Kỳ cuối: Nửa năm nhọc nhằn gom chứng cứ từ các cựu tù ở trại giam số 3

Những bức ảnh này được phạm nhân chụp bằng điện thoại di động
Những bức ảnh này được phạm nhân chụp bằng điện thoại di động
(PLO) - Sáu tháng điều tra không kể nguy hiểm tính mạng, hành trình của người phóng viên mãi mãi sẽ là bí mật, nếu bài báo không được đăng tải và những bức ảnh không được sử dụng làm chứng cứ quyết định trong một phiên tòa chấn động dư luận. 
Sau khi nắm được thông tin về tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy trong Trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An), phóng viên đã tìm mọi cách “thâm nhập” đường dây, tiếp cận nhân chứng, lục tìm lại các cựu tù Trại 3 và thuyết phục được một phạm nhân tên H đang thi hành án tại đây đồng ý làm “tay trong”. Đó mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình điều tra, thu thập chứng cứ gian nan đầy nguy hiểm tiếp theo.
Xây dựng “cơ sở” trong trại giam
Thời điểm tháng 4/2011, sau khi gặp gỡ, nghe phóng viên chia sẻ quyết tâm đưa tình trạng sử dụng ma túy trong trại giam ra công luận để các cơ quan chức năng vào cuộc, trả lại sự trong sạch theo đúng nghĩa cải tạo con người cho nơi đặc biệt này, phạm nhân tên H khẳng định: Sẽ có được các chứng cứ cần thiết. Trước mắt, cách duy nhất là dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) để chụp ảnh việc mua bán, sử dụng ma túy trong trại. Do trong trại giam có nhiều buồng nên phóng viên đã nhờ H tìm thêm ba phạm nhân ở các buồng giam khác nhau cùng thực hiện.  
Việc lựa chọn ai để kết nối hoàn toàn do H tự sắp xếp. Sau mấy ngày, ba người đó chủ động gọi điện thoại liên lạc với anh, yêu cầu: “Anh không cần biết tôi là ai, và tôi cũng không cần biết anh”. Quan trọng là thống nhất vấn đề cuối cùng: Sẽ chụp ảnh và gửi trong thẻ nhớ ra ngoài. Chính vì vậy, đến tận bây giờ phóng viên cũng không biết tên tuổi và thân phận của ba phạm nhân trên, chỉ biết hai người nói giọng Bắc, một người nói giọng đặc sệt Nghệ An. 
Lúc đó đã gần ba tháng trôi qua kể từ khi gặp người phụ nữ đi nhờ xe (mẹ của một phạm nhân đang mắc nghiện trong trại - PV), các chứng cứ vẫn chưa có được. Theo quy ước, việc liên lạc chỉ có H và ba phạm nhân kia chủ động gọi cho anh vào đêm khuya, còn anh không gọi được cho họ. Chính vì vậy mà suốt hai mươi ngày từ lúc gặp gỡ với H, anh luôn sống trong cảm giác thấp thỏm đợi chờ. Những cuộc gọi từ số máy lạ vào buổi tối luôn làm anh giật mình khấp khởi.
“Với H, tôi đọc được điều gì đó trong mắt anh ta khiến tôi rất tin tưởng. Còn với ba phạm nhân khác, tôi thấy chưa yên tâm về lời hứa của họ” – anh chia sẻ. Sau lần giao kết ban đầu qua điện thoại đó, cả ba người trên yêu cầu anh phải gửi tiền để họ mua điện thoại có chức năng chụp hình và thẻ nhớ. Như thế cũng chưa xong, trong thời gian hai mươi ngày sau, ba phạm nhân này còn yêu cầu gửi thêm tiền lần nữa, lý do: điện thoại đã bị thu giữ. Dù biết họ đang “quay” tiền thêm nhưng phóng viên đành chấp nhận vì cần… chứng cứ. 
Tiếp cận “ngân hàng đen”
Điều anh trông chờ cuối cùng đã tới. Vào khoảng 23h ngày nọ, phóng viên nhận được điện thoại của một phạm nhân thông báo: “Đã có hình ảnh về việc chích, hút ma túy của các phạm nhân ở K1. Ngày mai sẽ có người liên lạc đưa cho anh. Địa điểm ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An)”. 
