“Phiên tòa ngày 8/2/2010, sau phần tranh luận Hội đồng xét xử cho các bên ra về hẹn hai hôm sau đến nghe tuyên án. Nhưng đến nay đã gần một năm, dù thẩm phán hẹn đi hẹn lại rất nhiều lần án vẫn không được tuyên", là nội dung đơn của ông Đồ Duy Hoài, ở Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội gửi các cơ quan chức năng.
Dân mong được xử
Ông Đỗ Duy Hoài là người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Tuấn Hợp (ở phường Vệ An, TP Bắc Ninh), nguyên đơn trong vụ kiện đòi nhà, đất đã cho HTX xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội mượn. Ông Hoài cho biết, cơ sở cho việc đòi đất là ngày 15/5/1963 theo yêu cầu của địa phương, cụ Nguyễn Quang Ngọc cho HTX 19/5 xóm Xuân Đỉnh (nay là HTX Xuân Đỉnh) mượn ngôi nhà ngói 3 gian, trên diện tích 1520m2 để HTX làm sân kho, nhà họp, nghỉ ngơi của xã viên.
Khu đất đang tranh chấp được HTX xây ki ốt cho thuê |
Việc mượn này được ký giữa ông Ngọc và Ban Quản trị HTX, được đóng dấu xác nhận của HTX; hiện giấy này phía nguyên đơn vẫn còn…Do nhu cầu của đời sống, nhiều năm nay gia đình đề nghị HTX trả lại đất nhưng không được giải quyết; thậm chí, đất còn bị xây thành nhiều ki ốt cho thuê. Cuối cùng gia đình đành kiện ra Tòa để được giải quyết.
Ngày 1/8/2008, TANDTP Hà Nội thụ lý vụ kiện, xác định bị đơn là HTX Xuân Đỉnh. Ông Hoài cho biết: “Ngày 29/1/2010, TAND TP Hà Nội có giấy báo yêu cầu gia đình đúng 1h30 ngày 8/2/2010 đến TAND TP tham gia phiên tòa. Sau khi tranh luận, HĐXX cho các bên ra về, hẹn hai hôm sau đến nghe tòa tuyên án nhưng từ đó đến nay đã gần một năm vẫn không thấy tuyên án mà kéo dài một cách khó hiểu”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được một luật sư tham gia vụ việc này cho biết: “TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ này nhưng khi thì vắng mặt đại diện bị đơn, lúc lại vắng UBND huyện, UBND xã nên tòa tạm hoãn, gây bức xúc cho nguyên đơn nhưng chắc chắn không thể kéo dài, TAND phải mở lại phiên tòa theo qui định”.
Chính quyền yêu cầu “dừng” phiên tòa?
Chúng tôi được biết, vụ kiện này vấp phải sự phản ứng từ phía chính quyền, thậm chí đề nghị “dừng” phiên tòa. Trong một văn bản gửi TANDTP Hà Nội, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND xã, UBMTTQ và các đoàn thể xã Xuân Đỉnh đã cùng đề nghị “TANDTP Hà Nội, Chánh án TAND TP Hà Nội lưu tâm xem xét dừng việc xét xử vụ án”.
Lý do đề nghị dừng, văn bản này nêu: “Đặt giả thiết là tòa án tuyên nguyên đơn thắng kiện thì khả năng gây bức xúc trong cộng đồng dân cư là không nhỏ, ảnh hưởng rất lớn tới việc định hướng, xây dựng chính sách về quản lý đất đai của Đảng và chính quyền địa phương”.
Trong một văn bản khác, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũng đề nghị dừng: “Vụ việc này đã được TANDTP Hà Nội thụ lý từ nhiều năm trước, nay đưa ra xét xử ở thời điểm ngày 25 và 27 tết Nguyên đán Canh Dần là không hợp lý. Vì những lý do trên, UBND huyện Từ Liêm đề nghị TAND TP Hà Nội dừng việc xét xử vụ án này để tiếp tục có sự xem xét kỹ lưỡng hơn”.
Chúng tôi chưa bàn đến việc ai thắng thua trong vụ kiện này. Tuy nhiên, việc đề nghị tòa án dừng xét xử như các đề nghị nêu trên là khá hi hữu, dù rằng tòa án có quyền không xem xét đề nghị đó, vì nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Nhưng các đề nghị nêu trên dễ khiến người dân nghi ngờ sự can thiệp của cơ quan công quyền với vụ kiện khi một bên là người dân. “Đây là sự can thiệp thô bạo của chính quyền với vụ kiện. Chính quyền không thể đề nghị dừng phiên tòa chỉ vì sợ nguyên đơn thắng kiện. Đó là đề nghị hết sức “vô duyên”, cơ quan nhà nước không nên can thiệp việc xét xử như vậy”, một luật sư bức xúc.
Liên quan đến việc kéo dài phiên tòa, ngày 27/12/2010 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có văn bản gửi Chánh án TAND TP Hà Nội và Viện trưởng VKSND TP Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết đúng qui định và báo cáo kết quả đến Uỷ banTư pháp của Quốc hội.
“Hoãn quá lâu việc ra bản án, làm cho gia đình chúng tôi vô cùng bức xúc. Tôi mong sớm được đưa ra xét xử”- đó là mong mỏi của ông Hoài./.
Hà Linh