ngành cũng đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.388 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 10,5/14,9 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 70,5%. Trong năm, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 363.405 lượt công dân; xử lý 157.426 đơn đủ điều kiện; đã giải quyết 23.397 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86,1%...
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, phần lớn các đại biểu đều đồng tình với dự thảo báo cáo. Qua trao đổi tình hình khiếu kiện tại địa phương mình, nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo nhiều, bức xúc hoặc vượt cấp lên Trung ương, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhà nước đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng qua quá trình thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra phát hiện nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra ít và đề nghị chú trọng khâu phòng ngừa tham nhũng, trong đó biện pháp tối ưu là công khai, minh bạch...
Tham nhũng chưa bị đẩy lùi
Ghi nhận những kết quả ngành Thanh tra đã đạt được trong năm qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương trên các mặt công tác đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại của ngành Thanh tra như việc xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra còn chậm, chưa sát với tình hình thực tế; chất lượng kết luận một số cuộc thanh tra chưa cao, chưa huy động được ý kiến phản biện, góp ý chuyên sâu của các chuyên gia trong lĩnh vực thanh tra; trong giải quyết khiếu nại, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại nên kết quả còn hạn chế; việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa quyết liệt; tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi…
Cơ bản tán thành phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành Thanh tra tổ chức triển khai thực hiện một cách khoa học, linh hoạt và hiệu quả kế hoạch thanh tra năm 2017, bảo đảm theo đúng yêu cầu và nội dung định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung thanh tra chuyên đề một số lĩnh vực. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là tăng cường công tác phát hiện, phối hợp xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, chú trọng vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành Thanh tra; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, Nghị quyết TƯ 4 khóa XI về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng…
Đối với các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố, theo Phó Thủ tướng, cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; kịp thời giải quyết các kiến nghị, tham mưu đề xuất cơ quan thanh tra trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao.