Liên quan đến sự đổ bộ mạnh mẽ của hàng hóa Thái Lan vào thị trường Việt, PV đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó giám đốc Sở thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội.
PV: Theo Tổng cục Hải Quan năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương của Việt Nam – Thái Lan đạt hơn 9 tỉ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu hàng hóa Thái Lan tới 6,31 tỉ USD. Ông có nhận xét gì về con số này và theo ông vì sao người Việt ngày càng chuộng tiêu dùng hàng Thái Lan?
Ông Vũ Vinh Phú: Nhìn vào con số này ai cũng thấy rõ ràng Việt Nam là nước nhập siêu. Trong đó Việt Nam nhập khẩu rất nhiều thứ từ Thái Lan, chủ yếu ở các ngành hàng gia dụng, điện tử, ô tô, hàng tiêu dùng… Còn về việc tại sao người Việt thích dùng đồ Thái Lan, tôi cho rằng sở thích này có từ chục năm nay rồi. Người Việt lúc nào cũng mặc niệm trong đầu hàng Thái Lan tốt, bền.
Tuy nhiên, theo tôi đánh giá sở dĩ hàng Thái Lan chiếm được thị phần ở Việt Nam nói chung và lấy được lòng tin của người tiêu dùng Việt là dựa trên 3 yếu tố chính: giá vừa phải, chất lượng tốt, tiếp thị hiệu quả. Người Thái Lan họ tổ chức được hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm ở Hà Nội thu hút hàng nghìn người dân tới mua sắm nhưng Việt Nam đâu có tổ chức được cái hội chợ nào ở Băng Cốc đâu.
Tôi nói thế để thấy được những thế mạnh vượt trội của hàng Thái Lan để thấy được những yếu kém của hàng Việt. Còn với chính tôi hàng tốt, đẹp giá rẻ thì tôi dùng thôi, tôi cũng đang có mấy cái tủ để giày, tủ quần áo toàn hàng Thái Lan!
PV: Các doanh nghiệp Thái Lan luôn có những cách rất khôn ngoan để xâm nhập, tấn công vào thị trường Việt Nam. Ông nghĩ như thế nào về việc đẩy mạnh sự "chiếm lĩnh" có chiến lược này?
Ông Vũ Vinh Phú: Hàng Thái Lan năm nào cũng tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm ở Hà Nội và một số các tỉnh thực ra cái chính là họ thăm dò thị trường để mở rộng đầu tư, khi đến độ chín thì tiến hành đặt các điểm bán lẻ. Mục tiêu cao nhất mà các doanh nghiệp Thái Lan hướng tới đó là mở hàng loạt siêu thị, chuỗi siêu thị, bách hóa lớn…trên cả nước nhằm kiếm tiền từ nước ta.
Tất cả là chiến lược của cả một bộ máy đồng hành từ nhà nước, chính phủ đến doanh nghiệp chứ họ không hoạt động riêng lẻ. Hiện mức thuế xuất khẩu ở Thái Lan rất thấp và hầu như bằng 0. Họ phát triển một cách rất bài bản, có chiến lược từng bước, từng bước một với sự hỗ trợ lớn từ chính phủ. Nhắc đến hàng Thái Lan, hàng Hàn Quốc người tiêu dùng nghĩ ngay nó ở một đẳng cấp khác so với hàng Việt.
Nói ngay đến hai cái khăn mặt một chiếc của Việt Nam, một của Thái Lan thì thử hỏi hai mặt hàng này có thể cạnh tranh nhau được về giá hay mẫu mã không? Phải nói rằng chiến lược quảng bá hàng hóa, chính sách hỗ trợ về giá cả cho các đại lí bán buôn bán lẻ, đa dạng hóa các kênh phân phối của Thái Lan là vô cùng tốt. Nói tóm lại, các doanh nghiệp Thái họ ở một cái tầm khác mà các doanh nghiệp Việt cần phải phấn đấu mới theo kịp.
PV: Ông nghĩ như thế nào về tham vọng thay thế hàng Trung Quốc tại Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan trong những năm tới?
Ông Vũ Vinh Phú: Sở dĩ người Việt mình mê hàng Trung Quốc dù biết nó độc hại, kém chất lượng là vì dân mình còn nghèo. Hàng Trung Quốc vẫn chiếm thị phần lớn là bởi giá rẻ, phù hợp với túi tiền của dân nghèo. So với hàng Thái Lan, hàng Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế hơn nhiều, năm 2013 giá trị nhập khẩu hàng Trung Quốc đạt 37 tỉ USD lớn hơn rất nhiều so với 6,32 tỉ USD. Tuy nhiên, mức sống người dân ngày càng được nâng lên, hàng Thái Lan không ngừng cải cách về giá cả, mẫu mã, chất lượng rất có thể trong vài năm tới, đông đảo bộ phận dân nghèo dùng hàng Trung Quốc sẽ chuyển sang dùng hàng Thái Lan.
PV: Vậy đứng trước sự tấn công từ nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc,…các doanh nghiệp Việt cần phải làm gì để nâng cao tính cạnh tranh? Những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải?
Ông Vũ Vinh Phú: Các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu 432 các loại thuế phí, người nông dân chịu hơn 90 loại phí, lãi xuất ở Việt Nam cao gấp 3 – 4 lần nước ngoài, chi phí bôi trơn, chi phí vận chuyển đắt gấp rưỡi các nước trong khu vực, hải quan gây khó khăn, tham nhũng lớn….hỏi thế làm sao mà phát triển được chứ đừng nói đến cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Tóm lại là chúng ta tự hại chúng ta thôi, chính chúng ta làm khó chúng ta chứ không ai khác. Hàng Việt cũng còn nhiều hạn chế lắm, ví như ngành dệt may đến 80 % nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc, đặc biệt tôi thấy căn bệnh nan y của doanh nghiệp Việt là rất chậm chạp trong việc cải tiến mẫu mã.
Để nâng cao tính cạnh tranh, thiết nghĩ bây giờ các doanh nghiệp Việt cần phải khẩn trương nắm bắt tình hình đừng đế họ tràn đến sân, ứ đến vai rồi thì coi như chết. Điều mấu chốt các doanh nghiệp cần phải làm ngay là cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, thiết thập kênh phân phối bán hàng và tiến hành quảng bá sâu rộng giành lấy lòng tin của người tiêu dùng.
Xin cám ơn ông!