Được biết, Tuy Phước là huyện đồng bằng ở phía Nam tỉnh Bình Định. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 219,9 km2. Đây được xem là cửa ngõ thành phố Quy Nhơn với 16 di tích lịch sử văn hóa cách mạng (có 04 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh).
Hệ thống danh thắng huyện Tuy Phước hết sức phong phú và đa dạng như: khu sinh thái Cồn Chim, Tiểu chủng viện Làng Sông (nơi có nhà máy in chữ Quốc ngữ đầu tiên tại miền Trung), khu du lịch sinh thái Diêm Vân...
Ngoài ra, Tuy Phước còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: Nghệ thuật Tuồng, Bài chòi cổ dân gian, Chèo bả trạo, lễ hội Chợ Gò, lễ hội Chùa Bà... đã được bảo tồn, phát huy.
Toàn cảnh Lễ công nhận huyện Tuy Phước đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. |
Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tuy Phước có điểm xuất phát thấp với thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt 18,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 9,84%; số tiêu chí đạt bình quân đạt 5 tiêu chí/xã...Tuy nhiên đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã đạt mức 45,8 triệu đồng/người/năm (tăng 27,0 triệu đồng/người/năm so với năm 2011) đồng thời tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm xuống còn 1,92% (giảm 7,92% so với năm 2011).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục có những chuyển biến vượt bậc theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ; giảm dần tỷ trong nông lâm thủy sản (cụ thể: năm 2011: GTSX nông lâm thủy sản chiếm 38,6%; Công nghiệp xây dựng chiếm 43,9%; thương mại dịch vụ chiếm17,5%; đến năm 2020: GTSX nông lâm thủy sản chiếm 28,5%; Công nghiệp xây dựng chiếm 50,0%; thương mại dịch vụ chiếm 21,5%).
Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, UBND huyện còn ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới, như: Hỗ trợ 50% ngân sách huyện đầu tư nâng cấp các sân vận động xã, đầu tư nâng cấp các chợ; hỗ trợ 100 triệu đồng/km bê tông xi măng giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương nội đồng; hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hóa thôn 100 triệu đồng/cái, hệ thống điện chiếu sáng trung tâm xã và một số tuyến đường trọng điểm,…đã góp phần sớm hoàn thiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại…tại các xã xây dựng nông thôn mới của huyện.
Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011 - 2020 5.252.220 triệu đồng trong đó: Vốn trực tiếp và vốn lồng ghép từ các dự án để thực hiện chương trình là: 3.492.000 triệu đồng, chiếm 66,49%, vốn tín dụng (bao gồm tín dụng ưu đãi và tín dụng thương mại): 1.760.170 triệu đồng, chiếm 33,51%. Đặc biệt Trên địa bàn huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án thuộc chương trình nông thôn mới đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Kết quả đến tháng 10/2020, toàn huyện có 11/11 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 14 HTX nông nghiệp ngoài làm các dịch vụ như: thủy lợi, vật tư nông nghiệp, liên kết sản xuất lúa giống, làm đất, cuốn rơm, còn vươn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác như: Dịch vụ xăng dầu, điện, tín dụng nội bộ… hàng năm đã giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động; doanh thu bình quân 7,2 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã là 3,0 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân Hợp tác xã nông nghiệp là 4,2 triệu đồng/tháng.
Đến thời điểm hiện tại, huyện Tuy Phước đã chính thức đạt 09 tiêu chí đánh giá về xây dựng nông thôn mới cấp huyện theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ).
Qua đây, đại diện huyện Tuy Phước cũng cho chia sẻ: Những kết quả đạt được trong quá trình 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện có một phần công rất lớn đến từ sự quan tâm của các cấp, các ngành của Trung ương và của tỉnh. Đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân, huyện Tuy Phước đã khơi dậy tinh thần yêu nước, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư nông thôn, phát huy sức mạnh đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Sở, ban, ngành Trung ương và địa phương. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là việc cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập cho nông dân. Việc giảm mạnh số hộ nghèo, đạt mức thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/người/năm là một tín hiệu đáng vui mừng đối với chính quyền, nhân dân huyện Tuy Phước nói riêng và toàn tỉnh Bình Định nói chung.
Qua đây, Chủ tịch nước cũng hi vọng địa phương tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần, văn hóa của người dân, nhất là những nét truyền thống của văn hóa Việt. Đồng thời, hướng đến hiện đại hóa hơn nữa về khoa học công nghệ; ngày càng có nhiều sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho các thành phố lớn. Xây dựng nông thôn mới phải gắn với giữ vững an ninh nông thôn, đảm bảo an toàn cho người dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ |
Đặc biệt, Chủ tịch nước cũng lưu ý, Tuy Phước phải coi trọng hơn nữa việc củng cố hệ thống chính trị theo hướng sát dân, sát cơ sở, “lo cho dân, đi sát phong trào của nhân dân, chia sẻ khó khăn với nhân dân. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; đi đầu trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực trên địa bàn.”, không được “thỏa mãn non, tránh bệnh thành tích,” nỗ lực hoạt động hiệu quả hơn nữa trong triển khai nhiệm vụ này.
“Tuy Phước phải trở thành một huyện nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao của Việt Nam,” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có thể nhận thấy diện mạo nông thôn mới Bình Định đang dần thay đổi mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng văn minh, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao.
Địa phương đón nhận đạt chuẩn nông thôn mới. |
Đến nay, tỉnh Bình Định đã có 84/113 xã được công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 74,3%; có 08 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 04/11 đơn vị cấp huyện (huyện Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện Phù Cát đang hoàn thành các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX xác định đến năm 2025 - năm kết thúc nhiệm kỳ, Bình Định có trên 85% tổng số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này đòi hỏi rất lớn từ sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân tỉnh Bình Định.