Trên địa bàn TP. Hà Nội có hàng loạt chợ dân sinh được xây dựng lại theo mô hình chợ - Trung tâm thương mại, kết hợp cả siêu thị, văn phòng... Nhưng nhiều khu chợ hiện đại, được đầu tư với kinh phí lớn đang rơi vào tình trạng ế ẩm.
Chợ cửa Nam quy mô hoành tráng, nhưng lượng khách đìu hiu |
Những “chùa bà Đanh”
Đến chợ Cửa Nam, khách thực sự bất ngờ, vì dù có biển ghi là chợ nhưng hầu như không có một tiểu thương nào ngồi bán hàng. Cũng không có cảnh mua bán náo nhiệt như ở những khu chợ khác, càng không có chuyện mặc cả của người bán và người mua.
Một số quầy hàng bán đồ niêm yết giá theo kiểu siêu thị mới chuyển từ phố khác đến đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Một số người dân trong khu vực cho rằng, chợ Cửa Nam tuy được gọi là chợ nhưng chỗ mua, bán hàng không thuận tiện. Khách đến chợ phải mang xe xuống gửi tầng hầm rồi lại đi bộ ngược lên chỉ để mua mớ rau nên theo nhiều người “mua ngay ven đường rồi về nhà tiện hơn”.
Nhiều người cho rằng, chợ Cửa Nam đã xây lên khang trang sạch sẽ, nhưng họ không có nguyện vọng quay lại để thuê chỗ kinh doanh vì chợ bất tiện cho khách hàng, nên bán hàng sẽ chậm. Nhiều tiểu thương trót mua quầy tại đây đã bán chỗ ngồi để đi thuê cửa hàng khác làm chỗ kinh doanh. Trái ngược hẳn với chợ Cửa Nam, những chợ cóc ở đường Trần Quý Cáp, Lương Ngọc Quyến… cạnh đó lại rất nhộn nhịp người mua.
Chợ Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cũng không còn cảnh tấp nập sau khi xóa bỏ chợ cũ. Với 3 tầng khang trang sạch sẽ, lại nằm sát mặt đường Nguyễn Trãi luôn nhộn nhịp người qua lại nhưng chợ này rất vắng khách.
Chợ Thượng Đình được xây dựng với kinh phí khoảng 7 tỉ đồng song từ khi đưa vào sử dụng (năm 2003) đến nay chợ ngày càng vắng dần các hộ kinh doanh. Chợ có hàng trăm kiôt nhưng hiện chỉ lèo tèo vài chục sạp hàng được bày bán. Khu tầng 2 của chợ hiện bị bỏ hoang, một vài kiôt được trưng dụng làm kho chứa đồ cũ. Nhiều tiểu thương rất ngán ngẩm với cảnh buôn bán ế ẩm nhưng vẫn phải cố bám chợ vì đã trót đóng tiền mua sạp.
Một tiểu thương kinh doanh hàng quần áo tại đây cho biết: "Đường vào chợ không thuận tiện, lại mất tiền gửi xe. Tôi tiếc thời chưa xây dựng chợ, tấp nập cả ngày". Còn đa số người dân cho biết, chợ đìu hiu do lối ra vào chợ không thuận tiện. Người dân muốn vào chợ phải đi vòng một đoạn xa. Tại quận Thanh Xuân còn có ba chợ mới được đầu tư xây dựng nhưng đều vắng khách là chợ Thanh Xuân Bắc, Kim Giang, Khương Đình.
Trung tâm thương mại (TTTM) Ô Chợ Dừa (OCD) là mô hình chợ - TTTM đang khá phổ biến tại Hà Nội với hai phần. Phần chợ dành cho các tiểu thương cũ được bố trí ở tầng hầm. Từ tầng 2 là TTTM bao gồm các ki ốt bán hàng, gọn gàng, ngăn nắp...
