Trong một vụ án có nhiều kết quả giám định thương tật cho kết quả khác nhau, khiến vụ việc kéo dài và cơ quan tố tụng cũng “khổ”. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng nên chọn kết quả giám định có tỉ lệ thương tật vĩnh viễn hoặc sau cùng; hoặc chọn kết quả có lợi cho bị cáo để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Hoạt động giám định pháp y - ảnh chỉ có tính minh họa |
• Một nhát đánh, nhiều kết quả giám định
Theo cáo trạng, khoảng 17 giờ ngày 6/12/2009, ông Đ.N.A ngụ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chạy xe máy về đến trước cửa nhà thì gặp Đào Quốc H. ở nhà kế bên cũng vừa về đến. H. nhổ nước bọt ra phía sau xe của mình. Cho rằng H. có ý khinh thường mình nên ông A. chửi H. dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. Cha mẹ của H. nghe tiếng ồn ào cũng đi ra cãi nhau với ông A. Ông A. dẫn xe mô tô vào nhà và nói: “Cha mất dạy đẻ ra thằng con mất dạy”. Nghe vậy, cha của H. bước sang trước nhà ông A. cãi nhau. Cha của H. và ông A. đánh nhau bằng tay. Thấy vậy H. đã lấy cây sắt (rỗng) phi 21, dài 55cm đánh vào người ông A., khiến ông bị thương ở đầu, phải đi cấp cứu... VKSND truy tố H. tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2, Điều 104 BLHS.
Theo kết quả của Trung tâm Pháp y Đồng Nai, tỉ lệ thương tật tạm thời của ông A. là 43% nên Công an TP. Biên Hòa khởi tố, bắt tạm giam H. Sau đó, VKSND TP. Biên Hòa đã yêu cầu Cơ quan Điều tra trưng cầu giám định lại. Kết quả giám định lần thứ hai của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an xác định tỉ lệ thương tật của ông A. là 16,67%.
Vẫn không đồng ý, ông H. và gia đình đề nghị giám định lại. Giám định lần thứ ba, Viện Pháp y Quốc gia cho ra kết quả tỉ lệ thương tật của ông A. là 11%. Dựa vào đây, công an đã ra kết luận điều tra bổ sung, đề nghị VKSND truy tố H. về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS.
Thương tích của nạn nhân gồm hai vết thương trên đầu và trên trán. Với vết thương trên đầu, bản kết luận giám định mới nhất xác định tỉ lệ thương tật là 3%. Nhưng ở các bản kết luận trước đó, vết thương này chỉ có 2%. Việc tỉ lệ thương tật của vết thương lại tăng chứ không giảm sau khi nạn nhân đã bình phục là điều thật khó hiểu. Với vết thương trên trán, giấy chứng nhận thương tích lúc nạn nhân cấp cứu tại bệnh viện ghi dài 3 cm nhưng các bản kết luận giám định pháp y về sau lại ghi dài 5 cm. Sự sai lệch kích thước đó khiến bị can cho rằng việc giám định không phù hợp với thương tật thực tế của nạn nhân. Mặt khác, vết thương trên trán nạn nhân do H. gây ra hay do lúc nạn nhân xô xát với cha của H. gây ra cũng không rõ.
• Chọn kết quả có lợi cho bị cáo
Ngoài ra, sau khi nhận bản cáo trạng của VKSND, H. còn khiếu nại thương tích của cha mình sau vụ ẩu đả không được làm rõ: Bệnh viện xác định mắt trái của cha H chấn thương do bị đánh. Sau đó cha H. đi khám, BV Mắt cũng xác định mắt bị tổn thương không phải do bệnh lý. Tuy nhiên, Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Nai lại cho rằng không đủ chuyên môn để giám định. Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an cũng trả lời rằng với kỹ thuật hiện nay thì không thể xác định mắt của cha H. bị giảm thị lực do tổn thương hay bị đánh… Qua đây cho thấy, với một vụ việc như trên thì cơ quan tố tụng chọn kết quả giám định nào làm căn cứ giải quyết khi có nhiều kết quả giám định lệch nhau như thế(?!) Về vấn đề này, ý kiến của các thẩm phán cho rằng, cơ quan tố tụng nên chọn kết quả giám định cho ra tỉ lệ thương tật vĩnh viễn hoặc kết quả giám định sau cùng làm căn cứ xử lý; hay nói cách khác là nên chọn cái nào có lợi cho bị cáo để xem xét.
Còn Luật sư phía H. cho biết kết quả giám định pháp y trong vụ án này cần được xem xét lại một cách khách quan, nhất là kết quả của Trung tâm pháp y Đồng Nai. Bởi kết quả này không bình thường, áp dụng mức tỷ lệ thương tật không phù hợp với Thông tư số 12 ngày 26/71995 của liên Bộ Y tế - Bộ LĐTB & XH (vết thương phần mềm nhưng lại áp dụng chương chấn thương vùng mặt gây biến dạng, ảnh hưởng đến chức năng nhai). Hơn nữa, vết thương trên trán của ông A., theo giấy chứng nhận thương tích của BV đa khoa Thống Nhất ghi 3cm, nhưng kết quả giám định lại ghi là 5cm. Việc nâng kích thước vết thương có dấu hiệu cố ý làm sai lệch hồ sơ giám định. Luật sư phân tích, H. có hành vi đánh lại ông A chỉ nhằm giải cứu cho cha của mình – là trường hợp bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật của ông A.
Theo đó, việc các cơ quan tố tụng TP. Biên Hòa họp và thống nhất cho tiến hành giám định theo thủ tục ban đầu là một việc chưa được Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Còn nếu Hội đồng giám định ngày 29/11/2011 tiến hành giám định lại thì đã vi phạm khoản 2 điều 159 Bộ luật Tố tụng Hình sự vì khi giám định lại phải do người khác hoặc Hội đồng giám định khác tiến hành. Trong khi đó, Hội đồng giám định ngày 19/11/2011 có đến 2/3 thành viên là thành viên của Hội đồng giám định lần đầu...
Đăng Đạt