Lo từng bữa ăn
Ngày trước phong tỏa, vợ chồng chị Lê Thị Kim ngụ con hẻm nhỏ trên đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh, TP HCM phải gửi con sang hàng xóm để tranh thủ đi làm. Anh chạy xe ôm công nghệ, nghe tin thành phố phong tỏa “cấm” xe nên bảo vợ: “Anh cố gắng chạy cho hết sức, hết lực ngày hôm nay, kiếm thêm được bao nhiêu thì kiếm, 15 ngày tới phải ở nhà cả ngày rồi, vừa nghèo, vừa cuồng chân”.
Còn chị Kim lặn lội đi chợ trữ đồ. Đi hết từ chợ Bà Chiểu đến siêu thị gần đó, cứ nơi nào đông quá chị không dám chen vào. Đến khi người vơi bớt, các quầy vắng tanh, chỉ còn rau héo, củ úng. Siêu thị hết thịt, lấy xe chạy một vòng quanh các chợ, thịt heo đắt quá không mua nổi, chị mua thật nhiều cá khô, mì gói, sợi bún và một ít củ.
Tối, chị nấu nồi cơm cá rim mặn với rau muống luộc, hai mẹ con ngồi chờ chồng. Mãi đến hơn 8h anh mới trở về sau cuốc xe ôm đường dài cuối cùng. Cả một ngày anh chạy cật lực, thu nhập hơn 1 triệu. Chị thở phào, vậy là ổn rồi, nhà còn mấy triệu bạc, đóng tiền nhà xong, ở yên trong nhà, thi thoảng đi mua ít thực phẩm, rồi cũng qua.
Với gia đình khá giả, có tiền tích lũy, câu chuyện “ở yên trong nhà” có thể chỉ quay quanh chuyện làm gì cho đỡ cuồng chân, làm gì để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng chống dịch, dạy con, vui chơi với con… Với những nhà lao động mất việc trong giãn cách, mối lo thường trực chính là miếng cơm, manh áo.
Có không ít xóm nhỏ, những ngày cận giãn cách, tối đến vợ chồng ra ngồi trước con đường lớn, chờ xe của những người phát từ thiện. Một hộp cơm, một túi gạo, một bó rau. Cơm thì về treo đó, sáng thành bữa sáng, gạo rau cũng đủ ăn qua một, hai ngày.
Gia đình nghèo giãn cách, không có những chuyện biến phòng bếp thành nhà hàng tại gia, hay những món bánh, món ăn vặt cho con trẻ thay đổi theo ngày. Có không ít nhà, trước giãn cách đã được người nhà ở quê gửi thực phẩm lên “cứu trợ”, làm một nồi cá, một nồi thịt kho mặn. Rồi cứ thế, mỗi ngày ra ngoài bòn mót ít gạo, ít rau, thế là đủ bữa ăn.
Chuyện trong những căn nhà “tí hon”
Nửa tháng hầu như không được ra khỏi nhà, với những người có nhà cửa vài chục đến vài trăm mét vuông cùng đã cuồng chân. Huống hồ là những người nghèo, sống trong xóm trọ, khu lao động, nơi vài chục mét vuông chứa cả ba thế hệ, hay căn phòng trọ hơn 10 mét vuông vừa làm bếp kiêm phòng ngủ, phòng vui chơi của vợ chồng con cái.
Như nhà chị Phan Thị Ngọc ở khu xóm trọ phường 25, Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh. Dãy phòng trọ chị đang ở có 20 phòng, mỗi căn tầm 12m2 với nhà trệt và gác xép 6m2. Vợ chồng chị và hai con sống ở đó. Bên dưới làm chỗ sinh hoạt, nấu nướng, chỗ học bài cho bọn trẻ, chỗ vui chơi… Còn gác xép, đêm đến cả nhà lên ngủ.
Nhìn hai đứa trẻ, chị Ngọc xót xa. Căn phòng có cửa sổ nhỏ xíu. Hai đứa nhỏ hết loay hoay chơi với nhau, rồi vác ghế ngồi bên cửa sổ ngóng ra ngoài. Chúng liên tục hỏi mẹ: Vì sao con không được ra đường chơi với các bạn nhà bên, vì sao đường vắng thế hả mẹ…? Chị cũng chỉ biết giải thích, còn con vẫn cứ ngúng nguẩy, buồn xo.
Chồng chị làm thợ điện tự do, mấy ngày nay chỉ hết đi ra rồi đi vào. “Nhà mình may mắn đã tích trữ đồ ăn đầy đủ, hơn nhiều người còn thiếu ăn ngoài kia, nên không được than thở, cố gắng sống cho vui vẻ, khỏe mạnh”, anh chị bảo nhau. Tối đầu tiên phong tỏa cũng là sinh nhật 6 tuổi của con gái đầu lòng, chị lấy bột mì trộn với trứng, đổ cho con hai cánh bánh bột chiên, lấy tương ớt vẽ hình mặt cười, cắm vài cái nến. Vậy mà hai đứa bé vui mừng hớn hở, làm hai vợ chồng cũng vui lây.
Nhà bên cạnh, anh Phong làm thợ mộc cho một xưởng gỗ. Trước ngày phong tỏa, anh đã mang từ xưởng về khá nhiều gỗ vụn. Những ngày không ra khỏi nhà, anh ngồi bào bào, đẽo đẽo, làm thành chiếc xe gỗ, ngôi nhà gỗ cho ba đứa con trai tha hồ mà chơi. Đêm đến, hai vợ chồng nằm thở dài vì lo lắng cho những ngày sắp tới, thùng gạo trong nhà cũng chỉ trụ tầm dăm bữa nữa. “Nhưng dù thế nào thì bọn trẻ cũng phải được sống vui vẻ, không âu lo”, anh chị tự an ủi nhau để vững tin cho những ngày sắp tới.
Những xóm trọ nhỏ, những căn phòng nhỏ, những gia đình bé nhỏ giữa mùa giãn cách, bên cạnh mối lo cơm áo, không cách này thì cách khác, vẫn tìm được những điều giản dị nhỏ nhoi để xoay xở sống tích cực, hướng về tương lai.