Theo đó, tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi đã nêu lên một loạt tồn tại, ảnh hưởng liên quan đến dự án này như: Chậm điều chỉnh tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; hoàn trả các tuyến đường phục vụ thi công dự án; hoàn thiện nút giao Dung Quất và các đường gom; khắc phục các điểm sạt lở, ngập úng và bồi lấp mương thoát nước gây ảnh hưởng đến dân sinh… những tồn tại này đã được tỉnh Quảng Ngãi liên tục kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải để đơn vị này chỉ đạo, đôn đốc VEC khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, đến nay công tác khắc phục vẫn chưa được triển khai.
Cụ thể, tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí vốn và được Ban Quản lý dự án giải ngân 100% với số tiền 905 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt nên UBND tỉnh Quảng Ngãi và Ban Quản lý dự án đã có nhiều văn bản đề nghị VEC xem xét, phê duyệt điều chỉnh tổng chi phí bồi thường. Tuy nhiên, đến nay VEC vẫn chưa trình phê duyệt điều chỉnh.
Việc chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. |
Cùng với đó, trong quá trình thi công dự án, nhà thầu có mượn địa phương 23 tuyến đường với tổng chiều dài 55,62km. Đến nay, chỉ mới hoàn thành việc hoàn trả 15 tuyến đường. Dự án cũng chưa hoàn thành nút giao Dung Quất, 2 tuyến đường gom, 7 đường ngang. Có 18 vị trí hàng rào bảo vệ chưa thi công do còn vướng mắc.
Ngoài ra, quá trình thi công dự án đã gây ảnh hưởng đến dân sinh, sản xuất nông nghiệp như: Nhiều điểm sạt lở, bồi lấp, mương thoát nước bị ứ đọng. Những vướng mắc, tồn tại trên đã được cử tri trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhiều lần kiến nghị, yêu cầu giải quyết.
Cũng tại cuộc họp, ông Trương Việt Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC thừa nhận thời gian qua đã tiếp nhận rất nhiều kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ trả lời mang tính chung chung, chứ chưa đưa ra cam kết cụ thể về việc sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
Nguyên nhân xuất phát từ việc những năm qua doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do thay đổi chủ trương, không được bố trí vốn. Bên cạnh đó là việc nhiều cán bộ của đơn vị bị khởi tố bắt giam vì có liên quan đến sai phạm tại dự án, cũng như diễn biến phức tạp của dịch COVID-19…
Bên cạnh, ông Đông cũng nhấn mạnh, trong tháng 1 vừa rồi, Bộ Chính trị đã đồng ý phương án tái cơ cấu tài chính cho 5 dự án của VEC. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã thống nhất điều chỉnh Nghị quyết để tiếp tục bố trí vốn cho VEC. Trên cơ sở đó, riêng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ được thu xếp đủ vốn để hoàn thành tất cả các hạng mục dở dang, còn tồn đọng khối lượng trong tháng 7 này.
Đoạn đường giao với Dung Quất đã gặp phải sụt lún trong quá trình thi công, dẫn đến nhiều tồn tại cho tới nay. |
Cũng theo ông Đông, hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang cần khoảng hơn 2.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục dở dang, giải quyết tồn tại, vướng mắc. Theo phương án tái cơ cấu tài chính đã được thông qua của VEC, khoảng 1.200 tỷ đồng vốn vay WB của dự án (đã hết hạn giải ngân) sẽ được thay thế bằng nguồn thu phí, còn lại 800 tỷ đã được Thường vụ Quốc hội dự thảo trình Quốc hội thông qua trong tháng 6 này. Vì vậy, vốn cho dự án này cơ bản đã được khơi thông.
Bắt đầu từ hôm nay VEC sẽ lên phương án cụ thể để xử lý tất cả những kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến dự án. Cụ thể, trong quý III/2022, sẽ thực hiện và hoàn thành việc khắc phục những hạng mục nhỏ như: Đường gom, cống chui, cống ngang… đang gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Công tác khắc phục, bồi thường thiệt hại cho người dân do liên quan đến dự án sẽ được hoàn thành trong quý IV/2022.
Còn đối với các hạng mục lớn như nút giao Dung Quất, hạng mục kết nối với đường cao tốc dự kiến sẽ hoàn thành trong 12 tháng. Riêng công tác hoàn trả các tuyến đường mượn thi công, VEC sẽ chỉ đạo nhà thầu thực hiện, trong trường hợp yêu cầu quá 3 lần mà nhà thầu không tổ chức hoàn trả đường cho địa phương thì VEC sẽ tự bỏ kinh phí ra thực hiện.
Cùng với việc đưa ra thời hạn cụ thể, cũng như phương án khắc phục những tồn tại của dự án, VEC kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải phóng mặt bằng các hạng mục còn vướng mắc. Đồng thời, kiến nghị địa phương tổ chức đấu giá các lô tái định cư dôi dư của dự án để hoàn trả ngân sách Nhà nước đã ứng để xây dựng các khu tái định cư.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một trong những tuyến đường giao thông huyết mạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương dự án đi qua. Dự án hoàn thành nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương, góp phần thu hút đầu tư cho tỉnh, giảm tải phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1.
Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ dự án, tổng hợp các kiến nghị, tồn tại của dự án để UBND tỉnh gửi VEC trước ngày 31/5. Trong đó, chú trọng rà soát các tuyến đường chưa hoàn trả, hàng rào bảo vệ chưa thi công, các điểm sạt lở, bồi lấp. Địa phương nào không rà soát, báo cáo đầy đủ thì phải chịu trách nhiệm trả kinh phí giải quyết.
Trên cơ sở kiến nghị về điều chỉnh tổng mức đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng dự án, đề nghị VEC phối hợp với Ban Quản lý dự án rà soát lại tổng mức đầu tư để có cơ sở quyết toán, thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Với kiến nghị của VEC, các lô đất tái định cư còn dôi dư, ông Minh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các địa phương tổ chức đấu giá để lấy kinh phí hoàn trả lại suất đầu tư cho dự án theo đúng quy định.
Được biết, dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trên địa bàn Quảng Ngãi, dự án có chiều dài 40km đi qua các địa phương: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và thành phố Quảng Ngãi. Lâu nay, nhiều tồn tại, vướng mắc liên quan dự án đã không được quan tâm, giải quyết, khiến người dân tỉnh Quảng Ngãi bức xúc.