“Thước đo” nào?
“Một DN muốn phát triển bền vững trước tiên phải làm ăn có lãi, nếu làm ăn không có lãi thì không thể nói là phát triển bền vững được. Tuy nhiên, việc DN tạo ra lợi nhuận phải gắn liền với xã hội, môi trường…”, ông Nguyễn Quang Vinh – Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững, Tổng Thư ký Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam nhận định.
Ông Vinh cho biết, khi xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI), Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững đã định lượng ra những vấn đề tưởng chừng không thể định lượng được, từ đó quyết định đâu là một DN bền vững, hoặc bền vững ở mức độ nào.
Để xây dựng được bộ chỉ số này, cần sự chung tay góp sức của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Các chuyên gia cũng đã nghiên cứu nhiều bộ chỉ số trên thế giới cũng như bộ chỉ số báo cáo toàn cầu để chọn ra bộ chỉ số đo lường phát triển bền vững của DN Việt Nam. Từ đó, phân biệt được DN nào đang bền vững, bền vững ở mức độ nào.
“Các DN nhỏ và vừa, DN nhà nước, DN tư nhân có thể soi mình vào bộ chỉ số này để tự đánh giá mình đang bền vững ở mức độ nào, từ đó có thể đến các công ty tư vấn, hoặc đến Hội đồng DN phát triển bền vững của VCCI để được hỗ trợ…”, ông Vinh nói.
Đại diện Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững cũng cho biết, trong thời gian tới, đi cùng với sự đánh giá, xếp hạng, 100 DN bền vững được đánh giá hàng năm sẽ lan tỏa ra tới các đối tác, bạn hàng trong chuỗi giá trị để ngày càng có nhiều DN Việt Nam phát triển bền vững. Cùng với đó, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững cũng tổ chức hàng loạt các khóa huấn luyện tại các hiệp hội để các DN có thể nắm được 151 tiêu chí bộ chỉ số này, qua đó có thể tự xây dựng cho mình báo cáo bền vững giữa DN và các cổ đông bên trong và bên ngoài DN…
“Mẫu số chung” tính sáng tạo
“Chúng tôi rất tự hào là một trong 100 DN được bình chọn DN phát triển bền vững năm 2016. Theo tôi, DN để tồn tại thì phải phát triển bền vững. Bộ chỉ số CSI này rất công phu và đánh giá, định lượng được những tiêu chí khó đánh giá, là thước đo để chúng tôi biết nên đi theo hướng nào để phát triển bền vững, qua đó cũng nắm được những tiêu chí cần cải thiện để phát triển tốt hơn nữa….”, ông Hoàng Hà Phương, Tổng Giám đốc Tasco chia sẻ.
Theo ông Phương, là một DN kinh doanh về lĩnh vực bất động sản, DN không chỉ tạo ra những sản phẩm sáng tạo cung ứng cho khách hàng mà ngay trong nội hàm DN, DN cũng luôn tạo không gian để nhân viên luôn đam mê để sáng tạo.
Nếu như ở Tasco, có khẩu hiệu “khác biệt hay là chết” thì ở Kangaroo có một câu khẩu hiệu được treo ngay tại hội sở: “Không chỉ trích, không giải thích, hãy đưa ra giải pháp”. Theo ông Nguyễn Tất Hải – chuyên gia tài chính cấp cao Kangaroo, công ty này lấy mục tiêu phát triển bền vững là phương thức để phát triển. “Ở Kangaroo, lãnh đạo nói xây dựng DN cũng giống như xây ngôi nhà cần nền móng vững chắc. Và khi nói đến DN thì mọi người thường nói đến lợi nhuận nhưng với Kangaroo đây chỉ là bề nổi, giá trị Kangaroo hướng tới bền vững là mối quan hệ với cổ đông, nhà cung cấp, khách hàng, các tổ chức chính trị - xã hội và môi trường…”, ông Hải chia sẻ.
Để làm được điều đó, DN này luôn quan tâm và khơi gợi tính sáng tạo của nhân viên. “Đối với Kangaroo, DN và nhân viên có mối quan hệ như nhân viên là khách hàng của DN. Chúng tôi coi nhân viên như khách hàng và cần phải tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về vật chất, tinh thần. Do vậy, chúng tôi hiểu được nhân viên muốn gì và đáp ứng tối đa yêu cầu cho nhân viên, đổi lại nhân viên có thể sáng tạo cho DN…”, ông Hải chia sẻ.
Phải có quy trình quản trị nội bộ tốt
Lọt top 10 DN dịch vụ bền vững nhất Việt Nam năm 2016, theo bà Trần Thuỳ Trang – Giám đốc nhân sự Deloitte Việt Nam, đối với DN cung cấp dịch vụ chuyên ngành như Deloitte Việt Nam, lợi thế phát triển bền vững chính là nguồn nhân lực. Được biết, ngày 21/9 hàng năm được chọn là “Ngày sáng tạo” của Deloitte Việt Nam, nhưng theo bà Trang không chỉ có ngày 21/9 mà ngày nào cũng có thể được coi là ngày sáng kiến..”. Chúng tôi nỗ lực xây dựng môi trường làm việc mà ở đó việc khơi nguồn sáng tạo liên tục như một dòng chảy mạnh mẽ, tạo nên sự khác biệt cho giá trị chiến lược phát triển của Deloitte Việt Nam…”, bà Trang chia sẻ.
Cũng theo đại diện Deloitte Việt Nam, một trong 4 giá trị cốt lõi là “Sự cam kết”. Từ cam kết của đội ngũ lãnh đạo, lan toả cam kết tới từng nhân viên. “Thay vì yêu cầu nhân viên phải cam kết một cách cứng nhắc, chúng tôi biến cam kết thành điều tự nhiên, mềm hoá nó để bản thân từng nhân viên thấy được trách nhiệm của mình với công ty. Như vậy, sự cam kết được đồng thuận thực hiện từ Ban Lãnh đạo đến tập thể nhân viên một cách tự nhiên, nhất quán và tạo ra sức mạnh vô hình giúp công ty vận hành một cách tốt nhất…”, bà Trang chia sẻ.
Vấn đề đặt ra là DN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo bộ chỉ số CSI có khó không, có tốn kém không khi đa số các DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn hẹp, kinh nghiệm ít ?
“Nếu nhìn sâu vào bản chất của 151 tiêu chí bộ chỉ số phát triển bền vững có thể thấy, bộ chỉ số này nặng ở chỉ số mang tính chất quản trị. Nếu chúng ta có quy trình quản trị nội bộ tốt thì đã là DN phát triển bền vững tốt rồi. Khi có quy trình quản trị tốt, kết quả kinh doanh đạt được tốt hơn về mặt kinh tế, lợi nhuận tốt hơn có thể có nguồn vốn đầu tư vào công nghệ…”, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Thư ký Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững giải đáp.
Theo ông Hải, đây cũng chính là lý do Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững xây dựng xuất phát điểm của bộ chỉ số CSI bởi chỉ số cần phải hài hòa với môi trường kinh doanh của Việt Nam, từng bước hội nhập với môi trường quốc tế…