Báo PLVN ngày 28/06/2012 đăng bài “Chưa đủ căn cứ kết tội”, phản ánh việc ông Nguyễn Thái Đắc, thường trú tại khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên bị các cơ quan tố tụng huyện Sơn Hòa (Phú Yên) truy tố về tội “Hủy hoại rừng”…
Ông Đắc tại phiên xử |
Bản án Sơ thẩm số 30/2012/HSST ngày 19/09/2012 của TAND huyện Sơn Hòa tuyên ông Đắc 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm và phải bồi thường 436.043.008 đồng cho UBND xã Suối Trai. Ông Đắc kháng án và cho rằng chỉ “vi phạm đất đai”, không phạm tội “hủy hoại rừng”.
Trước đó, do nhu cầu cần đất nông nghiệp để canh tác, tháng 3/2011, ông Đắc dùng bản đồ quy hoạch hồ thủy điện sông Ba Hạ để tìm khu đất thuộc lòng hồ thủy điện để trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như khoai mì (sắn), mè… nhằm kịp thu hoạch trước khi bị ngập nước (do thủy điện tích nước - PV).
Dựa trên bản đồ quy hoạch và khảo sát thực địa, ông Đắc thấy khu vực thuộc lô 1, lô 2, khoảnh 6 tiểu khu 220 có phần diện tích bỏ hoang chưa được làm nương rẫy, cây cối thưa thớt, chủ yếu là cây bụi nhỏ… Sau khi tìm hiểu, được biết khu vực này trước đây là rừng đặc dụng Krông Trai nhưng đã cho phép Cty Đại Lợi vào khai thác vì thuộc lòng hồ thủy điện. Mặt khác, xung quanh khu vực này người dân đã làm nương rẫy, cho nên ông Đắc mới thuê người đến phát hoang để trồng hoa màu và bị quy là hủy hoại rừng.
Tại phiên tòa Sơ thẩm ngày 19/09/2012, HĐXX chưa làm rõ đối tượng xâm phạm của tội “hủy hoại rừng” phải là rừng?. Tại công văn số 30/CV – TTQH ngày 5/7/2012 của Trung tâm quy hoạch thiết kế Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Trung tâm) tỉnh Phú Yên có nội dung: “Diện tích của ông Nguyễn Thái Đắc căn cứ vào kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt tại Quyết định số 2358/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 được xác định là diện tích đất lâm nghiệp ngoài quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2007 -2010”. Từ đó, Trung tâm đã khẳng định khu vực ông Đắc làm nương rẫy là nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Theo Điều 4 Luật Bảo vệ và phát triển rừng thì rừng được chia làm 3 loại: Rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Như vậy, Trung tâm đã khẳng định khu vực đất sản xuất trên là nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, đồng thời nhận định đây là đất lâm nghiệp. Nếu nói đây là đất lâm nghiệp thì không đủ cơ sở xác định ông Đắc phạm tội “hủy hoại rừng” vì đất được quy hoạch là đất lâm nghiệp không phải là rừng. Như vậy, hành vi của ông Đắc thiếu yếu tố khách thể của tội “hủy hoại rừng” do đó không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Mặt khác, khu vực ông Đắc làm nương rẫy thuộc lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Những khu vực được quy hoạch là lòng hồ thủy điện đã được các cơ quan chức năng tận thu lâm sản. Cụ thể, UBND huyện Sơn Hòa đã có Tờ trình số 63/TTr-UB ngày 3/6/2005 về việc “xin phê duyệt thiết kế khai thác tận dụng lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ” trong đó bao gồm cả Tiểu khu 234 theo hệ tọa độ cũ (chính là Tiểu khu 220 theo hệ tọa độ VN2000).
Tiếp đó, là Tờ trình số 351/TTr-SNN ngày 30/6/2005 của Sở NN & PTNT tỉnh Phú Yên trình UBND tỉnh Phú Yên về việc thẩm định hồ sơ thiết kế khai thác tận dụng gỗ, củi rừng tự nhiên khu vực ngập nước lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ. Và trên cơ sở các tờ trình được phê duyệt, UBND tỉnh Phú Yên đã ra Quyết định số 1853/QĐ ngày 24/8/2005 cho phép UBND huyện Sơn Hòa khai thác tận dụng gỗ, củi trên diện tích vùng ngập nước lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ.
Theo quyết định trên, thì khu vực khai thác có Lô a, b và c thuộc Tiểu khu 234 theo hệ tọa độ cũ UTM. Khi đối chiếu Bản đồ thiết kế khai thác tận dụng gỗ rừng tự nhiên 2005 khu vực lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ tiểu khu 233 và 234 xã suối trai (theo hệ tọa độ cũ) với Bản đồ rà soát quy hoạch 3 loại rừng xã suối trai (bút lục 213) và Bản đồ lấn chiếm sử dụng đất trái phép (bút lục số 16) thì nhận thấy khu vực ông Đắc làm nương dẫy thuộc khoảnh 6 tiểu khu 220 chính là lô a4, a5 tiểu khu 234 cũ.
Như vậy, bản thân các cơ quan chức năng đã xác định khu vực này là lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ nên đã khai thác tận thu lâm sản. Do đó, theo như bản cáo trạng và bản kết luận điều tra, khu vực thuộc lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ thì không phải là rừng. Hy vọng, phiên tòa phúc thẩm sẽ có một phán quyết công minh.
Theo Luật sư Vũ Như Hảo: “Nếu hành vi của ông Đắc làm nương rẫy tại khu vực này là hủy hoại rừng thì hành vi trước đó của Cty Đại Lợi được UBND tỉnh cho phép bằng một quyết định cũng là hành vi hủy hoại rừng và tất nhiên là nghiêm trọng hơn nhiều, vì là hủy hoại rừng tự nhiên thuộc rừng phòng hộ và diện tích lớn gấp nhiều lần”. |
Đặng Chung