Vì sao mắc bệnh?
- Xin ông cho biết chứng bệnh sỏi mật có thường gặp ở nước ta?
Ở nước ta bệnh sỏi mật khá phổ biến, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, tần suất mắc sỏi mật chung trong người dân là từ 5-25%. Tỷ lệ này thay đổi tùy vùng miền, tập quán phong tục.
Bệnh sỏi mật có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt gây viêm túi mật hoại tử dẫn đến tử vong, gây chảy máu đường mật. Nguy hiểm nữa là những biến chứng gây tắc mật ở đường mật chủ gây nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiều trường hợp phải mổ cấp cứu. Đến nay chưa có thống kê toàn diện trên cả nước nhưng đánh giá chung là tỉ lệ tử vong do sỏi mật thấp hơn rất nhiều so với thời gian trước.
- Có mối liên hệ giữa ung thư đường mật và bệnh sỏi mật không, thưa TS?
Sỏi mật là trong lòng ống mật có những viên sỏi nhỏ, to, hay bùn mật ở vị trí trong gan hoặc ngoài gan, ở túi mật. Mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh cụ thể nhưng người ta nhận thấy những người có sỏi mật thì nguy cơ bị ung thư đường mật cao hơn người bình thường.
- Nguyên nhân chính gây sỏi mật là gì, thưa ông?
Trước đây người ta ghi nhận thành phần chính của sỏi mật có cả giun, sán, trứng giun. Tức là ngày trước tỉ lệ người dân bị giun, sán cao, khi giun sán chui lên túi mật chết tại đây gây ứ tụ lâu ngày hình thành sỏi. Tuy nhiên ngày nay nguyên nhân bệnh giun, sán rất thấp. Thay vào đó, sỏi mật ở nước ta thường do sự rối loạn chuyển hóa các cholesteron; Sắc tố mật (hay còn gọi là bilirubin trực tiếp, bilirubin kết hợp) và muối mật (gồm hai loại muối Kali hoặc Natri) gây nên sỏi.
Có thể hiểu đơn giản rằng khi quá trình vận chuyển mật, chuyển hóa các chất trong đường mật bị ứ tắc lâu ngày sẽ hình thành sỏi. Ngoài ra chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều chất béo có thể dẫn tới nguy cơ bị sỏi mật nhưng tỉ lệ thấp.
- Ông cho biết những đối tượng nào dễ bị sỏi mật?
Nhìn chung tất cả mọi người trong các lứa tuổi, sắc tộc nào đều có thể bị sỏi mật. Các thống kê cho thấy nữ giới bị sỏi mật nhiều hơn nam giới. Ngoài ra phụ nữ mang thai, người béo phì, người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ sỏi mật cao hơn. Đặc biệt người trưởng thành chiếm tỷ lệ 10-15% bị sỏi mật là vấn đề đáng quan tâm.
Triệu chứng thông thường
- TS có thể nêu một vài triệu chứng thông thường của bệnh sỏi mật để người dân chủ động nhận biết?
Có hai loại sỏi mật là sỏi di chuyển và sỏi nằm yên một chỗ. Chỉ loại sỏi di chuyển gây cọ xát vào niêm mạc đường mật mới gây ra một số triệu chứng thường thấy như: Đau kéo dài ở vùng bụng sát hạ sườn bên phải; có thể bị sốt nhiệt độ gia động từ 38 - 39 độ C. Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể sốt đến 40 độ C và các triệu chứng vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng.
Tùy thuộc vào vị trí có sỏi mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau như: Sỏi đường mật trong gan sẽ xuất hiện cơn đau bụng gan, đau vùng hạ sườn phải lan ra vai phải hoặc xương bả vai. Đôi khi xuất hiện đau cả vùng thượng vị (trên rốn) khiến bệnh nhân lầm tưởng đau dạ dày.
Nếu sỏi ống mật chủ thông thường có 3 triệu chứng rất điển hình tuần tự xuất hiện: Đau bụng, đau dữ dội ở hạ sườn phải lan ra lưng, bả vai và cả thượng vị. Sau đó thường nổi sốt. Tiếp đến là vàng da, vàng mắt, phân bạc màu (có khi phân trắng như phân cò). Còn nếu sỏi ở ngã ba đường dẫn mật thường gây nên cơn đau bụng dữ dội và cũng có thể gây tắc mật làm vàng da, vàng mắt, phân bạc màu. Nếu sỏi túi mật và cổ túi mật bệnh nhân thường đau bụng dữ dội vùng dưới sườn phải.
- Thế loại sỏi nằm yên một chỗ có nguy hiểm không?
