Tình muộn
Đó là chuyện tình của ông Nguyễn Duy Hải (SN 1955) và bà Hà Túy Nga (SN 1965, ngụ nhà trọ số 415 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM). Gần 3 năm qua, dù chưa chính thức thành vợ chồng nhưng bà Nga vẫn ngày ngày chăm sóc ông Hải liệt nửa người, không đi lại được.
Trong căn phòng chưa đầy 10m2, thấy khách, ông Hải ú ớ thay cho lời chào. Căn phòng nhỏ đồ đạc lỉnh kỉnh, chỉ còn một khoảng nhỏ để khách ngồi và là nơi bà Nga ngả lưng mỗi tối. Trên chiếc ghế bố cũ mèm, ông Hải gầy ốm, thân thể chỉ còn cánh tay trái là cựa quậy được.
Thay lời bà Nga: “Chúng tôi gặp nhau ở tuổi xế chiều, khi đó là đồng nghiệp chung một công ty may. Tôi là quản lý bộ phận kiểm định chất lượng, còn ông Hải làm IT (sửa chữa, cài đặt máy tính)”.
Mấy lần máy tính hư, bà Nga nhờ ông Hải sửa giúp. “Chúng tôi bắt đầu quen nhau từ năm 2011, lúc đầu tôi và ông ấy xem nhau như bạn bè, đồng nghiệp. Đôi lần đến nhà chơi, thấy ông Hải lớn tuổi nhưng chưa có vợ con, tôi tò mò tìm hiểu”, bà Nga nói.
Ông Hải trước đây đã có vợ và 9 đứa con. Nhưng vợ chồng chia tay nhau. Từ ngày quen nhau, bà Nga chưa thấy vợ hay những đứa con của ông đến thăm. Ông Hải cũng có nhà cửa nhưng khi li dị vợ, đã bán đi. Một mình vợ ông Hải nuôi 9 đứa con, có đứa út bị bệnh xương thủy tinh nên ông Hải cho rằng không lấy đồng nào. Có nghề sửa chữa máy tính, ông Hải tự đi làm nuôi thân.
Còn bà Nga ở tuổi sắp 50 nhưng vẫn chưa một lần làm vợ. Bà Nga nói: “Tôi chưa muốn lấy chồng. Ấy vậy mà duyên trời định, tôi gặp ông Hải. Rồi không hiểu lúc nào, tôi đem lòng yêu ông Hải”.
Bà Nga bảo không hiểu tại sao mình bị “lừa đảo” để rồi yêu ông Hải. Nghe bà Nga nói thế, ông Hải cười. Có lẽ ông “lừa” còn bà cố tình “bị lừa” nên giờ nhắc lại, cả hai cùng cười. “Lừa” để về chung một nhà, để thành vợ thành chồng, chứ cả hai không tài sản, không tiền, không nhà cửa.
“Quen nhau từ năm 2011 đến cuối năm 2013, khi tôi có ý định chia tay thì ông Hải hỏi cưới. Lúc đó, tôi không biết phải nói gì hơn ngoài cái gật đầu đồng ý. Cả hai đều không có tiền, tôi làm quản lý, lương khá hơn nhưng để đám cưới cần phải có số tiền lớn. Hai người bắt đầu lên kế hoạch để dành tiền chuẩn bị cho đám cưới vào cuối năm”, bà Nga kể.
Đám cưới dự tính chưa đến ngày thì ông Hải ngã bệnh. Cái ngày mà bà Nga nhớ như in là 10/7/2014, ông Hải đi làm về, nghe một người bạn nói cái máy tính giở chứng hỏng, nhờ sang xem giúp. Ông Hải ghé sang sửa chữa. Rồi cơn đau ập đến, ông cảm thấy choáng váng đầu óc.
Về nhà, cơn đau không giảm, bà đưa ông đi bệnh viện cấp cứu. Không có tiền, khám sơ qua, ông được cho về. Lần thứ hai, cơn đau đầu lại đến. Lần này, ông Hải bị tai biến và liệt nửa người. Bà Nga đưa ông Hải về rồi chuyển chỗ ở mới.