Suốt cả ngày hôm sau anh không dám rời chiếc điện thoại, nhưng đến tối cũng không có ai liên lạc. Rất nhiều câu hỏi và giả thiết xấu được đặt ra. Ngày sau nữa cũng vậy, phóng viên tiếp tục chờ đợi. Khi bóng tối bắt đầu trải đều trên con đường trước nhà, sự kiên nhẫn bắt đầu nhường chỗ cho thất vọng thì anh nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông lạ.
Cuộc gặp gỡ, trao đổi sau đó diễn ra chớp nhoáng, chiếc thẻ nhớ nhỏ xíu được gói cẩn thận đã nằm trong tay. Về nhà, anh cẩn thận đóng kín cửa, đưa thẻ nhớ vào máy tính hồi hộp chờ đợi. Nhưng sự chán nản và thất vọng ngap lập tức ập đến, cảm giác rã rời. Trong chiếc thẻ nhớ này chỉ có năm bức ảnh… không thể gọi là chứng cứ!
Sau đó, phóng viên còn thực hiện nhiều cách để tìm chứng cứ nhưng cũng đều thất bại. Suốt quãng thời gian này, anh hoàn toàn bị mất liên lạc với nhóm người của mình đang thụ án trong trại giam. Quyết tâm không bỏ cuộc, anh tiếp tục đi theo hướng điều tra khác, xác lập các nhân chứng là người trong cuộc. Sau khi sàng lọc danh sách những người vừa mãn hạn án phạt tù trở về từ Trại giam số 3, anh tìm đến gặp từng người để nói chuyện. Họ đều khẳng định: Hiện tượng mua bán, sử dụng ma túy trong Trại 3 rất nhiều. Họ còn dám đứng ra làm chứng khi cần thiết. 
Không những thế, phóng viên đã tìm gặp các bà mẹ và vợ của các phạm nhân đang thụ án tại Trại 3 để củng cố thêm chứng cứ. Cũng từ những người nhà phạm nhân này, anh đã tiếp cận được các “đại lý” trong hệ thống “ngân hàng đen”, cũng như phương thức chuyển tiền ra, vào trại giam của hệ thống “đại lý” này. Tất cả đều đóng trên địa bàn TP.Vinh. 
Bàng hoàng vì sự thật
Đã bước sang tháng thứ năm từ khi bắt đầu điều tra vụ việc, các nhân chứng đã có đủ, nhưng chứng cứ quan trọng và thuyết phục là những hình ảnh ở “trong đó” vẫn chưa có. Bất ngờ vào một đêm mưa tầm tã, anh nhận được tin nhắn từ một số máy lạ có nội dung: “Đã có hình ảnh đầy đủ và rõ nét, hãy nạp ... triệu đồng bằng thẻ Viettel để nhận thẻ nhớ”. 
Cảm giác hồi hộp và phân vân lại đến, anh chưa biết phải xử lý như thế nào, bởi có thể đây lại là một quả lừa. Sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau anh quyết định mua thẻ cào, nhắn vào số máy đó và chờ đợi. Hôm sau, anh nhận được tin nhắn có nội dung: “Hai ngày nữa vào lúc 4 giờ chiều, anh đứng đợi ở đường mòn Hồ Chí Minh ngay lối rẽ vào trại giam, sẽ có người đưa cái cần thiết cho anh”.
Đúng ngày đã định, phóng viên đến trước giờ hẹn những hai tiếng, chờ đợi. Kim đồng hồ nhích qua số bốn, vẫn chưa thấy ai xuất hiện như đã giao ước. Khi sự thất vọng bắt đầu xâm lấn, anh đang tự trách mình cả tin thì một chiếc xe máy xuất hiện. Một người đàn bà lam lũ nói giọng Bắc ngồi sau xe bước xuống gặp anh. 
Sau vài câu trao đổi, bà đưa cho anh một cái thẻ nhớ với lời nhắn: “Nó nói nạp nhạc nhiều vào, rồi gửi cho nó”. Xong, người phụ nữ chất phác này nói câu chào vội vã để kịp đón xe đi ra hướng Bắc. Nét mặt và cử chỉ cho thấy bà ta không hề biết về nội dung chiếc thẻ nhớ, có thể ai đó đã nhờ bà ta chuyển ra cho anh. 
