Hội nghị tổng kết dự án Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2016 do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp với Thanh tra Chính phủ (TTCP) diễn ra sáng qua (16/3), do ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ chủ trì.
Xử lý tham nhũng: đáp ứng hơn 41% yêu cầu
Tổng hợp kết quả thực hiện dự án trong một năm (từ tháng 12/2015 đến tháng 11/2016), ông Phạm Trọng Đạt cho biết, điểm trung bình của công tác PCTN cấp tỉnh toàn quốc là 58,11/100 điểm, cho thấy công tác PCTN ở cấp tỉnh hiện mới chỉ đạt được 58,11% yêu cầu, còn khoảng cách rất xa với mục tiêu phi tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. “Kết quả này chỉ ra một điều rất quan trọng là công tác PCTN cấp tỉnh cần ráo riết hơn, tích cực hơn mới mong công tác PCTN đạt được thành công” – ông Đạt nói.
Bên cạnh đó, điểm PCTN giữa các địa phương không đồng đều, trong đó cao nhất là Lào Cai đạt 77,67% và thấp nhất là Vĩnh Long (43,53%). Theo TTCP, thực tế này cho thấy cần phải có sự quan tâm thực sự tới công tác PCTN ở cấp tỉnh với chính sách có phân loại và chương trình hỗ trợ thỏa đáng từ Trung ương.
Trong các nội dung thành phần, theo ông Đạt, công tác xử lý tham nhũng là điểm yếu nhất cả về điểm số lẫn khoảng cách giữa các địa phương. Ở nội dung này, điểm số trung bình toàn quốc là 10,4 điểm; đáp ứng 41,65% yêu cầu. Đặc biệt, có 7 địa phương đạt 0 điểm ở khâu này, bao gồm Trà Vinh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên, Vĩnh Long và Bạc Liêu.
Còn công tác phòng ngừa tham nhũng trung bình đạt 19,72 điểm, đáp ứng 65,73% yêu cầu. Thực hiện kém nhất trong các biện pháp phòng ngừa là việc nộp lại quà tặng và tặng quà sai quy định. Theo báo cáo của TTCP, việc kiểm tra thực hiện các quy định về nộp lại quà tặng và tặng quà không thường xuyên và liên tục; quá trình thanh, kiểm tra không phát hiện sai phạm.
“Cả nước có duy nhất UBND tỉnh An Giang qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 1 đơn vị sai phạm trong việc trích tiền ngân sách mua quà 1,2 triệu đồng. Điều đó cho thấy việc thực hiện biện pháp này là chưa hiệu quả và còn hình thức” - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP nhận định.
Báo cáo cũng cho biết một số địa phương còn tồn tại tâm lý thành tích, có quan điểm “làm đẹp” số liệu để đạt điểm cao, thể hiện ở việc điểm tự chấm của các địa phương với điểm cuối cùng theo đánh giá của hội đồng đánh giá có sự chênh lệch.
Theo TTCP, thành công bước đầu của việc triển khai thí điểm đánh giá công tác PCTN dựa trên bộ chỉ số PACA 2016 là tiền đề nhằm xây dựng các bộ chỉ số đánh giá công tác PCNT cấp huyện, các chỉ số tại các bộ, ngành…, từ đó hình thành bộ công cụ đánh giá công tác PCTN của Việt Nam.
Lượng hóa công tác phòng chống tham nhũng
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phí Ngọc Tuyển – Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (TTCP) cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Luật PCTN năm 2006, công tác PCTN đến nay đã tương đối nền nếp. Tuy nhiên, hiệu quả công tác PCTN vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu, đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác PCTN, trong đó có việc phải nâng cao chất lượng đo lường kết quả công tác PCTN nhằm đánh giá được hiệu quả cũng như xác định được những điểm mạnh, hạn chế trong thực hiện để công tác chỉ đạo, điều hành về PCTN đạt hiệu quả cao.
Hướng tới mục tiêu trên, tháng 6/2016, Tổng TTCP đã phê duyệt “Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN đối với cấp tỉnh 2016” (PACA 2016) với mục tiêu hướng tới lượng hóa được sự tiến triển toàn diện, thực chất công tác PCTN thuộc trách nhiệm UBND cấp tỉnh. PACA 2016 tập trung đánh giá công tác PCTN của UBND cấp tỉnh trên 4 nội dung chính là quản lý nhà nước về PCTN, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng và xử lý các hành vi tham nhũng.
Việc đánh giá được thực hiện theo 3 bước. Bước đầu, UBND cấp tỉnh thiết lập hồ sơ đánh giá và xây dựng báo cáo đánh giá, hoàn thiện bảng tự chấm điểm theo quy định tại Quyết định 1426 và các hướng dẫn gửi về TTCP. Sau khi nhận được Báo cáo đánh giá, bảng điểm tự chấm cùng hồ sơ đánh giá, Tổ công tác của TTCP sẽ căn cứ trên hồ sơ, tài liệu mà UBND cấp tỉnh cung cấp, đối chiếu với bảng tự chấm điểm, báo cáo và rà soát lại điểm tự chấm của địa phương. Dự thảo Báo cáo chung toàn quốc sau đó đưa ra hội đồng đánh giá và kết luận.