Như Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, từ năm 2013, hàng loạt khách sạn tại Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Thuận, Ninh Thuận đã ký hợp đồng cung cấp phòng với Cty Ánh Dương. Theo hợp đồng mà hai bên ký kết thì phía chủ khách sạn chỉ được phép “nhận booking cho khách Nga và khối CIS (Liên Xô cũ) đến Cam Ranh bằng chuyên cơ qua Ánh Dương - Pegas” mà thôi.
“Xâm phạm quyền tự do kinh doanh”?
Ngoài ra, trong hợp đồng mà Cty Ánh Dương ký với các khách sạn cũng quy định những khách sạn này không được giới thiệu, không bán và không cho phép những người khác và các đại lý du lịch vào giới thiệu và bán “Optional tour” cho khách của Cty Ánh Dương, việc bán các tour này phải do các hướng dẫn viên của Cty Ánh Dương – Pegas đảm nhiệm.
Được biết, thỏa thuận có dấu hiệu hạn chế cạnh tranh nêu trên của Cty Ánh Dương được thực hiện trong điều kiện Cty Ánh Dương phối hợp cùng Cty PGS International (Pegas) – quốc tịch Vương quốc Anh - đang có vị trí gần như thống lĩnh thị trường. Hành vi này bị cho là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các công ty khác và duy trì lợi ích độc tôn của Cty Ánh Dương và Cty Pegas.
Trong đơn khiếu nại gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh, ông Nguyễn Ngọc Lương, Tổng Giám đốc Cty ABTours cho biết, điều khoản thỏa thuận mà Cty Ánh Dương áp đặt nêu trên có tác dụng ngăn cản, kìm hãm, không cho các doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường, xâm phạm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của chính các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, của người tiêu dùng và của nhiều doanh nghiệp khác, làm cho thị trường phát triển méo mó và không bền vững.
Trả lời Pháp luật Việt Nam, ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đã ký Quyết định số 29 điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại Điều 13, Luật Cạnh tranh đối với Cty Ánh Dương. “Hiện nay chúng tôi đang tiến hành điều tra nên chưa thể cung cấp gì thêm” - ông Bạch Văn Mừng cho biết.
“Ai làm sai sẽ bị xử lý”
Bình luận về tính pháp lý của sự việc này, Luật sư Nguyễn Thành Vinh, Phó Tổng Giám đốc Cty Luật SMIC cho biết, theo quy định tại Điều 8 Luật Cạnh tranh, các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: “Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” (Khoản 5); “Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh” (Khoản 6). Đây là những hành vi thuộc danh mục “Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm” quy định tại Điều 9 Luật Cạnh tranh.
Cũng theo ông Vinh, tại Điều 13 Luật Cạnh tranh cũng quy định rõ các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm bao gồm: “Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng” (Khoản 3); “Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng” (Khoản 5). “Hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong “Hợp đồng cung cấp phòng” mà Cty Ánh Dương ký với các khách sạn là trái với quy định của Luật Cạnh tranh, thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật” - ông Vinh cho biết.
Trả lời Pháp luật Việt Nam ngày 25/6, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã làm việc với các địa phương nên đã nắm được tình hình nói trên, hiện nay Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã vào cuộc điều tra. “Trong trường hợp Cục Quản lý cạnh tranh chưa vào cuộc thì chúng tôi sẽ có ý kiến, giờ họ vào cuộc thì chúng tôi phải chờ kết quả xử lý. Chúng tôi tôn trọng việc điều tra của cơ quan chức năng theo pháp luật Việt Nam, ai làm sai pháp luật thì sẽ bị xử lý” - ông Cường khẳng định.