Lần này khi về nhà mở thẻ nhớ, sự sung sướng tột độ dâng trào. Trong chiếc thẻ nhớ này có tất cả 16 tấm ảnh, chụp đầy đủ các hành vi phạm pháp của các phạm nhân trong trại cải tạo. Không những thế, khuôn mặt của những người sử dụng, mua bán ma túy trong ảnh rất rõ nét. Họ đang còn mặc nguyên cả quần áo “Juventut”, sọc đen trắng là trang phục của trại giam. Mặc dù đã biết trước sự việc qua những lời kể, nhưng khi xem ảnh, phóng viên vẫn không khỏi bàng hoàng về sự thật ma túy đang tồn tại trong Trại giam.
“Đặc tình” trở về
Khi phóng viên đang sắp xếp các chứng cứ có trong tay để đưa vào bài phóng sự thì H bất ngờ xuất hiện. Anh ta mãn hạn án phạt tù, được nhận giấy ra trại vào sáng hôm đó. Hóa ra, sau khi xây dựng được ba “cơ sở” khác, H bị bắt vì tội sử dụng điện thoại phải nhận kỷ luật buộc phải chuyển từ Phân trại K1 sang Phân trại K2 cách đấy khoảng 5km. 
Đó chính là nguyên nhân khiến anh mất liên lạc với H suốt từ đó đến giờ. H đưa cho anh một cái thẻ nhớ, trong đó cũng chứa những bức ảnh kinh hoàng liên quan đến ma túy trong trại giam, chỉ khác là những bức ảnh này chụp tại Phân trại K2, Trại giam số 3. Những bức ảnh này cũng rất rõ nét. H còn tận tình đọc tên tuổi, can tội và án phạt của từng phạm nhân có mặt trong ảnh.
Vật chứng, nhân chứng đã đầy đủ, bài phóng sự về tình trạng mua bán, sử dụng ma túy trong trại giam ra đời. Vậy là gần sáu tháng kể từ khi gặp người phụ nữ đi nhờ xe, cho đến khi có đủ điều kiện để viết bài, phóng viên đã mất rất nhiều công sức để xác minh vấn đề, chắp nối thông tin và thu thập chứng cứ. 
Đáng tiếc, bài điều tra công phu này đã không đến được với bạn đọc ngay tại thời điểm đó. Sau đó không lâu, đường dây mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy trong Trại giam số 3 bị bóc gỡ. Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử 28 bị cáo, một số bức ảnh trên đã được Hội đồng xét xử đưa ra làm chứng cứ quyết định, buộc các bị cáo đang phản cung phải nhận tội với mức phạt 237 năm tù. Nhưng xuất xứ các bức ảnh cũng không được công bố!
Lời kết: 
Hơn 3 năm từ ngày bài phóng sự đặc biệt đó được hoàn thành và gần hai năm sau phiên tòa chấn động trên, được sự đồng ý của tác giả, Báo PLVN đã gửi đến bạn đọc loạt bài 4 kỳ “Chuyện giờ mới kể về một bài báo… không được đăng”, đăng nguyên văn bài điều tra trên (mời xem Báo PLVN số ra ngày thứ Ba, 24/6/2014) và hành trình tác nghiệp gian nan để tìm ra sự thật. 
Phóng viên điều tra năm xưa giờ không còn theo nghiệp báo, khi đồng ý công bố về số phận tác phẩm của mình và những bức ảnh chứng cứ đắt giá, người cựu phóng viên tâm sự: “Sau khi vụ án được triệt phá, đã có nhiều cuộc hội thảo, bàn về việc phòng chống ma túy trong trại giam được Bộ Công an tổ chức. Môi trường trại giam nói chung và Trại giam số 3 đã hoàn toàn trong sạch, đó là điều tôi hài lòng nhất. Còn lý do vì sao kể lại chuyện này, cho phép tôi không được trả lời”. 
Bất chợt, anh nhắc đến H – phạm nhân đã giúp anh thu thập chứng cứ và xây dựng các “cơ sở” trong Trại 3 ngày trước. H đã bị tai nạn qua đời cách đây hơn một năm mà chưa hề được đọc bài điều tra ra đời từ những bức ảnh “độc” do chính anh ta chụp lại.

Đọc thêm

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.