Để tranh giành địa bàn, các đối tượng khai thác cát dọc tuyến Sông Lô qua địa bàn ráp gianh hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã tổ chức hàng chục vụ hỗn chiến thậm chí nổ súng làm náo động cả vùng quê vốn bình yên. Thế nhưng hệ thống chính quyền từ cấp xã đến cấp tỉnh vẫn không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý.
Các ghe tàu “ăn” cát gầm gừ qua lại trên sông Lô |
Từ côn đồ nổ súng bắn dân lành
Lô Giang chảy qua địa bàn huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) dài khoảng 28km trải rộng qua địa bàn 10 xã của huyện khiến dọc theo tuyến sông trở thành một “kho” cát khổng lồ mà người dân địa phương ví nó như một mỏ vàng có thể giúp vùng đất trung du nghèo khó nơi đây “thay da, đổi thịt”.
“Những vụ nổ súng làm người dân cảm thấy hoang mang lo sợ. Lực lượng ở cấp xã thì mỏng, phương tiện lại không có, vi phạm thì thường xẩy ra vào ban đêm. Nói thật, nhiều khi biết tụi nó đang khia thác ngoài kia mà không dám ký quyết định cho ai ra vì lo sợ tính mạng bị đe dọa ”- ông Hoàng Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu. |
Thế nhưng cả một thời gian dài, lạ là tỉnh Vĩnh Phúc không có bất cứ quy hoạch nào để quản lý khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này một cách hiệu quả. Thiếu quy hoạch dẫn tới khó quản lý và như tất yếu nạn “cát tặc” có điều kiện mà hoành hoành. Qua khảo sát, dọc tuyến sông này mấy năm qua có cả trăm đơn vị, cá nhân với đủ loại phương tiên tham gia khai thác cát sỏi tràn lan, trong khi chỉ một vài đơn vị là được cấp phép.
Thiếu quy hoạch, quản lý bị buông lỏng nên từ đầu năm 2012 đến nay, dọc tuyến Sông Lô qua địa bàn ráp gianh giữa Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã xảy ra hàng chục vụ thanh toán, tranh giành địa bàn của nhiều nhóm giang hồ, những vụ nổ súng làm náo động cả vùng quê vốn yên bình.
Theo ghi nhận của PV, do lợi nhuận từ khai thác cát sỏi rất lớn nên việc tranh chấp “địa bàn” khai thác diễn ra rất gay gắt, dẫn đến một số công ty, cá nhân còn thuê các đối tượng là “xã hội đen” ở các địa bàn khác nhau đến khu vực có khoáng sản, chia băng nhóm để bảo kê cho hoạt động khai thác. Nổi lên là khu vực ráp gianh giữa huyện Sông Lô ( Vĩnh Phúc) và huyện Phù Ninh (Phú Thọ).
Theo UBND xã Bạch Lưu, đã có ít nhất 2 vụ mà các đối tượng giang hồ nổ súng vào dân lành trên địa bàn. Lần đầu vào ngày 4/4/2012, khi các đối tượng trên chiếc tàu cuốc khai thác cát trộm ban đêm đã nổ súng hoa cải, bắn trọng thương 4 người dân trong làng khi ra bãi Soi giữ đất. Mới đây, vào tối 17/10/2012, có 2 tàu cuốc vào khai thác cát sỏi giáp với đất canh tác ở bãi Soi Đình, thôn Hùng Mạnh bị người dân phát hiện lao ra ngăn cản thì bị một số đối tượng dùng súng tự chế bắn gây trọng thương phải đi cấp cứu.
Những vụ nổ súng làm người dân hoang mang tột độ, lúc nào cũng cảm thấy nơm nớp lo sợ. Lực lượng ở cấp xã thì mỏng, phương tiện lại không có, vi phạm thì thường xẩy ra vào ban đêm. “Nói thật, nhiều khi biết tụi nó đang khai thác ngoài kia mà không dám ký quyết định cho ai ra vì lo sợ tính mạng anh em bị đe dọa ”- ông Hoàng Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Lưu nói.
Đến tổ chức cướp mỏ
Theo điều tra của PLVN, các đối tượng thường dùng các loại hung khí, súng tự chế, vũ khí quân dụng, huy động đông người bao vây, uy hiếp xông lên các tàu khảo sát, khai thác cát đe dọa, hành hung, hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản của những đơn vị, cá nhân tham gia khai thác cát, thậm chí nổ súng bắn vào dân địa phương khi họ muốn ra ngăn cản việc khai thác cát trái phép.
Liên tiếp trong các ngày từ 5/5 đến 8/5/2012, Cty Cổ phần Khái thác và chế biến khoáng sản Hoàng Phát, một đơn vị được cấp phép khai thác phải trình báo cơ quan chức năng khi bị một nhóm đối tượng lạ mặt mang theo vũ khí nóng với hành vi có tính chất manh động đã đột nhập lên tàu và máy cẩu khai thác cát sỏi của cty đang hoạt động ở địa bàn xã Đôn Nhân đe dọa các nhân viên đang làm việc.
Nạn nhân tiếp theo là Cty THHH Việt Thắng. Cty này từ năm 2010, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát với diện tích 52,6 ha trên địa bàn 2 xã Hải Lựu và Bạch Lưu (sau đó điều chỉnh lại là 8,93 ha). Quá trình khai thác doanh nghiệp cũng liên tục bị một nhóm “xã hội đen” đe dọa, thậm chí dùng vũ lực để cướp mỏ.
“Kì lạ hơn, ngày 12/6/2012, nhóm này còn chìa ra Quyết định của Cty cổ phần đầu tư Trường Sơn thành lập Ban quản lý khai thác cát, sỏi tại mỏ mà Cty chúng tôi được nhà nước cấp phép hoạt động hợp pháp để xua đuổi chúng tôi. Đối tượng Nguyễn Tuấn Minh, được Cty này phong cho chức vụ Trưởng ban. Trong khi chúng tôi chẳng có liên kết liên doanh gì với doanh nghiệp hay cá nhân này”- Nguyễn Thị Kim, Giám đốc Cty TNHH Việt Thắng cho biết.
Công an xã Bạch Lưu xác nhận anh Nguyễn Tiến Đạt (SN 1987, Tổ trưởng của Công ty TNHH Việt Thắng) vào tháng 6/2012 khi đang điều khiển tàu cuốc khai thác cát thuộc địa phận mỏ cát được cấp phép thì bị một đối tượng tự xưng là người của Cty CP Trường Sơn hành hung vào đầu và mặt khiến anh Đạt bị thương tích và đưa vào trạm y tế điều trị.
Quá bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Cty TNHH Việt Thắng đã làm đơn lên nhiều cơ quan chức năng của xã, huyện, và tỉnh để kêu cứu nhưng không có cơ quan nào dám đứng ra giải quyết. Hậu quả là mỏ cát của Cty Việt Thắng đã bị nhóm đối tượng côn đồ phong tỏa, chiếm đoạt và ra sức khai thác trong một thời gian dài gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho Cty này.
Theo thống kê của UBND huyện Sông Lô: Hiện trên địa bàn có 4 đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát sỏi từ 3 đến 10 năm với tổng diện tích 121,19 ha gồm: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bắc Ái (39,77 ha); Công ty cổ phần Khai thác và chế biến Lâm khoáng sản Hoàng Phát (9,29 ha); Công ty Cổ phần Xây dựng và kinh doanh nhà Vĩnh Phúc (46,4 ha); Công ty TNHH Việt Thắng (8,93 ha). |
Phi Hùng