Từ 2G đến 4G
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho thời điểm được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G. Ngay khi có giấy phép, chúng tôi đã bắt tay vào đầu tư thiết bị, xây lắp hạ tầng. Với kinh nghiệm đã có, tin tưởng sẽ triển khai mạng 4G có vùng phủ toàn quốc lớn nhất trong thời gian ngắn nhất, dự kiến khoảng quý I/2017 sẽ khai trương…”, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel nói.
Theo đại diện Tập đoàn này, nhu cầu sử dụng dữ liệu di động của người tiêu dùng Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh. Nếu như 5 năm trước, nhu cầu về dữ liệu di động của người Việt Nam hầu hết chỉ là đọc báo mạng, thì giờ đây khách hàng có nhu cầu xem hoặc chia sẻ video HD ngay lập tức trên mạng xã hội, công nghệ mới như VR (thực tế ảo), game tương tác… bắt đầu xuất hiện phổ biến trong khi 3G không thể đáp ứng được cả về tốc độ lẫn dung lượng. “Chúng ta cần 1 mạng di động công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu người dùng đang tăng rất nhanh…”, ông Sơn lý giải việc nhà mạng này triển khai dịch vụ 4G.
Tư duy truyền thống của các mạng di động trên thế giới cho thấy công nghệ mới thường có vùng phủ rất hẹp, thường họ chỉ phủ ở khu vực trung tâm rồi mới lan tỏa dần ra các khu vực khác, với Viettel - nhà mạng này lại có suy nghĩ khác. Nghĩa là ngay từ ban đầu vùng phủ 4G của Viettel sẽ là rộng khắp.
“Chúng tôi sẽ triển khai 4G như đã từng làm với với mạng 2G, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động (mobile broadband). Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc phổ cập được băng rộng di động có một ý nghĩa rất lớn. Tôi cho rằng 4G sẽ đem lại cơ hội lớn cho Việt Nam…”, ông Sơn khẳng định.
Giá thì sao?
Nhiều thống kê trên thế giới cho thấy nếu tăng trưởng băng rộng khoảng 10% thì GDP của quốc gia đó sẽ tăng khoảng 1%. Theo phân tích của Viettel, nếu như ước mơ đem băng rộng đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam bằng cáp quang sẽ khó khăn bởi thiết bị kết nối, giá kết nối và cũng cần phải có thời gian để làm điều đó.
“Thế nhưng, với 4G chúng ta có thể nhanh chóng phổ cập băng rộng di động đến hầu hết người dùng di động và sẽ thúc đẩy GDP và sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tăng thứ hạng về viễn thông của Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới, tôi nghĩ đó không chỉ là niềm tự hào của người Viettel nói riêng mà của toàn bộ người dân Việt Nam khi môi trường về viễn thông và công nghệ thông tin phát triển không kém gì các cường quốc trên thế giới…”, đại diện Viettel chia sẻ.
Vấn đề còn lại là giá dịch vụ và thiết bị đầu cuối. Vấn đề này, ông Sơn cho biết, trong nhiều lĩnh vực kể cả viễn thông, hầu hết các công ty đều định giá đắt đối với các sản phẩm công nghệ mới nhằm mục tiêu “hớt váng” nhưng Viettel lại tư duy khác, công nghệ mới cần được phổ cập cho số đông, và vì thế, giá thành sẽ rẻ nhờ lợi thế quy mô.
“Với 4G, giá cước sẽ rẻ hơn 3G, đồng thời chúng tôi cũng sẽ tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng được sử dụng với mức chi phí hợp lý nhất…”, đại diện Viettel cam kết.
Về giá thiết bị đầu cuối, nhà mạng này cho biết hiện nay giá thiết bị 4G đã rẻ. Mặt khác, nếu như ở công nghệ 2G và 3G, Viettel phải đi mua thiết bị của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông thì hiện nay Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G và đã đem vào thử nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Cho đến thời điểm này, giá thiết bị 4G và 3G đã tương đương nhau nên người dân không có trở ngại gì trong việc sở hữu 1 chiếc smartphone 4G. Năm 2008, khi thu nhập bình quân người của Việt Nam chỉ bằng một nửa bây giờ, chúng ta đã đạt mật độ 85 - 90%, tức là đã gần như phổ cập dịch vụ 2G. Giá của thiết bị 2G lúc ấy cũng khoảng 1 triệu đồng. Bây giờ, máy điện thoại 4G cũng chỉ khoảng 40 – 50 USD, trong khi GDP/người cũng cao gấp đôi năm 2008, việc phổ cập là hoàn toàn khả thi…”, ông Sơn cho biết thêm.
Bên cạnh đó, số liệu của Viettel còn cho thấy, tốc độ tăng trưởng 3G ở khu vực nông thôn đang cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng ở khu vực thành phố, 3G hiện tại đã trở thành dịch vụ phổ cập ngay cả ở khu vực nông thôn tạo tiền đề rất tốt cho việc phát triển 4G sau này.
“Nhu cầu sử dụng băng rộng ở khu vực ngoài thành phố rất cao, vấn đề còn lại là Viettel sẽ tạo ra các gói cước khiến 4G cũng trở thành dịch vụ phổ cập để cho mọi tầng lớp xã hội đều có cơ hội sử dụng. Hơn nữa, hiện giá bán smartphone rẻ hơn rất nhiều (từ 4 - 5 lần) so với 1 chiếc máy tính để bàn (PC), do vậy, người dân ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận với internet thông qua smartphone sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với kết nối internet qua máy tính. Việc kết nối internet còn mở ra cho họ rất nhiều cơ hội về tri thức, giải trí, công việc, xóa nhòa mọi khoảng cách, ranh giới, giúp họ tiếp cận với những kinh nghiệm mới, xu hướng mới giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ và con cái họ. ..”, Phó Tổng Giám đốc Viettel phân tích.
Được biết, hiện Viettel đã triển khai dịch vụ 4G ở các thị trường nước ngoài. Mạng 4G lớn nhất của Viettel hiện nay là tại Campuchia, với gần 500 trạm, đã chạy được hơn 1 năm với vùng phủ trải rộng trên 90% lãnh thổ. Viettel cũng đã cung cấp dịch vụ tới khách hàng như ở Burundi, Lào, Haiti, Burundi và Peru.
Ngày 28/10, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chính thức nhận giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 Mhz. VNPT là đơn vị đầu tiên được trao giấy phép 4G tại thị trường Việt Nam. Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT – cho biết, ngay trong tháng 11, VNPT sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 4G, đầu tiên là tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Sau huyện đảo Phú Quốc, trong năm 2017, VNPT sẽ triển khai cung cấp dịch vụ công nghệ 4G trên toàn bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước, đảm bảo vùng phủ sóng 4G rộng khắp. Dự kiến đến các năm tiếp theo, VNPT triển khai mở rộng và nâng số trạm 4G/LTE-A lên đến 21.000 trạm và sử dụng các công nghệ để tỉ lệ phủ sóng 4G theo dân số trên nhiều tỉnh, thành lớn đạt 100% (trung bình toàn quốc đạt 85%).