TTTM OCD được xây dựng trên nền chợ Ô Chợ Dừa cũ, lại có vị trí rất đẹp: Tọa lạc ngay tại ngã 5 Ô Chợ Dừa, trung tâm quận Đống Đa,vậy mà đã mấy năm được đưa vào sử dụng, TTTM OCD lại không khí buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của những “ngày xưa ấy”. Thay vào đó là không khí ảm đạm, nhiều kiot đóng cửa hoặc treo biển cho thuê lại. Một số hộ kinh doanh rau, thịt, bún... nhanh trí, “nhoi” lên vỉa hè, ngồi ngay trước TTTM kinh doanh, hình thành chợ cóc nho nhỏ. Nơi đây hiện biến thành chỗ kinh doanh karaoke.
Dự án TTTM Hàng Da có quy mô 5 tầng và 2 tầng hầm được xây trên khu đất 3.700m2, nằm trong trung tâm Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm, tổng diện tích sàn cho thuê kinh doanh bán lẻ là 8.349m2. Khi TTTM Hàng Da đi vào hoạt động cuối năm 2010, những hộ dân buôn bán tại đây tưởng sẽ được đổi đời với các quầy hàng đẹp đẽ sang trọng. Nhưng đến đây, mới thấy chợ vắng, hàng ế và nỗi lo lắng của nhiều người.
Đâu là nguyên nhân?
Có nhiều nguyên nhân khiến các TTTM ế ẩm, các chợ hiện đại được xây mới đều vắng khách. Đa số người dân đều cho rằng, họ thích mua hàng ở các chợ cóc, chợ tạm, tiện đường đi làm về hoặc chỉ cần đi bộ từ nhà mấy chục mét là có thể mua được đồ về dùng, giá cả lại phải chăng.
Ở các TTTM tuy nhiều nơi cũng có đầy đủ mặt hàng, nhưng giá cả lại đắt hơn, đường đi xa hoặc không thuận tiện, người dân có tâm lý ngại vào. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, những chợ mới xây dựng vắng khách là do thiết kế không phù hợp, thiếu quy hoạch, các TTTM lại san sát nhau. Dù được xây dựng hiện đại nhưng nhiều TTTM thiếu không gian, không thoáng đãng, bãi để xe bất tiện, đó là chưa kể nhiều nơi còn thu cả tiền gửi xe của khách.
TTTM Hàng Da |
Ông Phú cũng cho rằng, việc để các nhà đầu tư nâng giá cho thuê quầy hàng quá cao như hiện nay sẽ không thu hút được người bán hàng. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước nên có một khung giá nhất định để khống chế giá cho thuê, thêm nữa, cần có những chính sách khuyến khích phù hợp như: Kéo dài thời gian trả tiền, có thể trả dần trong 10 năm, 20 năm… có như thế, người thu nhập thấp mới có điều kiện thuê được quầy trong chợ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, các TTTM hiện nay không có lỗi bởi đây là mô hình phát triển tất yếu trong tương lai. Điều có vấn đề ở đây chính là do cách điều hành, vận hành, bố trí chưa khoa học và chưa tính đến thói quen mua sắm tiện đủ đường của người dân.
Còn ông Lưu Tiến Long - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội lại có cách lý giải khác: Người dân cũng như các hộ kinh doanh chưa kịp thích nghi với chợ mới. Sau này khi đã quen, chợ mới theo kiểu TTTM sẽ phát huy hiệu quả hơn chợ cũ.
Nói gì thì nói, cũng phải nhìn nhận, đánh giá việc quy hoạch, đầu tư phát triển TTTM còn quá nhiều bất cập. Đó là chưa khảo sát tâm lý người dân, bố trí sai địa điểm, còn tồn tại một số nhóm lợi ích, nên TTTM cứ xây ồ ạt và cứ tiếp tục ế ẩm. Trong khi đó chợ cóc, chợ tạm, các khu chợ lụp xụp vẫn hoạt động sôi nổi. Làm sao để phát triển đồng bộ, các TTTM vẫn phát huy hiệu quả, đời sống, sinh hoạt của người dân được đảm bảo là một bài toán khó không thể giải và rất cần sự tính toán kỹ lưỡng của các cơ quan chức năng.
Sơn Bình