Sinh sống ổn định hàng chục năm nay, được nhập hộ khẩu như những công dân bình thường của địa phương, nhưng bỗng chốc nhà đất trị giá tiền tỷ của 11 hộ gia đình tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, bị thu hồi mà không được đền bù, hỗ trợ.
Các hộ cho biết khi chuyển về ở đây có sự cho phép của chính quyền. |
Bức xúc vì bị qui kết lấn chiếm
Gần chục năm sử dụng, đến đầu năm 2013, 11 hộ dân ở tổ 1, cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ bị thu hồi đất mà không hề được đền bù, hỗ trợ. Theo họ, việc thu hồi không đúng quy định của UBND quận Tây Hồ gây thiệt hại đến quyền lợi của họ.
Nguồn gốc đất của các hộ gia đình vốn là đất của bà Hoàng Thị Mịch, ông Nguyễn Mạnh Tưởng và bà Phan Thị Hồng Liên, những người gốc làng Phú Thượng.
Bà Mịch cho biết, năm 1962, bà được HTX Thụy Tiến giao đất để gieo mạ cho HTX . Những năm 60,70, 80 ruộng chuyên gieo mạ được HTX không thu thuế. Năm 1992, khu đất bị ngập úng nên HTX đã bỏ không sử dụng. Từ đó, gia đình bà đổ đất, tôn tạo khu đất để trồng cây.
Năm 2002, gia đình được kê khai, đóng thuế. Ông Nguyễn Mạnh Tưởng cũng khẳng định, ông đã tự khai hoang đất khu đất để trồng màu và trồng cây lâu năm. Sau 40 năm sử dụng không có tranh chấp, kiện cáo và không có bất cứ quyết định xử phạt nào của chính quyền về vi phạm đất đai, ông đã chuyển nhượng lại cho người khác.
Ông Nguyễn Văn Minh ( ở Bạch Mai, Hà Nội) là người mua lại toàn bộ đất các hộ khai hoang nói trên và xây dựng thành những căn nhà, có khuôn viên rất đẹp để bán lại. 11 hộ gia đình nói trên là những người mua lại với mỗi lô hàng tỷ đồng.
Theo Quyết định thu hồi của UBND quận Tây Hồ thì nguyên nhân bị thu hồi là do các hộ đã có hành vi chiếm đất chưa sử dụng. UBND quận Tây Hồ yêu cầu người sử dụng phải giao lại toàn bộ đất đã chiếm cho Trung tâm phát triển quĩ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ quản lý.
Việc xác định đây là đất chưa sử dụng khiến người dân phản ứng vì thực tế họ đã sử dụng hàng chục năm nay. Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Văn Tâm, phó chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết, theo bản đồ địa chính các thời kỳ 1986 và 1996 thì diện tích đất lấn chiếm nêu trên là đất công, do chính quyền quản lý nên thu hồi không được bồi thường, hỗ trợ. Trước đây, toàn bộ đất đó là ao, chủ sử dụng đất là HTX nhưng đã bị các hộ lấn chiếm sử dụng riêng.
Được nhập hộ khẩu trên đất lấn chiếm?
Theo các hộ dân thì việc chính quyền cho rằng đây là đất công, đất chưa sử dụng là không có cơ sở pháp lý. Theo qui định tại Luật Đất đai 2003 không có khái niệm đất công mà chỉ có loại đất “ sử dụng vào mục đích công cộng”. Loại đất này gồm có: “đất giao thông, thuỷ lợi; đất xây dựng các công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; đất xây dựng các công trình công cộng khác theo quy định của Chính phủ”.
Đối chiếu với qui định trên thì đất bị UBND quận Tây Hồ thu hồi nói trên không phải là đất công cộng vì không hề sử dụng cho các mục đích như đã viện dẫn.
Mặt khác, coi đây là đất chưa sử dụng càng không đúng. Luật Đất đai cũng qui định đất chưa sử dụng bao gồm “các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng”. Thực tế, đất này các hộ đã sử dụng từ năm 1962 đến nay và đã ở, xây dựng nhà từ năm 2003. “Nếu chính quyền coi đây là đất chưa sử dụng là sai vì thực tế người dân đã ở đây từ năm 1962. Chính quyền kiểm tra vào thời điểm nào để nói là đất chưa sử dụng?
Không thể phủ nhận thực tế người dân đã khai hoang, sử dụng đất này hàng chục năm nay. Nếu thu hồi thì phải bồi thường, hỗ trợ chứ không thể lấy không được. Thành phố mới giải quyết một số trường hợp lấn chiếm đất tại khu vực phục vụ dự án xây dựng công viên Đống Đa mà còn hỗ trợ các hộ di dời, xem xét, giải quyết cho họ được mua nhà. Vì vậy, UBND quận Tây Hồ cần xem lại việc thu hồi chưa đúng của mình”, một cán bộ địa chính nhận định về trường hợp này.
Điều mà ai cũng thấy là thiệt hại quá lớn cho các hộ mua và sử dụng hiên nay. Những ngôi nhà trên đất được mua bán với giá hàng tỷ đồng, tồn tại hàng chục năm nay như một khu dân cư và không xa UBND phường thì không thể không có trách nhiệm của chính quyền. Nay chính quyền phường cho rằng việc mua bán chính quyền không biết là điều không ai tin được.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc các hộ về đây sinh sống là có sự thuận tình của chính quyền phường, thậm chí một số hộ đã được đăng ký hộ khẩu thường trú tại đây, được cung cấp các dịch vụ điện, nước, có số nhà hẳn hoi. Đây là bằng chứng về việc chính quyền cho xây, cho ở rồi lại thẳng thừng phá dỡ dỡ khiến người dân thiệt hại quá lớn.
“Khi đến ở chúng tôi có khai báo tạm trú với Công an phường Phú Thượng, thông qua Cảnh sát khu vực, lúc đó là anh Đào, nay anh Đào là Phó trưởng Công an phường Phú Thượng”, đơn của 11 hộ gia đình viết.
UBND quận Tây Hồ cần xem xét lại quyết định thu hồi đất của mình cũng như làm rõ trách nhiệm của chính quyền phường sở tại trong việc cho các hộ sinh sống, nhập hộ khẩu như những công dân bình thường nhưng nay lại cưỡng chế dỡ bỏ, coi họ là người lấn chiếm.
Quý - Thủy