Không rời xa
Mấy năm nay, bà Nga vẫn dối gia đình là đang mở tiệm may ở Suối Tiên. Bà nói dối vì biết gia đình phản đối chuyện tình với ông Hải. “Ngay từ ngày đầu quen nhau, gia đình tôi không chấp nhận ông Hải. Cha mẹ tôi mất lâu rồi, còn các chị em kịch liệt phản đối. Họ phản đối không phải chê ông Hải nghèo hay già. Các chị em nói ông Hải có tới 9 người con, cưới ông Hải, sau này tôi sẽ khổ. Vì thế, bao năm nay, tôi không dám nói mình đang nuôi ông Hải liệt nửa người”, bà Nga kể.
Chưa chính thức thành vợ thành chồng. Ông Hải liệt nửa người, bà Nga có thể bỏ mặc, không cần chăm sóc, nuôi nấng. Không ai buộc bà phải nuôi ông Hải, nhưng bà vẫn không rời.
Ông Hải bệnh, bà Nga thuê nhà trọ mới, chăm sóc nuôi dưỡng. Vì phải chăm người bệnh, bà Nga thường nghỉ việc nên cuối cùng bị thất nghiệp. Bây giờ, bốn ngày trong tuần, bà Nga phụ việc cho một quán ăn từ lúc 4h sáng. Mỗi ngày người chủ quán ăn trả công cho bà Nga 30.000 đồng và 1 hộp bánh. Thu nhập chính là vậy. Ngoài ra, có nghề may trong tay, mấy người quen thường nhờ may vá vài cái áo cái quần.
“Hồi ấy không có tiền nên không nhập viện điều trị được. Ra về, bác sĩ dặn phải tái khám thường xuyên nhưng rồi khó khăn quá, không đi được. Mỗi tháng, toa thuốc của ông Hải hết 1 triệu đồng, cộng với tiền sữa, tiền tã, bao nhiêu thứ. Vì bị liệt nửa người, không ăn được nên thức ăn được xay nhỏ rồi đổ vào ống gắn với bụng. Cái ống ấy cứ vài tháng thay 1 lần, tốn 5 triệu. Mà tôi có đi làm gì được, không dám rời ông ấy nửa bước”, bà chia sẻ.
Ông Hải nằm một chỗ, mọi vấn đề vệ sinh đều một tay bà Nga lo lắng. Nghe bà Nga kể, ông Hải ú ớ, miệng méo xẹo, nước mắt chảy tràn. Ông chỉ vào tấm bảng ghi chữ cái. Cái bảng mà bà Nga sáng chế ra để ông Hải muốn gì thì chỉ vào vì ông không thể nói được. Từng chữ một, ông Hải viết: “Sống mà khổ ta, khổ người. Thương bà ấy quá”.
Do khi li dị vợ, ông Hải bán nhà, sổ hộ khẩu vợ mang đi theo cùng các con nên ông Hải không mua được bảo hiểm.
“Cách đây sáu tháng, tôi có lên UBND phường 12, quận Gò Vấp để xin trợ cấp xã hội cho ông, từ đó sẽ có bảo hiểm y tế luôn nhưng cán bộ phường yêu cầu phải có xác nhận là chưa hưởng trợ cấp xã hội ở nơi thường trú thì mới làm được. Khổ nỗi ông ấy chỉ có mỗi giấy CMND và bằng lái xe. Trở về nhà cũ để xin xác nhận thì nhà đã trải qua nhiều chủ. Người mua nhà của ông Hải không còn ở đó. Thế nên cứ nhùng nhằng mãi, mới mấy ngày đây, UBND phường có đến, lập hồ sơ lại, hi vọng có cái bảo hiểm cho ông Hải để đi khám, đi xin thuốc bớt chút tiền”, bà Nga nói.
Tình yêu mà bà Nga dành cho ông Hải, khó có lời nào nói được. Một người phụ nữ chưa từng có chồng những tưởng tuổi xế chiều có một người đàn ông để nương nhờ, làm bờ vai nhưng lại vướng vào nghịch cảnh. Tình yêu ấy, không toan tính, không vụ lợi, không vì vật chất mà vì cái nghĩa, cái tình với nhau.
Cuộc sống bà Nga và ông Hải gặp nhiều khó khăn, thu nhập không có nên tiền thuốc, tiền nhà phải vay mượn, phải nợ nần nhiều người. Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm xin gửi về nhà trọ số 415 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM, hoặc vui lòng liên hệ tác giả bài viết 0949242102 để được hướng dẫn chi tiết hơn.