Ban hành Quyết định và tổ chức cưỡng chế giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn bị người dân khởi kiện. Bản án phúc thẩm mới đây cho thấy, người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện này không chỉ ban hành Quyết định sai về nội dung lẫn hình thức mà còn có nhiều vi phạm trong quá trình cưỡng chế…
Ra quyết định trái pháp luật
Cho rằng hộ bà Vũ Thị Tuyết cố tình không bàn giao đất bị thu hồi để làm dự án “xây dựng Khu biệt thự nhà vườn của Cty TNHH Xuân Cầu” (Cty Xuân Cầu) tại xóm Nhòn, xã Tiến Xuân nên ngày 22/8/2007, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ- UB “thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính giải phóng mặt bằng đối với hộ bà Tuyết”. 8 ngày sau, UBND huyện Lương Sơn tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định nói trên.
Vốn có nhiều nghi vấn liên quan đến việc triển khai dự án và mốc giới thu hồi đất nên bà Tuyết khởi kiện vụ án hành chính đối với Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn. Tuy nhiên, cũng phải đợi hơn 4 năm sau, vào cuối tháng 3 vừa qua thì vụ kiện mới đi đến hồi kết khi TAND tỉnh Hoà Bình ra Bản án phúc thẩm, tuyên hủy Quyết định bị kiện. Tranh chấp về thiệt hại từ vụ cưỡng chế sai này sẽ được giải quyết trong một vụ kiện khác.
Sai sót đầu tiên được Bản án phúc thẩm đề cập là việc Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định 1124 “căn cứ Nghị định 197/2004/NĐ-CP” khi Nghị định này đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi Nghị định 84/2007/NĐ- CP. Điều 60 của Nghị định mới đã quy định rất cụ thể các công việc mà chính quyền phải thực hiện sau khi có Quyết định thu hồi đất và trước khi ra Quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, UBND huyện Lương Sơn đã không thực hiện đầy đủ các công việc này. Đã vậy, cơ quan này còn vội vàng tổ chức lực lượng xuống lấy đất chỉ sau 8 ngày kể từ ban hành Quyết định (theo quy định thì thời gian này phải trên 15 ngày).
Thu hồi đất có vấn đề
Ngoài ra, Quyết định cưỡng chế số 1142 còn không căn cứ vào Quyết định thu hồi đất cụ thể đối với hộ bà Tuyết - một văn bản rất quan trọng để khẳng định người có tên trong Quyết định cưỡng chế đã bị thu hồi đất. Không hiểu lực lượng cưỡng chế dựa vào đâu để xác định chính xác vị trí thửa đất và diện tích cần cưỡng chế? Chính điều này càng gây nghi ngờ cho bà Tuyết:“Ban đầu gia đình tôi không có tên trong danh sách các hộ bị thu hồi đất. Nhưng sau này, ai đó đã cố tình đưa tôi vào danh sách bị thu hồi đất rồi ban hành Quyết định thu hồi đất số 1123 ngày 14/12/2006”.
Tuy nghi vấn trên của bà Tuyết chưa được làm rõ nhưng bước đầu, HĐXX xác định: Trước đây, UBND huyện Lương Sơn ban hành 2 Quyết định thu hồi đất số 881 và 882 đều không có tên bà Tuyết trong danh sách thu hồi đất. Ngày 14/12/2006, UBND huyện Lương Sơn lại ra Quyết định thu hồi đất số 1123/QĐ- UBND thay thế 2 Quyết định đang thực hiện. Quyết định thu hồi đất mới này có tên bà Tuyết nhưng UBND huyện lại không công khai, không gửi cho bà Tuyết (8 tháng sau, bà Tuyết mới nhận được bản phô tô Quyết định này qua đường bưu điện). Không những vậy, văn bản này còn ghi sai cả số thửa, số bản đồ so với thửa đất mà bà Tuyết bị cưỡng chế thu hồi.
Luật sư của bà Tuyết cho rằng, nếu cứ căn cứ vào số thửa, số bản đồ trong Quyết định thu hồi đất thì người bị mất đất và người bị cưỡng chế là một người khác chứ không phải hộ bà Tuyết.
Từ những căn cứ trên, HĐXX phúc thẩm cho rằng, việc Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với bà Tuyết là sai cả về hình thức, nội dung và quá trình thực hiện. Yêu cầu hủy Quyết định này của bà Tuyết được chấp nhận.
Chưa biết phán quyết của tòa cấp phúc thẩm sẽ được bên thua kiện thực hiện ra sao? Nhưng qua bản án, có thể thấy vụ việc thu hồi đất trên đã có quá nhiều uẩn khúc. Được biết, ngoài vụ kiện của bà Tuyết, UBND huyện Lương Sơn đang phải đối mặt với rất nhiều vụ kiện tương tự, sắp được đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Lương Sơn.
Sau phiên toà, bà Tuyết cho hay, “với phán quyết này, UBND huyện Lương Sơn sẽ phải tiến hành lại qúa trình lấy đất của gia đình tội. Khi đó, cơ quan này buộc phải làm rõ những sai sót trong Quyết định thu hồi đất và xác định chính xác mốc giới dự án xem thửa đất của gia đình tôi có nằm ngoài chỉ giới thu hồi hay không” |
Khoa Lâm