Sỏi nằm yên một chỗ như tôi đã nói ở trên còn gọi là sỏi lành tính, không gây nguy hiểm cho cơ thể. Mọi người nên hiểu rằng sỏi nguy hiểm hay không căn cứ vào việc viên sỏi đứng yên hoặc di chuyển. Còn kích thước sỏi không gây nguy hiểm. Có những người mang trong túi mật viên sỏi 2-3cm nhưng nó nằm một chỗ thì không vấn đề gì cả.
Ngược lại nhiều bệnh nhân có sỏi chỉ 1/2cm nhưng nó di chuyển gây viêm nhiễm phải phẫu thuật ngay.
Những bệnh nhân viêm đường mật, viêm túi mật, một số bệnh ký sinh trùng, nhiễm vi rút kéo dài gây rối loạn thành phần mật và bài tiết mật dễ hình thành sỏi lành tính và thông thường được phát hiện qua thăm khám bằng phương pháp siêu âm.
Phương pháp điều trị
- Như vậy có nghĩa không phải cứ phát hiện sỏi mật là can thiệp trị liệu, thưa ông?
Đúng vậy, vấn đề này tôi đã nêu ra nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành. Bởi thực tế không ít bác sĩ cứ phát hiện bệnh nhân có sỏi mật là chỉ định điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa. Và không ít trường hợp bệnh nhân bị cắt bỏ túi mật trong khi sỏi của họ lành tính, chưa gây ra bất kì mối nguy hiểm nào.
Việc cắt bỏ túi mật không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm thể lực cơ thể, tốn kém chi phí và có thể gặp biến chứng. Tóm lại với sỏi mật lành tính thì không cần điều trị gì cả.
- TS cho biết các phương pháp điều trị sỏi mật hiện nay?
Có hai phương pháp điều trị gồm nội khoa và điều trị ngoại khoa. Áp dụng điều trị nội khoa khi không có chỉ định ngoại khoa: Thường dùng các thuốc lợi mật, có thể dùng thuốc bào mòn sỏi, các thuốc giảm co thắt. Trường hợp nhiễm trùng phải sử dụng kháng sinh. Còn điều trị ngoại khoa trong những trường hợp sỏi mật gây biến chứng: Cụ thể là cắt túi mật bằng nội soi hoặc trường hợp có sỏi đường mật phải tiến hành nội soi ngược dòng để lấy sỏi hoặc tán sỏi.
- Câu hỏi cuối, TS có lời khuyên nào để người dân phòng tránh sỏi mật?
Trước tiên cần chăm sóc gan mật khỏe mạnh như tăng cường thực phẩm bổ gan, uống thuốc nhuận mật tránh tình trạng ứ mật. Những người mắc bệnh mạn tính về gan mật cần điều trị dứt điểm như viêm gan vi rút hay rối loạn chức năng gan gặp rất nhiều.
Về chế độ dinh dưỡng, việc bổ sung vitamin C (chẳng hạn như uống nước cam, nước chanh…) có tác dụng nhuận đường mật. Ngoài ra mọi người có thể uống bổ sung các loại thuốc bổ mật, thuốc hỗ trợ chuyển hóa các chất trong cơ thể, uống trà atiso, nước nhân trần. Bệnh nhân bị sỏi mật cần kiêng ăn mỡ, nhất là các loại thịt mỡ động vật như bò, gà, lợn.
Quan trọng không kém đó là kiểm soát cân nặng chống thừa cân béo phì, tránh ăn chế độ giàu calo, định kỳ sáu tháng tẩy giun một lần và thực hiện ăn chín uống sôi để tránh nhiễm giun, sán.
Ngoài phương pháp phẫu thuật nội soi, còn rất nhiều cách khác để điều trị sỏi mật:
Đối với sỏi túi mật: Dùng thuốc giúp tan sỏi, áp dụng tốt nhất với sỏi dưới 5mm, thời gian dùng kéo dài 6-24 tháng. Khả năng thành công 40-70%. Lưu ý phụ nữ tránh có thai trong khi dùng thuốc.
Ngoài ra có thể tán sỏi bằng sóng, làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất. Cắt túi mật qua nội soi (áp dụng với trường hợp sỏi lớn, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật), đây là phương pháp được dùng phổ biến hiện nay, rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe nhanh. Trong trường hợp mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật thì cắt túi mật bằng mổ phanh.
Đối với sỏi trong gan và ống mật chủ:
Lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi: Áp dụng với sỏi ở ống mật chủ sỏi nhỏ dưới 1,5 cm, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật. Cách khác nữa là tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng hoặc phẫu thuật để lấy sỏi.